Rong chơi theo những cánh hoa anh đào trắng mỏng tang của mùa xuân, đi tìm mùa thu trở vàng trên những chiếc lá phong bé nhỏ, thả hồn theo ánh sáng của những chú đom đóm gọi hè, hứng trọn những hạt mưa tuyết lạnh lùng của mùa đông… nước Nhật hiện lên trong trang viết của Nguyễn Chí Linh đầy sức hút.

Lần theo trục xoay chuyển của thời gian khi đi qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông xứ Phù Tang, tập du ký của Nguyễn Chí Linh không chỉ đưa người đọc đến với những địa danh nổi tiếng mà còn đào sâu vào lịch sử, văn hóa để kể câu chuyện về một đất nước diệu kỳ. Kèm theo đó, là lời giải cho câu hỏi chung của rất nhiều người: Vì sao nước Nhật, người Nhật lại được cả thế giới kính trọng?

Nguyễn Chí Linh thật sự là một cái tên lạ trong làng sách nhưng với thế giới của những người yêu và mê du lịch, anh là một nhà du hành “thứ thiệt”. Đôi chân mê xê dịch ấy đã được đi qua hơn 90 quốc gia trên thế giới. Vậy mà khi giới thiệu về mình, Nguyễn Chí Linh khá kiệm lời : “Tôi là kẻ ngoại đạo trong giới viết lách. Chỉ viết những gì từng biết và hiểu trong ánh mắt nhà quê”.

Những trải nghiệm của Nguyễn Chí Linh dễ khiến nhiều người ganh tỵ bởi anh không du lịch theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Du lịch, với Linh, là hòa mình vào đời sống của người dân bản xứ, xem họ sống, thưởng thức những món họ ăn và nghe họ kể về những điều đã qua, những điều còn lại và cả những giấc mơ đất nước ấy đang hướng đến. Thế nên, khi viết về hành trình đã trải, mục đích của anh cũng rất giản đơn: Viết sách để ghi lại nhật ký của mình trên đường đời.

Tác giả Nguyễn Chí Linh những ngày ở Nhật Bản

Viết với tâm thế cho chính mình, điều này giúp Linh mang người đọc đến với những vùng đất mà anh đã đi qua, thả họ vào những quán ăn mình từng ngồi, chia với họ thức nhắm anh từng thử… một cách rất tự nhiên. Cũng vì vậy, người đọc khó lòng bứt khỏi những trang viết của anh, nỗi lo của người sợ bị lỡ hành trình.

Bốn mùa trên xứ phù tang, cuốn sách Nguyễn Chí Linh dùng để chạm ngõ địa hạt văn chương là một tác phẩm như vậy.

Nước Nhật 4 mùa xuân, hạ, thu, đông sinh động trong góc nhìn của Nguyễn Chí Linh

Mất hơn 10 năm kể từ ngày đầu tiên đặt chân đến Nhật, Nguyễn Chí Linh mới cho ra đời Bốn mùa trên xứ phù tang. Thời điểm đó, du lịch Nhật Bản chưa cởi mở như hiện nay và không đơn giản để có tấm visa đến Nhật. Vậy mà, cái háo hức của Linh khi được đặt chân đến nơi này vẫn như còn tươi trong từng con chữ. Là những kiến trúc đặc trưng thời Edo, là thủ đô Tokyo sôi động, là những ga tàu ngầm đông đúc… Tất cả, phác thảo nên một Nhật Bản vừa cổ kính, vừa hiện đại.

Điểm cộng của tập sách du ký này là kho sử liệu mà tác giả đã dày công khảo cứu, tìm hiểu từ chính lời kể của những người dân bản địa. Bên cạnh đó, là những kiến thức về văn hóa mà nếu chưa đi, chưa tiếp kiến, chưa rung động… có lẽ, sẽ không thể nào chuyển tải một cách tài tình được. Ví dụ, chỉ với chiếc quạt giấy Sensu nhỏ bé, Nguyễn Chí Linh sẽ kể cho độc giả nghe được lời thì thầm của từng chiếc quạt khác nhau thông qua họa tiết mà nó mang trên mình.

Song song câu chuyện văn hóa, lịch sử, là câu chuyện của con người. Thông qua những nhân vật mình từng làm việc chung, từng tiếp cận trên đất Nhật, tác giả lần lượt tháo những chiếc áo bên ngoài để người đọc tiếp cận được trái tim lẫn tính cách đặc trưng của những người đang sống trên mảnh đất vành đai núi lửa.

Rong chơi theo những cánh hoa anh đào trắng mỏng tang của mùa xuân, đi tìm mùa thu trở vàng trên những chiếc lá phong bé nhỏ, hay thả hồn theo ánh sáng của những chú đom đóm gọi hè, hứng trọn những hạt mưa tuyết lạnh lùng của mùa đông… nước Nhật hiện lên trong trang viết của Nguyễn Chí Linh vô cùng đẹp đẽ và đầy sức hút.

Sẽ không quá lời khi nói rằng, đây là một trong những cuốn sách không thể thiếu với những ai yêu thích con người và văn hóa Nhật Bản, muốn đắm mình trong nguồn mỹ cảm tuyệt vời của xứ Phù Tang.

Sách do First News thực hiện, NXB Tổng Hợp TPHCM ấn hành.

theo TIỂU TÂN/SGGPO