Cây trám đẻ ra tiền tại huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn thuộc sở hữu của gia đình ông Hứa Văn Độ, xóm Phai Kéo, bản Phai Lừa, xã Đồng Giáp.
Cây trám độc nhất vô nhị tại huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn thuộc sở hữu của gia đình ông Hứa Văn Độ, xóm Phai Kéo, bản Phai Lừa, xã Đồng Giáp. Sở dĩ cây trám này trở nên nổi tiếng là bởi thương lái đặt cọc mua quả trong thời gian 10 năm liền với giá cao gấp 4 – 5 lần so với cây cùng loại…
Cây trám độc nhất vô nhị
Câu chuyện về cây trám “đẻ ra tiền” của gia đình ông Hứa Văn Độ được thương lái từ Trung Quốc đặt mua với giá cao, trong thời gian dài là hiện tượng xưa nay chưa từng có tại xóm nghèo biên ải này. Chính vì thế mà nó trở nên nổi tiếng.
Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến khu vườn – nơi có cây trám đen cổ thụ của gia đình ông Độ, nằm cách đường lớn khoảng 4km. Nhìn bề ngoài, cây trám đen to bằng 1 người ôm, cao chừng 15m và có tán xum xuê.
Cây trám đen mà gia đình ông Độ đang sở hữu có hạt tròn, còn loại trám thông thường hạt dài hơn.
Dẫn chúng tôi đến gốc trám cổ thụ nằm nép bên sườn đồi cao, ông Hứa Văn Độ kể lại: “Cây trám đen của gia đình tôi đã được trồng từ cách đây 70 – 80 năm. Hồi tôi còn nhỏ đã trông thấy cây trám to như thân người và vươn cao hàng chục mét. Bố tôi nói đó là cây do ông trồng, cả nhà nên giữ lại, sau này, cha ông già như chiếc lá vàng, rơi dần về cội thì con cháu nhìn thấy cái cây là nhớ đến nguồn gốc của nó”. Cứ như thế, gia đình ông Độ trông giữ vườn trám cẩn thận vì đó là của cải cha ông để lại.
Nhưng có lẽ chuyện về cây trám sẽ chẳng là gì cả nếu như không có một ngày đẹp trời cách đây khoảng 3 năm. Khi đó, một số thương lái người Trung Quốc và Việt Nam lùng sục khắp vùng mua trám đen. Họ đi hết bản này đến bản khác, hễ nhà ai có trám là dò hỏi, rồi kiểm tra cây, lá, quả, hạt… Nhưng kỳ lạ là phần lớn những hộ mà thương lái sau khi kiểm tra đều lắc đầu bỏ đi. Khi họ dừng chân bên cây trám nhà ông Độ bỗng thấy vui mừng kỳ lạ và bắt đầu kiểm tra cẩn thận từng ít một.
Ông Độ nhớ lại: “Khi phát hiện cây trám của gia đình tôi, họ đo kích thước quả, rồi bóc vỏ ra tiếp tục đo kích thước hạt. Khi đo xong thấy ai nấy đều gật gù vẻ ưng ý rồi họ ngỏ ý mua trám. Công việc đàm phán diễn ra nhanh chóng. Họ nói mua quả của cây trám này trong vòng ít nhất 10 năm, đồng thời đặt cọc hẳn 10 triệu trước để làm tin. Mỗi năm, họ sẽ đến thu mua một lần, dù năm mất mùa hay được mùa họ vẫn lặn lội từ Trung Quốc sang để thu mua bằng được. Năm mất mùa có khi cây trám chỉ cho 1 – 2kg hạt nhưng họ vẫn lấy hết, năm nhiều thì 1,2 tạ”.
Với việc thương lái Trung Quốc đặt mua cây trám của gia đình ông Độ đã khiến cho cây này nổi tiếng, bởi Lạng Sơn nức tiếng là cái nôi của trám mà thương lái nước ngoài chỉ thu mua duy nhất 1 cây của gia đình ông.
Cây trám đen có độ tuổi 70 – 80 năm.
Có thể là giống quý hiếm
Chuyện thương lái Trung Quốc sau khi khảo sát cả vùng Văn Quan và chỉ mua mỗi cây trám của gia đình ông Độ khiến cho nhiều người tò mò. Nhiều giả thiết, đồn đoán được đưa ra, nhưng tóm lại là vẫn chẳng rõ vì sao họ lại chỉ thu mua quả của cây trám này.
Ông Độ kể rằng, năm 2003, một số thương lái Trung Quốc đi cùng người Việt Nam đến đây, sau khi xem xét, đo đạc cây trám cẩn thận họ nói đặt mua dài hạn. Lúc đó, ông và một số người hàng xóm hỏi xem họ mua về làm gì thì thấy họ trả lời bằng cái thứ tiếng Trung – Việt lẫn lộn khiến ông chẳng hiểu gì cả. Ông cũng không quan tâm lắm đến chuyện đó, miễn có người mua trám là được. Sau này, mỗi lần thương lái đến đều có người hỏi mua về làm gì, nhưng vẫn không nhận được câu trả lời rõ ràng. Thế rồi có người đoán là họ mua hạt về làm giống, người thì bảo mua quả trám về làm thuốc chữa bệnh, có người lại nói họ đem quả về lọc lấy hạt đem làm vòng trang sức…
Thế rồi, thời gian qua nhanh, ông Độ cùng người dân bản Phai Kéo chẳng hơi đâu mà truy tìm nguyên nhân người Trung Quốc mua quả trám của gia đình ông về làm gì nữa. Nhưng sau đó, họ phát hiện ra cây trám mà gia đình ông Độ đang sở hữu khác hoàn toàn so với tất cả những cây trám khác trong vùng. Đặc điểm phân biệt chính là ở quả trám. Cây trám mà gia đình ông Độ sở hữu cho quả hơi tròn, có độ dài từ 1,5 – 2cm, trong khi hạt của cây này có hình trụ, tròn đều thì quả của những cây khác dài hơn, hạt “gầy” hơn và nhăn. Cũng vì đặc điểm này nên quả trám của gia đình ông Độ đem đến đâu trong tỉnh Lạng Sơn vẫn bị thương lái phát hiện.
Ông Độ kể lại: “Năm 2014, khu vực này dính một trận gió mạnh khiến quả của cây trám đã bán cho thương lái Trung Quốc rụng hàng rổ. Tiếc quá, tôi nhặt 2kg đem ra chợ tỉnh bán. Vừa bán được một lúc thì thương lái gọi điện truy chuyện bán lén trám đen, sau đó chúng tôi có kể lại câu chuyện bão làm trám rụng rồi họ cũng thông cảm, nhưng dặn là dù trám rơi một quả cũng phải giữ lại cho họ. Sau này tôi mới biết, hóa ra quả trám nhà tôi quả và hạt tròn, khác hẳn so với những cây trám khác, cho nên đem bán ở đâu cũng bị người ta phát hiện”.
Có mặt tại khu vườn của gia đình ông Độ, Trưởng bản Phai Lừa Lý Văn Bình phán đoán: Có thể giống cây này thuộc loại quý hiếm và rất có giá trị nên mới được thương lái thu mua với thời gian dài đến vậy. Một số người dân khác cũng đồng tình với ý kiến này và tiết lộ thêm rằng, ở huyện Cao Lộc cũng có cây trám tương tự như của gia đình ông Độ đang sở hữu, nhưng đó chỉ là lời đồn thổi chưa rõ thực hư thế nào. Tuy vậy, dù thế nào đi nữa thì giống trám đen quả tròn như cây của gia đình ông Độ là hiếm và chưa từng thấy tại khu vực Văn Quan, Lạng Sơn.
Ở bản Phai Lừa có nhiều hộ trồng trám, nhưng chỉ có duy nhất gia đình ông Độ có 1 cây trám được thương lái Trung Quốc thu mua.
Cây “đẻ tiền”
Nói cây trám đen của gia đình ông Độ “đẻ ra” tiền có lẽ không quá, bởi giá trị của nó cao hơn rất nhiều so với loại trám thông thường. Theo ông Độ, quả của cây trám này bán được giá từ 200.000 – 250.000đ/kg. Trong khi đó, giá trám thường chỉ bán được ở trong tỉnh để người dân kho thịt lợn với giá 30.000 – 40.000đ/kg, có năm được mùa, giá trám thường có khi giảm xuống còn 20.000 – 25.000đ/kg, trong khi đó, cây trám đen mà gia đình ông sở hữu vẫn giữ giá trên 250.000đ/kg.
Thậm chí, theo lời ông Độ thì mặc dù thương lái đã đặt cọc trước 10 triệu đồng để được mua quả của cây này, nhưng mỗi vụ thu mua họ không trừ dần số tiền đó mà hào phóng cho luôn, miễn là gia đình ông không được bán quả trám đi đâu, kể cả quả rơi do mưa bão vẫn phải gom lại để họ sang lấy.
“Cả bản Phai Lừa có 35 hộ gia đình có cây trám, nhưng chỉ có mỗi gia đình ông Độ có loại trám đen, quả tròn hơn so với những cây khác. Hiện cả bản được mỗi một cây trám này là bán được cho thương lái Trung Quốc với giá cao, loại trám đen thông thường khác giá trị kinh tế không cao, chỉ được vài chục ngàn/kg”.
Ông Lý Văn Bình (Trưởng bản Phai Lừa)
theo Quách Dương/Kiến thức