Đây là cuốn sách hay ở chỗ sau khi đọc xong, bạn sẽ cảm thấy không biết dùng từ ngữ nào để diễn đạt thứ cảm xúc đang chạy trong từng mạch máu.
Nếu xếp cuốn sách này vào thể loại du ký như: Xách balo lên và đi hay Đơn giản tôi là 1 con lừa, Quá trẻ để chết… thì không được. Vì trong sách, bạn không thể biết được gì nhiều về cuộc sống, văn hoá hay phong tục đất nước Ấn Độ như cách mình thường thấy về những cuốn du ký khác.
Mà nếu xếp vào dòng sách tâm linh như cũng không hoàn toàn đúng; vì những trải nghiệm của tác giả về những năng lực siêu nhiên, hay những quyền lực vô hình không rõ ràng như những cuốn Hành trình về phương Đông, Đường mây qua xứ tuyết, Tự truyện của một Yogi…
Cuốn sách là sự pha trộn mỗi thứ có một chút. Một chút tình cảm nam nữ, một chút thoáng qua về đất nước, con người Ấn Độ, một chút trải nghiệm về những điều mà con người khó thể chấp nhận được trên bề mặt của suy nghĩ…
Tất cả hoà trộn một cách khéo léo, không dư, không thiếu, chỉ vừa đủ. Vừa đủ để dẫn dắt người đọc một khi cầm cuốn sách lên thì khó bỏ nó xuống được, vừa đủ một vài câu chuyện để người đọc tin rằng: phép màu là có thật, lòng tốt là có thật; vừa đủ những trải nghiệm đi vào sâu bên trong nội tâm để kích thích người đọc tự mình “lên đường”… Mọi thứ chỉ dừng lại ở mức vừa đủ; như món ăn được nêm nếm hợp lý, không quá mặn, không quá nhạt, giúp người ăn thưởng thức trọn vẹn bữa ăn.
Cuốn sách Bước chân theo dấu mặt trời của tác giả Phương Thu Thủy.
Đường nào rồi cũng về La Mã. Hẳn ai trong chúng ta, khi đã có một vài trải nghiệm nhất định trong cuộc sống, đều từng đã đôi lần đối diện với câu hỏi lớn nhất của đời người: “Tôi sinh ra để làm gì? Tôi sống để làm gì ? Tôi đang đi về đâu?”….Rất nhiều người cất giữ điều ấy nhưng chỉ vài người dũng cảm hành động để ” Bước Chân Theo Dấu Mặt Trời” – đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi thôi thúc từ bên trong ấy.
Trong cuốn sách Ngọc sáng trong hoa sen của tác giả Nguyên Phong, con người tìm câu trả lời lớn nhất của cả đời thông qua ba con đường: Hoạt động – Suy ngẫm – Tình thương. Ở đây, trong cuốn sách Bước chân theo dấu mặt trời, tác giả đã khởi đầu hành trình tìm về bản thể thông qua con đường hoạt động.
Tác giả đã có đủ những thứ tạm gọi là mong muốn của nhiều người: một công việc với mức thu nhập đủ, những chỉ số đánh giá KPI tốt, những người bạn cùng chia sẻ mọi điều trong cuộc sống, một gia đình yên ấm, và một người chồng thương yêu, chiều chuộng vợ. Thế nhưng, những thứ đó liệu đã đủ? Còn điều gì để phàn nàn, còn điều gì để chê trách?
Ban đầu, chỉ là những chỉ số đánh giá KPI thường thấy ở một công ty, những chỉ số đánh giá mức độ hiệu quả công việc của người ấy, nhưng liệu những chỉ số ấy có đủ để đánh giá một con người? Kế đến là những lần kẹt xe, những vội vã đến bất cẩn của người đi đường.
Những tàn tro của giấy vàng mã khi đến thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tiếng khóc của trẻ em nhà hàng xóm… Những điều nhỏ nhỏ, tưởng chừng vụn vặt, đều gợi lên những khoảng trống sâu thẳm bên trong nội tâm, đủ để thôi thúc tác giả tìm kiếm 1 điều gì đó để lấp đầy. Thế là… lên đường.
Từng chút, từng chút một, từng con người tự nhiên xuất hiện, từng việc, từng việc xuất hiện… dường như sắp đặt sẵn vậy để thúc đẩy tác giả đi đến vùng đất Ấn Độ, để học hỏi những giáo lý cổ xưa và thực hành phương pháp đã giúp nhiều người thoát ra mọi sự đau khổ.
Ấn Độ là nơi có những công trình kiến trúc tinh xảo như đền Taj Mahal, văn hóa truyền thống tinh tế, ẩm thực văn hóa đa dạng, nơi hầu như ngày nào trong năm cũng là lễ hội, nơi giàu nghèo phân biệt rõ rệt, nơi ta thấy ranh giới sự sống cái chết quá mong manh khi thấy tận mắt thân xác hóa thành tro bụi (bờ sông Hằng linh thiêng) … Và cũng là nơi cực kỳ bình yên (Pondicherry).
Bước chân theo dấu mặt trời là cuộc hành trình đầy cảm xúc của một người đã và đang đi tìm ánh sáng cho đời mình. Nhưng nó cũng sẽ là cuộc hành trình đầy cảm xúc của những người vẫn luôn chuẩn bị đi tìm ánh sáng cho đời mình.
Trong cuốn sách, bạn sẽ cảm nhận rõ ràng: Ở đâu cũng tồn tại bất công, xấu xa nhưng vượt lên tất cả, điều tốt đẹp vẫn ngự trị trong thế giới con người. Vậy nên hãy sống như những chú chim: “Chú chim chẳng quan tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình, nó sống theo tự nhiên và tự do vút bay”.
Theo Hoa Hạ/Zing.vn
Có thể bạn muốn xem
Thư viện tìm cách đưa sách đến bạn đọc
Phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí
Vượt bẫy cảm xúc
Biên sử nước
Bí quyết đơn giản hóa cuộc sống
Bàn Cờ Lớn
5 nguy hại khi cho con chơi smartphone quá nhiều
Đừng chết bởi hóa chất
Hệ Miễn Dịch – Kiệt Tác Của Sự Sống