Chính thể đại diện (Representative government), Bàn về Tự do (On Liberty) và Chủ nghĩa công lợi (Utilitarianism) là ba tác phẩm được chọn lựa như các tác phẩm tiêu biểu của John Stuart Mill trong bộ sách Great Books Of The Western World (Encyclopedia Britanica, 1994). Chính thể đại diện là một tác phẩm thuộc lĩnh vực triết học về chính trị và xã hội được xuất bản năm 1861. Như vậy tác phẩm này được viết cách đây đã gần một thế kỷ rưỡi và người ta có thể đặt câu hỏi liệu nó có thể có giá trị gì với độc giả Việt Nam ngày nay? Đó cũng là câu hỏi mà người dịch tự đặt ra cho mình khi bắt tay vào công việc đầy khó khăn và mạo hiểm là dịch một tác phẩm không mấy “hấp dẫn” như tác phẩm này.
Theo hiểu biết của tôi thì đây là một trong các tác phẩm kinh điển về nền dân chủ phương Tây. Cùng với tác phẩm Nền dân trị Mỹ của Alexis de Tocqueville[1] tác phẩm Chính thể đại diện của J.S. Mill được xem như những khảo cứu mang tính nền tảng đối với các thiết chế chính trị-xã hội ở các nước Anh và Hoa Kỳ thế kỷ XIX. J.S. Mill xem xét vấn đề với tinh thần khách quan khoa học; mọi phán xét ông đưa ra đều có căn cứ lập luận rõ ràng và dựa trên những bằng chứng thực tế đương thời hay lịch sử. Vì vậy tác phẩm này cung cấp cho ta những tri thức khả tín để hiểu được cơ sở của nền dân chủ phương Tây. Từ đó ta mới có căn cứ để nhận dạng xã hội phương Tây hiện đại một cách chính xác. Đất nước ta đã chọn lựa hội nhập với thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế thì nhất thiết phải hiểu biết về những đối tác của mình.
Hơn thế nữa, hai chục năm đã trôi qua kể từ khi đất nước ta chọn lựa chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế thị trường. Những biến đổi kinh tế dẫn đến nhiều đổi thay lớn, tốt cũng như xấu, trong xã hội. Tình hình tất yếu đòi hỏi phải có những điều chỉnh đối với các thiết chế tổ chức xã hội và để thực hiện việc này một cách đúng đắn thì phải học hỏi tri thức của nhân loại. Chúng tôi cho rằng tác phẩm Chính thể đại diện của J.S. Mill xứng đáng để chúng ta quan tâm tham khảo. Tác phẩm này từ thời Minh Trị đã được người Nhật dịch sang tiếng Nhật với nhan đề “Chính thể đại nghị”. Chúng tôi không dùng cách chuyển ngữ này vì e ngại độc giả hiểu lầm chủ đề của tác phẩm chỉ giới hạn thảo luận về loại chính thể có hình thức nghị viện nhất định. Nhưng trong suy tưởng của J.S. Mill thì “chính thể lý tưởng tốt nhất là hình thức chính thể trong đó chủ quyền, hay quyền kiểm soát tối cao như một phương sách cuối cùng, được trao cho toàn thể khối tập hợp cộng đồng; mỗi một công dân không chỉ có tiếng nói trong việc vận dụng chủ quyền cơ bản ấy, mà còn ít nhất cũng thỉnh thoảng được yêu cầu tham gia thực sự vào việc cai trị bằng cách đích thân thực hiện một chức năng nào đó, mang tính địa phương hay tổng quát.” (Chương III). Ông viết: “Người ta phán xét chính thể thông qua tác động của nó lên con người, tác động của nó lên những sự việc, thông qua việc nó tạo nên các công dân như thế nào và nó làm gì với họ; xu thế của nó là cải tiến hay làm hư hỏng bản thân dân chúng, tính tốt xấu của việc làm mà nó thực hiện cho họ và thông qua họ.” (Chương II)
Như vậy chúng ta thấy ông không có ý đề ra một khuôn mẫu hình thức cứng nhắc nào để đạt được chính thể lý tưởng mà luôn ý thức rõ ràng rằng mỗi dân tộc phải tự tìm cho mình một kiểu cách tổ chức các thiết chế, sao cho thích hợp nhất với các đặc điểm cũng như trình độ tiến bộ của dân chúng. Có thể nêu ra một số điểm quan trọng trong nội dung tác phẩm như sau:
1) Tình trạng của dân chúng quyết định sự thành bại của chính thể
2) Chức năng của các bộ phận quyền lực hợp thành chính thể đại diện
a) Quyền lực kiểm soát tối thượng thuộc về nhân dân thông qua các đại diện
b) Hoạt động của bộ phận hành pháp
c) Hoạt động của cơ quan đại diện địa phương
3) Một số chủ đề liên quan đến đặc thù của nước Anh thế kỷ XIX
Tác giả: John Stuart Mill
Dịch giả: Nguyễn Văn Trọng – Bùi Văn Nam Sơn
Nhà xuất bản: NXB Tri Thức
Công ty phát hành: NXB Tri Thức
Có thể bạn muốn xem
Quản lý thời gian for dummies
Chuyến bay ‘phi thường’ của Olga Tokarczuk đạt giải Man Booker Quốc tế
7 nét cá tính hấp dẫn mà ai cũng có thể rèn luyện
Nhu cầu tự xuất bản sách ngày càng lớn
Ba dạng thức thờ mẫu của người Việt (PGS.TS. Ngô Đức Thịnh)
11 điều khiến bạn tốn thời gian và không thể dẫn đến thành công
Tạo lập kế hoạch kinh doanh for dummies
Quy Tắc 5 Giây (The 5 Second Rule)
Hoàng Đế Của Bách Bệnh