Tây Nguyên hùng vĩ và bí ẩn hiện lên rất nhiều qua những tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh, hội họa hiện đại nhưng hơi khiêm tốn trong thi ca. Một số cây bút trẻ đang cố gắng tạo dựng vẻ đẹp Tây Nguyên qua tiếng vọng yêu thương theo cách riêng mình, trong đó có Trần Nguyệt Ánh qua tập thơ Vọng núi do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành tháng 4-2022.
Trần Nguyệt Ánh là cây bút thuộc thế hệ 8X hiếm hoi, đáng quý của Tây Nguyên mênh mông. Sinh ra ở Thái Bình, rồi từ nhỏ theo gia đình vào Tây Nguyên lập nghiệp, hiện cô là giáo viên ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Trần Nguyệt Ánh đã xuất bản 3 tập thơ: Gọi về miền nhớ, Miền gió say và mới nhất là Vọng núi viết theo thể thơ 1-2-3.
Được nuôi dưỡng trưởng thành từ Tây Nguyên nên Trần Nguyệt Ánh dành tình yêu lớn lao cho vùng đất đầy huyền tích, để từ chiều sâu tâm thức văn hóa nguồn cội tâm hồn mình cũng được rộng mở: Muốn hóa thân thành chim phí bay khắp bầu trời/Vỗ cánh đỉnh Chư Yang Sin nhìn rõ hơn cội nguồn/Ai là người khai hoang vỡ đất/Ai dệt nên gấm vóc giang sơn?/Ai đã làm nên điệu hồn dân tộc?/Âm vang Tây Nguyên ngập tràn hương sắc? Những câu hỏi vang lên như tiếng vọng từ núi rừng. Hỏi cũng là để trả lời. Hỏi cũng là cách nhắc nhở, nhắc mình nhắc người về công ơn tổ tiên “khai hoang vỡ đất” dệt nên giang sơn gấm vóc muôn đời cho con cháu. Và hỏi cũng là một cách khơi dậy niềm tự hào về một Tây Nguyên hương sắc ngân vang giai điệu da diết: Bản hòa tấu cồng chiêng vút lên/Âm thanh cuộn trào từ dòng Sê-rê-pôk/Bật ra từ những cánh rừng già/Bung lên từ lòng đất ba-zan/Tiếng của núi sông, hòa âm vào hồn dân tộc/Bên nhà rông, lễ thổi tai cho một sinh linh chào đời.
Bề dày lịch sử và sắc thái văn hóa Tây Nguyên thấm đẫm, hòa quyện một cách quyến rũ trong thế giới thơ Trần Nguyệt Ánh. Từng nghi lễ, phong tục, tập quán, ứng xử được tái hiện một cách sinh động bằng những bức tranh thu nhỏ ấn tượng. Em gùi mùa xuân hoa nở núi đồi/Xúng xính m’yêng xinh khăn hồng xuống phố/Tiếng cồng chiêng rộn ràng từ buôn xa vọng vang xóm nhỏ. Rõ ràng cái bức tranh xuân Tây Nguyên ấy không những khác biệt mà còn mang vẻ đẹp hiếm có: Lúa mới thơm nồng ủ hương rượu cần Ban Mê/Cúc quỳ tô má em ngời sắc xuân thì/Cùng nắm tay nhau đi hết nấc thang nhà sàn quê mẹ!
Day dứt tình yêu buôn làng, quê hương thấm đẫm mồ hôi sinh thành trên cánh đồng tuổi thơ, Người đàn bà bước ra từ trong chiêm bao/Vừa mơ giấc mơ cả cuộc đời chưa bao giờ có thật, Trần Nguyệt Ánh cũng nâng niu gìn giữ hạnh phúc gia đình và thấu cảm lẽ đời sinh tử để bước tiếp.
PHAN HOÀNG
nguồn: https://www.sggp.org.vn/lang-le-mot-tieng-vong-yeu-thuong-806879.html
Có thể bạn muốn xem
Cuốn sách đầy sâu lắng về cảm xúc của tuổi trẻ
Kỳ thư Kybalion
Tĩnh Lặng – Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Làm ít được nhiều
Tranh cãi về việc sử dụng sách mô hình để trang trí
Ra mắt sách về Cụm Tình báo H.63 anh hùng
Triệu quả dưa lưới
Hoàng tử trở lại
Nepal – Vùng đất tâm linh