Cuốn tiểu thuyết này không chỉ là một câu chuyện sử thi huyền bí mà còn đem đến cho người đọc những khám phá về giá trị văn hóa độc đáo của người Mông vùng cao nguyên đá hùng vĩ. Lịch sử vùng cao nguyên này thức dậy qua câu chuyện của Vương Thị Chúa – một hướng dẫn viên du lịch trẻ đã táo bạo vượt lên những hủ tục.
Câu chuyện của Vương Thị Chúa dẫn dắt người đọc vào lịch sử huyền bí về “vua Mèo”, về quá trình “khai thiên lập quốc” và sự phát triển cộng đồng người Mông trên vùng cao nguyên đá – những câu chuyện độc đáo, đặc sắc, không nơi nào có được. Cũng bởi vậy mà đối với người Mông, dù đi bất cứ nơi đâu, sinh sống bất cứ nơi nào, thậm chí cả những người được sinh ra ở vùng đất khác, vẫn luôn nhắc đến Mèo Vạc như là quê hương cội rễ của dòng máu trong người họ, để rồi với họ, chỉ có thể là “về Mèo Vạc” chứ không bao giờ là “đến Mèo Vạc.”
Chu Thị Minh Huệ từng khẳng định: “Tôi chọn hình ảnh người phụ nữ Mông vì với họ, những hạn chế, bất lực và hy vọng đã làm nên số phận của chính họ”,… Đau nỗi đau của nhân vật và thấy thương như thương cho số phận của chính mình là điều những ai đã từng đọc văn của Huệ không tránh khỏi. Ta đã từng biết đến số phận của người phụ nữ Mông ở “Thìa gỗ nhà đám” ai thích cầm thì cầm, thích đút đâu thì đút, thích ném đâu thì ném. Hay số phận của “Cô dâu thuốc phiện”, của “Bao nhiêu một đứa đàn bà”… Và ở đây, là “Chủ đất”.
Đầu câu chuyện là hình ảnh đứa cháu gái của Giàng Thụ Ngãi, tiếp đến là em gái của Ngãi, rồi đến Tủa – đứa con gái mà Vương để mắt tới, rồi thậm chí đến cả em gái của Vương – đứa em gái mà Vương yêu quý nhất, rồi bà Ba. Một người con gái cành vàng lá ngọc, danh gia vọng tộc nhưng cũng không thoát khỏi cái số phận trớ trêu đến cùng cực.
Thiết nghĩ, phải chăng với Chu Thị Minh Huệ, số phận của người phụ nữ Mông sinh ra chỉ để mang kiếp sống ngựa trâu, luôn bị đẩy đến tận mép vực thẳm, để rồi đứng thẳng lên, hiên ngang, như cái cây trơ trọi bật đá mà mọc lên giữa cao nguyên đá.
Chuyện về “vua Mèo” là một câu chuyện có thật trong lịch sử của dân tộc, lại mang tính huyền bí và độc đáo, về người trị vì dân Mông và lãnh đạo quân – dân mình chống lại mọi thế lực ngoại xâm để bảo vệ người Mông. Câu chuyện như một cuốn phim hấp dẫn được dựng lại bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh và những chi tiết ám ảnh mà Chu Thị Minh Huệ đã nhẩn nha mê hoặc người đọc. Cô đã dựng lại hình ảnh vua Mèo, kể câu chuyện về vua Mèo và những năm tháng loạn lạc, chiến tranh triền miên, nỗi thống khổ của người dân Mông… như chính cô là người trong cuộc.
Chuyện kể về cha con Vương Chá Pó – một gia đình cũng dòng dõi họ Vương ở vùng Mèo Vạc. Nhưng gia đình này lại đi ngược truyền thống “không thể khuất phục” của người Mông và trở thành tay sai đắc lực cho thực dân Pháp đàn áp chính đồng bào mình. Và vì thế, tác giả đã tạo nên một “cuộc lật đổ vĩ đại” mang thương hiệu Giàng Thụ Ngãi (một tên tay sai đắc lực cho chính cha con nhà Vương Chá Pó). Chuyện của gia đình Vương Chá Pó (cha giết con, anh giết em…) đã làm nền tảng cho một cuộc lật đổ với những âm mưu thâm độc và chiếm đoạt, thể hiện sự chịu đựng nhưng cũng là sự tiềm tàng khát khao thống trị đến mãnh liệt của mỗi con người. Những âm mưu thâm độc chồng lấn, đan xen và dựa vào “cái bóng của kẻ cướp nước” làm nền móng cho sự trỗi dậy mãnh liệt ấy trong suốt chiều dài câu chuyện.
Truyền thuyết kể rằng, hành trình sống của người Mông là những cuộc thiên di bất tận. Và sử sách cũng đã khẳng định, người Mông đi đến đâu là muốn chinh phục đến đó. Họ luôn muốn vươn lên, luôn muốn trỗi dậy và muốn làm chủ tất cả ở vùng đất mà họ đặt chân đến. Và ở Chủ đất này, Chu Thị Minh Huệ cũng đã vận dụng cái “lý lịch cơ sở” ấy.
Về bút pháp tiểu thuyết sử thi thì có lẽ Chu Thị Minh Huệ vẫn cần một chặng đường dài nữa để hoàn thiện. Cái được ở Chủ đất của Huệ là sự sống động, là cách viết hiên ngang, là ngồn ngộn những tư liệu, là dày đặc những chi tiết ám ảnh cuốn hút người đọc. Chu Thị Minh Huệ viết mà như chính cô là người trong cuộc chứ không phải là “hậu thế ngồi nghe kể chuyện ngày xưa”.
Vua Mèo ban đầu chỉ là một chàng trai Mông lãnh đạo nhóm thanh niên ở Sà Phìn luyện tập võ nghệ để đánh đuổi thực dân Pháp ở quanh ngọn núi Đồn Cao và Tò Sán, giành lại vùng đất của người Mông. Sau trận thắng mở màn oanh liệt đó, tiếng tăm và uy tín của chàng trai Mông tuấn tú, cao to vạm vỡ Vương Sè Ly đã được nâng lên một tầng cao mới. Tiếp đến, có sự trợ giúp đắc lực của những trí tuệ xuất chúng (Páo, thầy Dủn…), Vương Sè Ly xưng vương, và bắt đầu cho một chuỗi dài năm tháng làm chủ đất của mình. Kể từ ngày đó Vương Sè Ly trở thành vua Mèo trên vùng cao nguyên đá.
Sức hấp dẫn của Chủ đất là ở những câu chuyện ly kỳ; thí dụ, việc chọn đất làm nhà, xây dinh thự: “Nơi này có chín ngọn núi dựng. Anh thấy chứ, chín ngọn núi chắn tứ phía để tạo nên thung lũng nhỏ xinh này. Cho anh một vòng vây của con rồng mà đầu rồng là dãy này đây. Nơi đầu rồng này hướng về phía Bắc, khi cần sẽ khạc lửa để bảo vệ ổ trứng rồng là ngọn đồi Mâm Xôi này…”. Một địa thế mà chỉ có những người như thầy Dủn mới có thể nhìn ra được để bắt đầu cho một “vương quốc” của vua Mèo. Những chuyện mà có lẽ xưa nay chưa từng có, và cả trong thời đại của khoa học ngày nay cũng chưa chắc có ai đã nghĩ ra: “Quả anh túc được chạm trổ bằng đá để kê chân cột dinh. Chín mươi chín quả anh túc được đục tròn xoe, mập mạp, những khía nhựa vừa thon vừa đều. Chín mươi chín quả anh túc được đánh bóng bằng những đồng bạc già nhất, to nhất. Mỗi quả anh túc kê chân cột tốn mười đồng bạc già… Đứng trên những quả anh túc đá là chín mươi chín cột dinh được đẽo từ sa mộc đá. Những cây sa mộc trăm năm tuổi thẳng vút chọc trời, không cành nhánh, không mấu cây cho dinh những hàng cột thẳng đuột, cao vút hết ba tầng nhà không phải nối…”. Xen vào việc xây dựng là những tính toán, mưu toan về cả phần âm, phần dương, tướng số…; thậm chí số phận của những người thợ xây dựng thuê về từ bên kia biên giới cũng đã được tính đến sau khi xây xong dinh thự. Tất cả: “… Những gì thầy Dủn đã làm ở ngọn đồi Mâm Xôi này chỉ có thầy, Ly, Páo biết”.
Đã có biết bao nhiêu điều kỳ thú xảy ra, từ những việc nhà Vương, việc của người dân Mông, việc đánh Pháp, việc hình thành nên một giai đoạn rùng rợn thổ phỉ kết hợp đan xen những câu chuyện văn hóa Mông độc đáo, với niềm tin bất tận vào trời đất, thần linh huyền bí.
Chỉ cần nhìn vào những chi tiết, sự kiện, những cách nghĩ, cách hành động của một vài nhân vật chủ chốt là có thể hình dung ra văn hóa độc đáo của người Mông mà tác giả đã dày công xây dựng. Đó là Páo – một thủ lĩnh về quân sự của Vương, đại diện cho sự uy nghi, thiện chiến, thông minh nhưng hiền lành nhân nghĩa, sống vì tình và đề cao tính trung quân ái quốc. Đó là thầy Dủn – một tượng đài của văn hóa tâm linh, am hiểu trời đất và am hiểu văn hóa nhưng đầy mưu toan và tàn ác. Am hiểu đến mức có thể sắp đặt được mọi thứ thay thần linh, trời đất, nghĩ ra những toan tính thâm độc khôn lường…
Văn học viết về dân tộc thiểu số trong những năm gần đây đang dần sáng lên niềm kiêu hãnh của riêng họ. Ví như Tống Ngọc Hân – khi về với núi đã hát lời của núi; hay như Đoàn Hữu Nam – sống với đất này phải ngấm máu đất này; rồi Đỗ Bích Thúy – khi Chúa đất đã vang theo Tiếng đàn môi sau bờ rào đá; và đặc biệt là Nông Quang Khiêm – một bút lực trẻ khi văn hóa Tày còn chảy mãi trong anh… Và cùng chung với sự nở rộ của văn chương miền biên cương hùng vĩ ấy, Chủ đất của Chu Thị Minh Huệ như một tiếng hú vang vọng khắp cao nguyên đá Đồng Văn.
Nguồn Văn nghệ số 36+37/2017