Sau các tác phẩm dành cho người đọc trưởng thành như Con gái tuổi Dần, Biết tới khi nào mưa thôi rơi, Không biết đâu mà lần…, gần đây, nhà văn Văn Thành Lê (ảnh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) dành nhiều sự quan tâm đến văn học thiếu nhi. Anh vừa ra mắt Bên suối, bịt tai nghe gió (NXB Kim Đồng), được xem như phần tiếp theo của tác phẩm Trên đồi, mở mắt, và mơ xuất bản vào năm 2017 và hiện đã được in đến lần thứ 5. 

* PHÓNG VIÊN: Bằng việc “nối dài” cho tác phẩm, anh có định tạo ra một “vũ trụ” truyện thiếu nhi của Văn Thành Lê? 

* Nhà văn VĂN THÀNH LÊ: Nghe từ “vũ trụ” tôi sợ quá, dù đã bỏ vào ngoặc kép! Tôi chỉ mong định hình thêm một kiểu nhân vật trẻ thơ mới trong sáng tác của mình, rõ ràng, mạch lạc hơn, đó là nhân vật Thành từ điển. Nếu như Lê thủ lĩnh, Văn lắp, Điệp điệu, Tuyết đen, hay em Bống, người đọc có thể gặp thấp thoáng ở đâu đó và dễ hình dung hơn; thì Thành từ điển với thói quen thích tìm hiểu ngôn ngữ, tò mò về những sự vật, hiện tượng quanh mình và luôn kè kè cuốn Từ điển tiếng Việt để làm công cụ hỗ trợ giải đáp thắc mắc. Nhân vật này chắc chưa có trong văn học và ít gặp ở đời sống. 

Bản thân tôi, đến khi vào đại học, khi có ý hướng tập viết văn rõ hơn mới tập thói quen dùng từ điển tiếng Việt. Các em học sinh bây giờ có thể quen dùng Từ điển tiếng Anh, ngoại ngữ khác, ít có thói quen dùng từ điển tiếng Việt. Tôi vui khi một số bạn nhỏ đọc xong truyện, đã nói bố mẹ mua từ điển tiếng Việt để dùng như cậu bé Thành từ điển trong truyện.  

* Nói như vậy là nhân vật Thành từ điển có nằm trong sự tính toán của anh? Có nên hiểu Thành từ điển cũng là… Thành L tác giả không?  

* Đúng là tôi có tính toán, nhưng trong văn chương, tác giả tính nhiều khi không lại được… độc giả. May là cái sự tính của tôi ở trường hợp này gặp được sự hồ hởi, hào hứng từ các bạn nhỏ để có thể dấn thêm bước nữa với các nhân vật của mình. Thành từ điển thấp thoáng hình ảnh tôi đã từng cộng với một tôi – mơ – ước cùng những cô bé, cậu bé quanh tôi.

* Hai tác phẩm đều lấy bối cảnh mùa hè. Còn những mùa khác, anh không mặn mà hay sao? 

* Mùa hè là thời điểm thích hợp nhất để trẻ con thành thị có cơ hội hòa mình vào thiên nhiên, để trẻ con thành phố và thôn quê xích lại gần nhau, để ký ức của chính tôi dễ hòa nhập cộng – đồng – trẻ – con bây giờ. Tuy nhiên, xuân hạ thu đông rồi lại xuân, trong các sáng tác khác phảng phất đâu đó đều có cả, chữ nghĩa bất chấp mùa vụ, thời tiết. 

* Theo dõi các tác phẩm dành cho thiếu nhi của anh, từ Nam, Nhi, Đại, Trượng, Phu đến Trên đồi, mở mắt, và mơ và giờ đây là Bên suối, bịt tai nghe gió, dễ thấy anh đã tạo ra một không khí “vui hết cỡ”, còn những bài học dường như được ẩn giấu rất kỹ, hoặc đôi lúc cũng chẳng có bài học gì? 

* Tôi vẫn nghĩ viết cho trẻ con thì nên vui, tiếng cười sẽ kéo các bạn nhỏ đi hết cuốn sách cùng với  mình. Nếu buồn thì phải trong vắt, nước mắt lấp lánh chứ không bế tắc. Dĩ nhiên, bên cạnh hoặc đằng sau tiếng cười, lấp lánh nước mắt là ẩn hiện thông điệp nhẹ nhàng. Chỉ khi nào các bạn nhỏ vấp phải tình huống gì đó quanh mình, những trang văn đã đọc thức dậy, thông điệp lúc này mới hiện lên rõ hơn. Văn chương khác với những bài học đạo đức ở chỗ đó.  

* Nếu nói Văn Thành Lê viết truyện thiếu nhi có duyên và thành công hơn viết cho người lớn, có làm anh phật lòng? 

* Tôi vui, vì có khi chơi với trẻ con còn khó hơn chơi với người lớn. Mà người lớn thì nhiều chuyện dễ… hoang mang lắm. Tôi vẫn luôn nuôi những ý tưởng. Một câu chuyện đồng thoại nào đó, một cuộc phiêu lưu nho nhỏ, hay những câu chuyện cổ tích thời hiện đại cho các em nhỏ chẳng hạn.

* Cùng lứa với anh có nhiều tác giả đang theo đuổi và sở hữu một gia tài tác phẩm dành cho thiếu nhi kha khá. Có điều, khi nhắc đến văn học thiếu nhi trong nước, người ta vẫn chỉ nhắc đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như một tượng đài đầy lộng lẫy. Anh có suy nghĩ gì về điều này?

* Vị trí, tầm ảnh hưởng và sự “lộng lẫy” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đối với độc giả nhỏ tuổi là không cần bàn cãi. Chỉ 54 tập của bộ Kính vạn hoa thôi cũng đủ thành cái núi chắn ngang mặt, thách thức cho ai muốn vượt qua. Huống hồ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh còn nhiều tác phẩm khác và vẫn ra sách đều đều hàng năm. Tuy nhiên, một mình nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không thể làm nên cả nền văn học thiếu nhi đương thời. 

Nếu nhắc đến văn học thiếu nhi mà trong đầu chỉ có Nguyễn Nhật Ánh thì tôi nghĩ người đó chưa thật sự quan tâm đến văn học thiếu nhi, vẫn buột miệng nói theo quán tính. Vì cùng thế hệ đó còn có văn của Lý Lan, Trần Đức Tiến, Nguyên Hương, Quế Hương, thơ Nguyễn Hoàng Sơn, Trần Mạnh Hảo, Đặng Hấn, Cao Xuân Sơn… Sau nữa và hiện giờ là Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Lãm Thắng, Nguyễn Thị Kim Hòa, Võ Thu Hương, Lê Quang Trạng…  

* Gần đây, có nhiều giải thưởng dành cho văn học thiếu nhi, có thể kể đến giải thưởng Dế Mèn, hay đề án “Trao giải quốc gia về văn học nghệ thuật dành cho trẻ em”. Một số giải thưởng như giải Sách hay, giải Sách Quốc gia cũng dành sự quan tâm đến văn học thiếu nhi. Theo anh, điều này có ý nghĩa như thế nào? 

* Ý nghĩa trước hết là với trẻ em, với người đọc. Vì giải thưởng là “bộ lọc”, đồng thời mở ra cơ hội để các tác phẩm xứng đáng lan tỏa đến với nhiều độc giả hơn. Với người viết, thêm giải thưởng chứng tỏ xã hội đã có cái nhìn quan tâm, là quý. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, những năm gần đây, đa số giải thưởng trao xong rồi chìm xuồng.

Có nhiều nguyên do, nhưng rõ ràng ban tổ chức, ban giám khảo nào thì kết quả đó. Chúng ta cần một đơn vị đủ uy tín cùng ban tổ chức đủ năng lực, công tâm, vì trẻ con thật sự, để trao cho tác phẩm hay một danh phận, để tác phẩm trội hơn không rơi vào cảnh “cá mè một lứa”, lẫn vào các sáng tác khác.

HỒ SƠN thực hiện

nguồn: SGGPO – https://www.sggp.org.vn/nha-van-van-thanh-le-viet-cho-tuoi-hoc-tro-thi-nen-vui-707880.html