* Chữ viết và ngôn ngữ:
Chữ (word) là một trong những thành quả lớn lao nhất của nền văn minh nhân loại và đó là sự sáng tạo kỳ diệu của con người. Tuy nhiên, sản phẩm kỳ diệu này không sinh ra một cách dễ dàng, mà phải trải qua một thời gian rất dài phát triển mới có được. Phát minh ra chữ viết cùng với sự ra đời thời kỳ đồ đồng ở cuối thời kỳ đồ đá mới, thiên niên kỷ thứ 4 TCN. Hệ thống chữ viết đầu tiên của loài người ra đời cuối thiên niên kỷ thứ 3 TCN tại vùng Sumer (Lưỡng Hà).
Chữ là những hệ thống ký hiệu và ký tự hay biểu tượng bằng đường nét mô phỏng thông qua ngôn ngữ nói. Nếu ngôn ngữ là hệ thống ký hiệu,thì chữ viết là hệ thống ký hiệu của ký hiệu. Về mặt lịch sử, ngôn ngữ xuất hiện cùng với lịch sử loài người.. Chữ viết có quan hệ chặt chẽ với ngôn ngữ nhưng không đồng nhất với ngôn ngữ. Bởi vì nhiều người không biết chữ nhưng vẫn có ngôn ngữ và một số dân tộc không có chữ viết nhưng vẫn có ngôn ngữ. Chính vì vậy, cho đến ngày nay nhiều ngôn ngữ vẫn chưa có chữ viết. Con người có mặt trên trái đất cách đây hàng chục vạn năm. Nhưng chỉ đến khi đến giai đoạn phát triển cao của xã hội thì chữ viết mới xuất hiện. Ăng ghen viết “Giai đoạn này với việc bắt đầu nấu quặng sắt và chuyển qua thời đại văn minh với việc sáng tạo ra chữ viết có vần và việc sử dụng chữ để ghi lời văn”
Ngôn ngữ (language) là công cụ giao tiếp chủ yếu của con người. Song ngôn ngữ có nhiều hạn chế về cả không gian và thời gian. Bản chất của ngôn ngữ chính là âm thanh và ngữ điệu. Tuy vậy, hạn chế của ngôn ngữ khi ở xa nhau con người không thể nghe nhau nói được, vì khả năng thính giác của con người là hữu hạn. Hơn nữa mỗi lời nói chỉ được thu nhận khi nói ra, sau đó đi vào dĩ vãng không lưu lại được. Người xưa nói “Lời nói gió bay” khả năng ghi nhận và trí nhớ của con người có hạn nên khi đó chữ viết đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình ghi lại tiến trình phát triển lịch sử quá khứ của nhân loại khi mà các phương tiện khoa học như ghi âm và truyền thông khác chưa có. Chính vì vậy chữ viết gắn liền chặt chẽ với tiến trình phát triển lịch sử và quá khứ của nhân loại. Do vậy, chỉ khi có chữ viết người ta mới gọi là giai đoạn quá trình lịch sử phát triển của loài người còn trước đó là giai đoạn dã sử và tiền sử. Nếu không có chữ viết chắc hẳn ngày nay chúng ta làm sao được đọc các trang sử hào hùng của mỗi dân tộc và các tác phẩm văn học nghệ thuật bất hủ, những bề dày phát triển lịch sử khoa học của nhân loại. Ngày nay, những khối tài sản khổng lồ ấy nhờ có chữ viết đã, đang được bảo tồn, phát triển, sáng tạo và sống mãi với thời gian…
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử hình thành và phát triển, các hệ chữ trên thế giới đã có sự phát triển và cách tân rất mạnh mẽ. Ngày nay, xã hội càng hiện đại và văn minh thì chữ càng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực truyền thông ở mọi góc độ hoạt động và các lĩnh vực khoa học của xã hội. Bởi nó là phương tiện truyền thông, giao tiếp, quảng bá thuộc lĩnh vực nghệ thuật thị giác. Trong nghệ thuật thiết kế Đồ họa (Design Graphich), chữ là một trong ba yếu tố chính không thể thiếu cấu thành của một tác phẩm, đó là sự tương tác giữa hình ảnh, chữ và mầu sắc. Còn “Là một nhà thiết kế thì bạn luôn phải làm việc với các mặt chữ,các ký tự”, ông Benjamin Tomlinson, giám đốc sáng tạo công ty Ico Design Consultancy chia sẻ.
*Nghệ thuật Chữ (Typography):
Chữ có hai chức năng cơ bản đó là truyền tải thông tin (truyền thông) và thẩm mỹ (Nghệ thuật chữ). Hai chức năng đó luôn song trùng nhau trong các sản phẩm thiết kế đồ họa truyền thông. Như vậy mỗi con chữ, cụm chữ của từng sản phẩm truyền thông còn chứa đựng tính khoa học.Trong quá trình thiết kế sản phẩm truyền thông hiện đại các họa sỹ thiết kế thường lấy chữ cái làm đối tượng khai thác, khiến các con chữ không chỉ là công cụ truyền đạt thông tin thông thường mà luôn vận động, sáng tạo và mang tính nghệ thuật cao cùng với sự thể hiện có tính khoa học. Nghệ thuật chữ (Typography) bằng những kỹ thuật và thủ pháp nghệ thuật khác nhau không chỉ tạo ra sự lôi cuốn bắt mắt và sự tập trung thị giác cao (lực thị giác) mà còn tạo ra những câu truyện bằng những con chữ thông qua sự sáng tạo về tạo hình chữ, có bố cục và mầu sắc hấp dẫn, dắt người xem dõi theo nội dung và chủ đề mà tác giả đã thiết kế. Ngoài ra, nó còn ẩn chứa cả tình cảm, ý tưởng, tính xã hội, không gian và thời gian sâu sắc…
Từ khi ra đời đến nay, chữ đã đóng góp to lớn trong sự phát triển mọi nền văn minh của nhân loại và trở thành phương tiện, nên tảng, yếu tố tạo hình nghệ thuật trong thiết kế quảng cáo và truyền tải thông tin trong xã hội. Chữ đã góp phần nhận diện, nâng cao thẩm mỹ thị giác trong các sản phẩm thiết kế đồ họa và truyền thông. Và ngày nay chữ đã trở thành môn học bắt buộc cho những sinh viên mỹ thuật, môn “Nghệ thuật chữ” (Typography).
Khỉ và gà trong bộ động vật biến hình bằng chữ cái của Dan Fleming
Typography xuất hiện ở Đông Âu từ Thế kỷ XV, người phát minh ra những con chữ đầu tiên đó là Jonannnees Gutenberg (CHLB Đức). Lúc đầu chỉ là những con chữ bằng kim loại để in ấn. Trải qua hàng trăm năm cho đến ngày nay Typho garaphy đã có mặt ở tất các các lĩnh vực thiết kế sản phẩm mỹ thuật ứng dụng trong đời sống của nhân loại. Đó chính là sự lắp ráp các chữ cái sao cho có nghĩa, dễ đọc nhất, truyền tải thông điệp nhiều nhất và có hình thức thẩm mỹ lôi cuốn thị giác nhất đến người tiêu dùng. Hiệu quả của Typhography là tối ưu hóa sự khác biệt việc đọc và cảm nhận về thông điệp cần được truyền đạt, thông qua các yếu tố cấu thành như phông chữ, kích thước, khoảng cách, nhịp điệu và mầu sắc trong các sản phẩm thiết kế đồ họa truyền thông tĩnh (Static media) nhỏ như lô gô, bìa sách, bao bì, nhãn mác hàng hóa sản phẩm ứng dụng cho đến các sản phẩm truyền thông lớn như biển báo, áp phích (Poster) quảng cáo sản phẩm văn hóa và thương mại Marketing…Ngoài ra còn được thiết kế trên các sản phẩm truyền thông động (Typogaphy Kinetic) (dạng chữ động “moving text”), quảng cáo điện tử nơi công cộng, trên truyền hình, máy vi tính, smartphone,Websiter…
Nói đến Nghệ thuật chữ, không chỉ đề cập đến kiểu chữ (Font) mà còn nhiều yếu tố tạo hình khác góp phần tạo dựng nên vẻ đẹp tổng thể của nghệ thuật chữ. Song khái quát lại Typhography có những yếu tố cơ bản sau: Kiểu chữ, kích thước chữ, khoảng cách giữa các dòng, chiều dài các dòng, khoảng cách các ký tự trong một chữ và giữa hai chữ, khoảng cách giữa các chữ trong tổng thể một khối chữ…. Những yếu tố đó là các yếu tố cần thiết trong sự lựa chọn và thực hiện trong quá trình sáng tạo của các nhà thiết kế đồ họa. Tuy nhiên, mỗi nhà thiết kế lại có những ý tưởng, cảm xúc và kỹ thuật thể hiện riêng trong quá trình sáng tạo
Trong nghệ thuật thiết kế truyền thông hiện đại bố cục đóng vai trò quan trọng. Bởi vì ở đó chứa đựng tất cả các yếu tố tạo hình như đường nét, hình khối, kiểu chữ, nhịp điệu, mầu sắc,… để thể hiện ý tưởng và nội dung của nhà thiết kế. “Bố cục chính là sự hài hòa của các phạm trù đối lập”.
Mầu sắc có ngôn ngữ riêng của nó mà mỗi chúng ta phải tự cảm nhận. Chính vì vậy, mầu sắc có sức mạnh vô hình lôi cuốn kỳ lạ và đã làm rung động tâm hồn mỗi con người. Trong nghệ thuật thiết kế, Typhography tạo ra sức hút thị giác mạnh mẽ (lực thị giác). Việc sử dụng màu sắc và chọn chữ cái làm điểm nhấn trong bố cục thiết kế Typography của các nhà thiết kế là xu hướng đương đại trong các sản phẩm truyền thông ngày nay. Điều này được thể hiện nhiều nhất ở các sản phẩm lô gô, nhãn mác, áp phích quảng cáo,Websiter…
Ý tưởng là khởi đầu của sự sáng tạo, tuy vậy “Mọi người thường nói rằng các ý tưởng là điều quan trọng nhất,nhưng nếu bạn không thể biến các ý tưởng đó thành một bản thiết kế tốt thì chúng chẳng được dùng. Sắp xếp (layout),bố cục (composition)và nghệ thuật chữ (Typography) sẽ giúp bạn chinh phục bất kỳ công việc nào liên quan tới thiết kế đồ họa” ông Benjamin Tomlinson giám đốc Công ty sáng tạo Ico Design Consultancy khẳng định.
Ngày nay sự sáng tạo, cách tân của truyền thông hiện đại đã phá vỡ các quy luật mặc định theo lối mòn. Ví dụ trước kia nếu là mỹ phẩm thường thiết kế kiểu chữ, mầu sắc nhẹ nhàng trong sáng hay trên các tấm danh thiếp cá nhân thường sử dụng các kiểu chữ in hoa không chân hoặc có chân, mầu sắc nghèo nàn, đơn điệu, bố cục chữ hầu như theo một kiểu mô típ quen thuộc: ngang bằng sổ thẳng…
Áp phích quảng cáo chuyên ngành Thiết kế đồ chơi của sinh viên
Trường Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp Hà Nội
Sự sáng tạo là đỉnh cao của trí tuệ thẩm mỹ, với nghệ thuật chữ cũng vậy. Bộ động vật “biến hình” tuyệt đỉnh của những chữ cái của họa sỹ Dan Fleming đã tạo ra một “vườn thú” đa dạng, phong phú về tạo hình và mầu sắc được biến hình từ những chữ La tinh tuyệt đẹp, góp phần làm cho thiết kế nghệ thuật chữ không chỉ sáng tạo trong phạm vi quảng cáo hay nhãn mác sản phẩm mà nó trở thành nghệ thuật chữ tuyệt nghệ trong đời sống thẩm mỹ của xã hội.
Danh thiếp ngày nay được coi như là sản phẩm truyền thông cần thể hiện cá tính và đặc điểm nghề nghiệp của mỗi các nhân và mỗi doanh nghiệp. Do vậy, sự thay đổi tư duy và mặc định cũ đã thay vào đó bằng những sáng tạo phong phú về bố cục, hình ảnh, kiểu chữ và mầu sắc… Ấy là chưa đề cập đến sự thay đổi rất mạnh mẽ của Typhography trên các sản phẩm bao bì hàng hóa sản phẩm quảng cáo văn hoá, chính trị hay thương mại…
Ở Việt Nam có thương hiệu cà phê Trung Nguyên rất nổi tiếng và được chia ra nhiều loại. Mỗi loại cà phê mang hương vị và sắc thái cho từng công việc hoạt động của đời sống khác nhau như cà phê G7, cà phê Chồn, cà phê Sáng tạo, cà phê Cappucchino, … mỗi chủng loại cà phê lại được thiết kế bằng những kiểu chữ và mầu sắc, hình ảnh và cấu trúc bao bì khác nhau… Ngoài sự đa dạng của Typhography về mầu sắc cũng được các họa sỹ thiết kế sáng tạo thay đổi hoàn toàn không còn độc tôn với cà phê chỉ có mầu nâu, đỏ và đen như xưa nữa.
Bản chất của nghệ thuật là khái quát hóa, điển hình hóa về cái đẹp từ cuộc sống. Do vậy, sự sáng tạo, mối quan hệ giữa nghệ thuật chữ, hình ảnh và mầu sắc là yếu tố tương tác và thống nhất trong quảng cáo, đặc biệt những Poster chỉ có chữ lại rất cần được chú trọng. Thương hiệu Cocacola là một điển hình về sự đầu tư và thay đổi kiểu chữ trên sản phẩm và chiến lược đầu tư sáng tạo của nghệ thuật chữ trong quảng cáo của một thương hiệu đã có thâm niên trên 100 năm.
Áp phích: Bạn nên làm việc ngay bây giờ. (nguồn Internet)
Lĩnh vực truyền thông đa phương tiện (Multimedia commudications) là một lĩnh vực đa dạng và có môi trường hoạt động phổ cập rộng khắp trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Vì vậy, thời đại hiện nay được gọi là thời đại của công nghệ và truyền thông. Trong truyền thông thì áp phích (Poster) là một công cụ nhận diện đắc lực và tiếp thị hoàn hảo các hoạt động và sự kiện xã hội với khách hàng. Tiêu chí hàng đầu của áp phích là “ hấp dẫn, dễ đọc và hiểu ngay”. Do vậy đòi hỏi phải có ý tưởng, hình ảnh, nội dung cô đọng, kiểu chữ đẹp, mầu sắc hấp dẫn lôi cuốn thị giác và nêu bật được sản phẩm quảng cáo.
Càng nghiên cứu về nghệ thuật chữ trong truyền thông hiện đại ta càng thấy thú vỵ và mênh mông. Bởi chữ và nghệ thuật chữ là trí tuệ, là kho tàng văn hóa, nghệ thuật sáng tạo vô tận của nhân loại. Kho tàng ấy cứ từng giờ, từng ngày phát triển và sáng tạo và liên tục phát triển và tiến bộ cùng với văn minh, thẩm mỹ của nhân loại. Nó thực sự nó trở thành một lĩnh vực sáng tạo trong truyền thông hiện đại của của các nhà Designer trong thời đại công nghệ và đã trở thành môn học không thể thiếu trong các trường đào tạo về mỹ thuật ứng dụng tại Việt Nam cũng như trên thế giới đó là nghệ thuật Thiết kế Typography (Design Typography).
Trong thực tế, Freda Sack, chủ tịch ciuar hiệp hội các nhà thiết kế chữ quốc tế ISTD (International Society of Typographic Designers) đã tuyên bố: “Các nhà thiết kế giỏi trước hết phải là những nghệ nhân chữ – các Typographer”. 
Lê Thân
Tài liệu tham khảo:

– Kỹ thuật chữ- Nguyễn Ngọc sơn-NXB Thông tin,1995.

– Dẫn luận ngôn ngữ học – Nguyễn Thiện Giáp,NXB Giáo dục,1998.

– Almanach- Những nền văn minh thế giới- NXB Văn hóa thông tin,1996.

-WWW.Typographicposter.com.uk

-Poster in Graphic Design- Cathrine Fishel-Rockport USA,2002

– Và tham khảo trên Google.com.vn

Nguồn: Cục mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm