“Linh Sơn” là cuốn tiểu thuyết dày 552 trang với 81 chương, và cũng không quá nếu xem 81 chương này là 81 truyện ngắn; bởi tác giả cố ý cho nó rời rạc. Xuyên suốt tác phẩm không có truyện đủ đầu đuôi phát triển cùng với xung đột, mâu thuẫn tới cao trào, theo như chuẩn định. Cũng không có nhân vật (theo như chuẩn định) với đủ đặc điểm diện mạo, hình hài, tính cách, cảnh ngộ. Đây là một gallery những khuôn mặt thấp thoáng, le lói. Thậm chí những hình dáng, những bóng, cả ma lẫn ảo thị. Tuy vậy, tất cả hằn sâu vào tâm trí người đọc. Giống như các bức thủy mặc thăm thẳm đẹp nhờ toàn chấm phá. Bút vẽ Cao Hành Kiện đã ảnh hưởng không nhỏ tới bút viết Cao Hành Kiện.

Tác phẩm thực chất là cuộc du hành xuyên qua sương mù thời gian, không gian để gom góp, khảo sát lại những mảnh vỡ biểu tượng, di chỉ ký ức, truyền thống văn hóa và lịch sử Trung Hoa.

Các bối cảnh núi rừng hoang vu cho đến làng mạc, di tích có thực, những dấu chỉ thời gian huyền thoại như Nữ Oa, Phục Hy,… cho đến thời gian xác địch của những thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Ngũ Tứ,… từ nông thôn đến đô thị đi vào tiểu tuyết này mênh mông mê hoặc, lại rất giàu sức gợi.

Đây là một tiểu thuyết đa bội điểm nhìn, phân mảnh về hình thức nhưng được tổ chức một cách chặt chẽ, một bút pháp vừa phóng khoáng vừa nghiêm cẩn của thứ văn chương lạnh (từ dùng của chính Cao Hành Kiện) nhìn sâu vào hệ giá trị Trung Hoa.

Đan xen trong những mảnh chuyện hành trình tâm thức ấy, là sự phản tư của người sáng tạo, những truy vấn về tiểu thuyết và cứu cánh văn chương.

Những mặt người, bóng người vào Linh Sơn đều cất lên cùng một câu hỏi cốt lõi: Ta là gì? Ta cần gì? Ta phải làm gì? Hỏi hiền lành, rón rén. Từ những số phận quen với lành ít dữ nhiều. Từ những số phận thiểu số…

Con thỏ lông trắng, mắt đỏ, bạn của “ta” trong truyện nổi lềnh bềnh, nhớp nhúa trong hố phân; con cún – cũng bạn? – chết đuối trong sông qua làng; con gấu trúc đói mò về xin ăn giữa khuya khoắt rừng sâu,… những “số phận” thấp thoáng ấy cũng góp rọi sáng vào những mệnh sống hẩm hiu, rủi ro. Đọc “Linh Sơn” cứ nhớ tới một câu của André Malraux: Một đời chẳng bằng cái quái gì nhưng chẳng cái quái gì bằng một đời. Phải chăng vì cái chí quyết sống? Ngay trong lúc vất vưởng tìm nghĩa sống cũng mang cái chí lớn ấy đi cùng.

Mọi cái vào tiểu thuyết của Cao Hành Kiện đều làm xúc động. Nhờ ướp trong thứ hóa chất khiến nao lòng: kỷ niệm. Kỷ niệm luôn chen bên hiện tại, rực rỡ, cháy bỏng trong Linh Sơn. Nhà mỹ học Áo Fisher từng nói: Nhà văn phải biến mọi vật liệu bên ngoài thành kỷ niệm của chính bản thân hắn để viết ra. 

Tác giả nêu ra hai điều ông nhận đã bị chê: viết không đúng chuẩn và tiểu thuyết không truyện, không nhân vật. Ông tự bảo vệ ra sao? Đọc sách ta sẽ tán thành hay phản đối, tùy ta.

***
“Linh Sơn” là một tiểu thuyết nổi tiếng của Cao Hành Kiện. Tiểu thuyết này được tác giả bắt đầu cấu tứ từ mùa hè năm 1982. Trong những năm 1983, 1984, để viết cuốn tiểu thuyết này, Cao Hành Kiện đã di du lịch ba lần đến lưu vực Trường Giang, dạo khắp rừng núi, hành trình dài nhất có đến 15.000 cây số. Tiểu thuyết này hoàn thành tháng 9 năm 1989 tại Paris, được Công ty xuất bản Liên Kinh, Đài Loan xuất bản lần đầu vào tháng 12 năm 1990. Tác phẩm này được Cao Hành Kiện viết với ý định ban đầu là bày tỏ nỗi cô đơn nội tâm và để viết riêng cho ông chứ không hy vọng tác phẩm sẽ được xuất bản.

Trước ấn bản này, tác phẩm đã có ba ấn bản dịch sang tiếng Việt:

“Linh Sơn”, tiểu thuyết, Trần Đĩnh dịch từ tiếng Pháp (ấn bản năm 2000 của Nhà xuất bản Aube), Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2002; 2003.
Núi Thiêng, tiểu thuyết, Ông Văn Tùng dịch từ bản tiếng Trung, Nhà xuất bản Văn Nghệ TP. HCM, 2003.
“Linh Sơn”, tiểu thuyết, Hồ Quang Du dịch từ bản tiếng Trung (nguyên bản tiếng Trung do công ty xuất bản Liên Kinh (Đài Loan) xuất bản 10/2001), Nhà xuất bản Văn Học, 2003.

VỀ TÁC GIẢ:

Cao Hành Kiện vừa là nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình, họa sĩ vừa là nhà làm phim.
Ông sinh năm 1940 tại Giang Tây, Trung Quốc.
Tốt nghiệp ngành tiếng Pháp, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh năm 1962. Là một trong những văn nghệ sĩ Trung Quốc tiên phong cổ vũ, đấu tranh cho quyền tự do sáng tạo. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Ông bị đưa vào trại cải tạo 7 năm. Năm 1988, Cao Hành Kiện sang Pháp định cư và sáng tác.
Ông được trao giải Nobel Văn học năm 2000.
Tiểu thuyết “Linh Sơn” được xem là tác phẩm tiêu biểu, chính yếu của phong cách Cao Hành Kiện.

Tác giả: Cao Hành Kiện
Dịch giả: Trần Đình
Nhà xuất bản: NXB Phụ Nữ
Công ty phát hành: Phanbook