Phía MCBooks cho rằng, họ chỉ in đúng 3.000 bản như hợp đồng, con số 5.000 bản in đề trên sách chỉ là một biện pháp PR. Dĩ nhiên, tác giả Woo Bo Hyun không chấp nhận lời giải thích…

Ngay thời điểm Ngày sách Việt Nam (21-4) cũng vào dịp Ngày bản quyền thế giới (23-4), tại TPHCM, Woo Bo Hyun, một tác giả người Hàn Quốc đã công khai kêu cứu vì cho rằng một đơn vị làm sách Việt Nam đã trắng trợn vi phạm quyền tác giả của ông.
Woo Bo Hyun là tác giả của nhiều quyển sách dạy tiếng Anh đã được xuất bản trên thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… và gần đây nhất là ở Việt Nam. Theo hợp đồng do ông công bố, 7 cuốn sách của ông do Công ty CP sách MCBooks (Hà Nội) thực hiện và thanh toán tiền tác giả theo số lượng sách được in dựa trên hợp đồng với mức in từ 2.000-3.000 bản/cuốn. Thế nhưng, khi sách xuất hiện trên thị trường, tác giả lại phát hiện tại khung lưu chiểu ở cuối sách ghi số sách in cao hơn hợp đồng.
Đơn cử như cuốn Tự học 200 câu thành ngữ tiếng Anh thông dụng theo hợp đồng in 3.000 bản nhưng lại ghi trên sách số lượng bản in là 5.000. Theo ông Hyun, đơn vị làm sách đã gian lận 2.000 bản sách không thanh toán tiền tác giả. Đáp lại, đại diện phía MCBooks cho rằng, họ chỉ in đúng 3.000 bản như hợp đồng, con số 5.000 bản in đề trên sách chỉ là một biện pháp PR (quảng cáo). Dĩ nhiên, tác giả Woo Bo Hyun không chấp nhận lời giải thích đó mà vẫn dựa trên “giấy trắng mực đen” ghi trên sách để yêu cầu có sự tôn trọng quyền tác giả.
Nếu tác giả người Hàn Quốc tỏ ra ngỡ ngàng trước lời giải thích xung quanh những con số bản in sách thì với những người làm xuất bản ở Việt Nam, chuyện này chẳng mấy lạ lùng. Cách đây không lâu, một đơn vị làm sách đã thực hiện một tác phẩm của một tác giả trong nước và sau khi sách được xuất bản, phát hành, họ báo cho tác giả số sách bán ra được khoảng 5.000 bản. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, sau khi sách được tái bản, trên trang bìa đơn vị làm sách đề một dòng chữ rất to “Bán được hơn 10.000 bản trong lần in đầu”. Dĩ nhiên, tác giả bất bình vì cho rằng đơn vị làm sách đã lừa ông, còn đơn vị làm sách thì mắc kẹt bởi nếu nói con số trên là đúng sẽ bị kiện vì tội vi phạm quyền tác giả, còn ngược lại thì mang tiếng gian dối với bạn đọc. Vụ việc sau đó được dàn xếp nội bộ nhưng lời đáp về sự thật số sách bán ra vẫn không được làm rõ.
Câu chuyện của tác giả trẻ Lê Hữu Nam cũng là một điển hình của tình trạng vi phạm quyền tác giả. Đơn vị làm sách khẳng định với tác giả chỉ in 1.000 bản và đã bán hơn 900 bản sách. Thế nhưng khi chính tác giả đi đặt mua sách của mình để làm quà tặng thì được đơn vị bán sách thông báo “muốn mua bao nhiêu cũng có”, kết quả là dù đặt thêm cả hơn 1.000 cuốn nữa vẫn có sách đến tay người mua. Ban đầu, đơn vị làm sách chối bay biến rằng không in thêm sách nhưng như vậy thì số sách dư ra mà đơn vị phát hành bán sẽ phải là sách lậu, vi phạm bản quyền. Lúc này, đến lượt đơn vị bán sách lại nhảy dựng lên, vội vàng chứng minh rằng sách họ phát hành có bản quyền, lấy chính thức từ đơn vị làm sách. Kết quả, đơn vị làm sách đành thừa nhận có in thêm và chấp nhận thanh toán đầy đủ số tiền bản quyền cho số sách in sau.
Những câu chuyện kể trên có chung một điểm là tác giả đều không thể biết được rốt cục sách của mình được in bao nhiêu bản. Đây cũng chính là một thực trạng trong xuất bản hiện nay…, tất cả chỉ trông chờ vào sự tự giác của NXB. Cũng vì vậy, nhiều tác giả trong nước khi giao dịch bản quyền thường chọn hình thức mua đứt bán đoạn, lấy một lần tiền tác giả mà không cần quan tâm sách mình bán nhiều hay ít. Cách làm này mang tính cực đoan, không khuyến khích tác giả sáng tác, phát triển tác phẩm. Nhiều tác giả có sức hút chọn đơn vị làm sách uy tín để gửi gắm những đứa con tinh thần, vì chỉ ở những nơi này, công sức của họ mới được đền đáp xứng đáng.
Tình trạng xem nhẹ, thiếu tôn trọng quyền tác giả trong thông tin làm sách ở Việt Nam thậm chí còn lan sang quốc tế. Không ít lần các đơn vị làm sách khi đi thương lượng bản quyền đã gặp phải những yêu cầu khó khăn của đối tác do họ không tin việc kiểm soát lượng bản in của ta. Đơn vị trong nước để có được bản quyền phải chấp nhận những yêu cầu rất khắt khe và hệ lụy cuối cùng là giá sách sẽ phải tăng hơn.
Việt Nam đã gia nhập Công ước Berne hơn 10 năm (từ năm 2004), vấn đề bản quyền và quyền tác giả cũng dần trở nên quen thuộc hơn, nhưng cho đến nay, nhiều người vẫn cho rằng chỉ có sách lậu mới là vi phạm bản quyền. Với những gì đang diễn ra trong lĩnh vực xuất bản thời gian qua đã cho thấy, vấn đề bản quyền, quyền tác giả vẫn chưa được hiểu và tôn trọng đầy đủ, ngay cả với những người làm trong lĩnh vực xuất bản.

TƯỜNG VY

Nguồn SGGP http://www.sggp.org.vn/chuyen-buon-xung-quanh-quyen-tac-gia-442408.html