1.Vài nét về tranh cổ động
Trong hội họa Việt Nam có một dòng tranh mang nhiều ý nghĩa hơn một tác phẩm nghệ thuật thông thường, đó chính là dòng tranh cổ động. Vậy tranh cổ động là gì?
Bản thân tên gọi tranh cổ động đã bao hàm hai yếu tố:
Thứ nhất: Tranh – là tác phẩm hội họa phản ánh hiện thực bằng đường nét và màu sắc. Tranh cổ động thuộc loại hình tranh đồ họa (nghệ thuật tạo hình trên bề mặt 2 chiều một cách gián tiếp qua các kỹ thuật in ấn), vì vậy tranh đồ họa thường có nhiều phiên bản.
Thứ hai: Cổ động: Tức là tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức như: “khuyên nhủ, dùng sách báo, tranh ảnh, phim kịch… nhằm lôi cuốn, cổ động người tham gia vào hoạt động xã hội- chính trị nào đó”. (Đại Từ điển tiếng Việt- NXB Đại học QG TPHCM 2008, tr 340).
Để đạt mục đích tuyên truyền, tranh cổ động có đặc điểm tập trung, khái quát hình tượng nghệ thuật cụ thể, vì vậy hình thức tranh thường đơn giản, màu sắc tươi khỏe, độ đậm nhạt tương phản. Bên cạnh đó, thông tin đem lại cho người xem thông qua hai phần hình ảnh và phần chữ viết trong tranh cổ động phải vô cùng rõ ràng, ngắn gọn, gây ấn tượng nhanh, mạnh, dễ hiểu, dễ nhớ.
Với mục đích đó, tranh cổ động đã xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 40 của thế kỷ 20, có lịch sử phát triển gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa to lớn trong đời sống, xã hội và trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam. Tranh cổ động đã được các thế hệ họa sĩ Việt Nam liên tục sáng tạo trong ngôn ngữ đồ họa, cô đọng, súc tích có tính biểu tượng, gần gũi và dễ hiểu, kịp thời đưa những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân. Vượt qua nhiệm vụ tuyên truyền cổ động trực quan, tranh cổ động đã trở thành một thể loại nghệ thuật đồ họa đặc sắc, độc đáo của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Nghệ thuật tuyên truyền và đời sống đất nước trong sưu tập tranh cổ động giai đoạn 1945-1975 hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Bảo tàng Lịch sử quốc gia chính thức thành lập tháng 9/2011 trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (thành lập 1958) và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (thành lập 1959). Trên cơ sở nền tảng của 2 bảo tàng ra đời sớm nhất trong hệ thống bảo tàng Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ, bảo quản gần 250.000 tài liệu, hiện vật về lịch sử, văn hóa Việt Nam từ thời Tiền sử đến ngày nay. Trong số hàng trăm bộ sưu tập hiện vật quí giá với nhiều hiện vật đặc biệt quí hiếm, độc bản và 20 Bảo vật quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ bộ sưu tập Tranh cổ động lớn nhất gồm 1.225 đơn vị kiểm kê với số lượng là 1.880 hiện vật (đơn vị bảo quản). Trong đó, bên cạnh 388 bức tranh cổ động của nước ngoài nói về sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam là 1.492 tranh cổ động của các thế hệ họa sĩ Việt Nam từ 1945 đến nay.
Ngay từ khi mới ra đời, tranh cổ động ở Việt Nam đã có vai trò lớn, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đấu tranh cách mạng, vận động quần chúng nhân dân và trở thành thứ vũ khí tinh thần mạnh mẽ. Như chúng ta đã biết, Việt Nam Độc lập (số đầu tiên ra ngày 1/8/1941) là tờ báo cách mạng ra được nhiều số nhất, phát hành lâu nhất trong thời kỳ bí mật do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Theo tổng kết thì trên 30 số đầu của báo Việt Nam Độc lập đều có dấu ấn trực tiếp của Bác trong tất cả các khâu làm báo, từ việc lên ý tưởng cho mỗi số, trực tiếp viết bài, sửa bài, vẽ minh họa, đến thực hiện các kỹ thuật in ấn thủ công, tìm kiếm phương tiện, địa điểm tổ chức in ấn và phát hành. Sự ra đời của báo Việt Nam Độc lập bên cạnh các tờ báo cách mạng khác đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của thể loại đồ họa tuyên truyền cách mạng, tạo tiền đề cho sự hình thành dòng tranh cổ động chính trị Việt Nam trên nhiều phương diện. Trong 127 số báo Việt Nam Độc lập còn lưu giữ được cho đến nay, có khoảng 20 số có tranh minh họa và 3 số họa bản riêng biệt (ra tháng 5,6,7/1945). Đặc biệt, bức vẽ họa bản “Việt – Nam Độc- lập thổi kèn loa” trên trang nhất số báo 103 ra ngày 21/8/1941 là một minh họa độc đáo, đặc sắc, có nhiều giá trị với thể loại tranh cổ động chính trị. Bức minh họa này đã được một số tài liệu mỹ thuật đánh giá như một bức tranh cổ động chính trị hoàn chỉnh và là một trong số ít những tác phẩm cổ động chính trị đầu tiên của cách mạng Việt Nam.
Bác đã rất sáng tạo khi sử dụng chính các từ “Việt Nam Độc lập” – tên của tờ báo và là một khẩu hiệu thiêng liêng, một mơ ước cháy bỏng của cả dân tộc ghép thành hình một người đội nón, thổi kèn nhịp bước quân hành. Hình ảnh này mang những đặc trưng cho người Việt, nó tượng trưng cho cả dân tộc, tượng trưng cho sự đoàn kết, quyết tâm chiến đấu, quyết tâm đi theo tiếng gọi thiêng liêng của độc lập, tự do, thoát đời nô lệ, thoát khỏi gông cùm thực dân, phát xít. Để củng cố thêm cho sức mạnh tuyên truyền của hình ảnh, phía dưới minh họa còn có bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt do chính Bác sáng tác:
“Việt- Nam Độc- lập thổi kèn loa.
Kêu gọi nhân dân trẻ lẫn già
Đoàn kết vững bền như khối sắt.
Để cùng nhau cứu nước Nam ta!”.
Hay ở tờ Việt Nam Độc lập họa bản số 2, ra ngày 25/6/1945 có một bức tranh lớn cổ vũ tinh thần đoàn kết quyết tâm tiêu diệt phát-xít Nhật với hình ảnh năm nam giới bán thân mang trang phục, dụng cụ đặc trưng được bố cục dàn hàng ngang. Năm giới: sĩ – nông – công – thương – binh tượng trưng cho mọi tầng lớp xã hội đang sát cánh dưới lá cờ Việt Minh. Có thể nói, đây là bức tranh cổ động đầu tiên khơi dòng cho thủ pháp dùng đồ vật biểu trưng như búa, liềm, súng, bút, cân vẫn còn rất phổ biến trong tranh cổ động Việt Nam tới tận hôm nay. Bên cạnh đó, một số tác phẩm trong cả ba họa bản đặc biệt xuất hiện trong ba số báo từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1945 cũng đều mang tính chất của tranh cổ động hoàn chỉnh.
Mặc dù báo Việt Nam Độc lập xuất bản trong hoàn cảnh khó khăn nhiều mặt, tuy nhiên với số lượng báo đã được xuất bản và với những hình ảnh minh họa độc đáo, trực quan của tờ báo, hiệu quả tuyên truyền cổ động cách mạng là vô cùng to lớn, đặc biệt trong bối cảnh tỉ lệ mù chữ rất cao trong đại bộ phận dân chúng lúc bấy giờ.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ 127 số báo Việt Nam Độc lập (từ số đầu tiên (tức số 101, ra ngày 1/8/1941) đến số 235 ra ngày 10/12/1945, so với bộ sưu tập còn thiếu 15 số.
Đi sâu vào tìm hiểu, nghiên cứu bộ Sưu tập tranh cổ động mà đặc biệt là Sưu tập tranh cổ động giai đoạn 1945-1975 đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chúng ta còn cảm nhận được bên cạnh giá trị nghệ thuật tất yếu, tranh cổ động thời kỳ này còn mang một thông điệp vô cùng lớn lao, đó là những câu chuyện về lịch sử, về 2 cuộc kháng chiến hào hùng bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của cả dân tộc Việt Nam, là lời kêu gọi, tuyên truyền, động viên, thúc giục nhân dân Việt Nam lao động, sản xuất, chiến đấu, thi đua giết giặc lập công với tinh thần “Toàn dân kháng chiến”, “Cả nước ra trận” với khát vọng hòa bình, mong muốn “Đất nước thống nhất”, “Bắc Nam xum họp một nhà” v.v..
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đã thức tỉnh ý thức dân tộc, ý thức chính trị cho toàn giới mỹ thuật Việt Nam, ngày 24/11/1946, Dự hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Văn hóa phải hướng quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”. Đó chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trong đó có hoạt động sáng tác tranh cổ động. Và từ đây tranh cổ động đã nhanh chóng trở thành thể loại xung kích của mỹ thuật Việt Nam, phục vụ kịp thời công cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc mà chúng ta vừa giành được.
Số lượng tranh cổ động giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 – 1954 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ là 221 hiện vật (139 đơn vị kiểm kê) với 5 chủ đề nội dung chính: Cổ động chủ trương- phong trào; Chiến đấu; Tình quân dân; Nêu gương điển hình; Kỷ niệm ngày lễ lớn.
Trong điều kiện thời chiến khó khăn, tranh cổ động dù chỉ được sáng tác bằng tay, với công cụ kỹ thuật thô sơ, tranh được in trên đá, trên bản khắc gỗ, sử dụng giấy được làm từ tre, nứa tự sản xuất. Nhưng với ngôn ngữ tạo hình khỏe khoắn, lối biểu đạt rõ ràng mang đậm tính hình tượng và sự thừa hưởng của màu sắc truyền thống trong tranh dân gian, các họa sĩ đã đưa nghệ thuật tranh cổ động lên tầm cao mới, sáng tạo nên những giá trị thẩm mỹ cao, biến tranh cổ động thành công cụ tuyên truyền hữu hiệu, thuyết phục quần chúng, động viên nhân dân chiến đấu giữ làng, giữ nước, thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, nâng cao ý chí vừa chống giặc ngoại xâm, vừa chống giặc đói, giặc dốt, tham gia bình dân học vụ, đóng thuế nông nghiệp….đồng thời tái tạo chân thực mọi mặt đời sống xã hội đương thời, cổ vũ toàn dân, toàn quân vững tin vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Tranh cổ động giai đoạn này ngoài khẩu hiệu, chú thích còn được thêm vào các bài thơ, câu ca có âm hưởng ca dao giúp quần chúng dễ nhớ, dễ hiểu. Chính vì vậy, tranh cổ động đã truyền tải có hiệu quả những chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ tới mọi tầng lớp nhân dân, kể cả những người không biết chữ, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ 1954. Ví dụ, các bức tranh cổ động cho phong trào “Mùa đông binh sĩ” do chính phủ phát động năm 1946, đó là bức tranh vẽhìnhmột cụ già đeo kính đang ngồi may áo trấn thủ cho bộ độivới câu thơ:
“Trấn thủ mẹ đã may xong
Gửi con con mặc, mùa đông tới rồi
Con ơi mặc áo nhớ lời
Giết cho hết giặc đời đời tự do”
Hay bức tranh khác vẽ hìnhcô gái đang trao áo trấn thủ cho bộ độivới lời tâm sự:
“Áo đông một chút gọi là
Tặng người chiến sĩ xông pha chiến trường"
Đa số các tranh tuyên truyền cổ động thời kỳ 1946-1954 đều khuyết danh tác giả. Vì theo một số họa sĩ thời kỳ đó thì được phục vụ kháng chiến là niềm hạnh phúc của họ và các họa sĩ thường nghĩ công sức của mình nằm trong công sức của nhiều người. Do vậy, các họa sĩ thường không ký tên vào tranh. Cũng có một bộ phận tác giả không phải là họa sĩ chuyên nghiệp, mà là những chiến sĩ vừa cầm súng, vừa cầm bút vẽ để phục vụ các nhiệm vụ trong kháng chiến.
Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ 1955 – 1975, tranh cổ động Việt Nam đạt đến đỉnh cao với nhiều họa sĩ tên tuổi tham gia sáng tác như họa sĩ Lương Xuân Nhị, Phạm Lung, Huỳnh Văn Gấm, Dương Ánh, Trần Mai… và tác phẩm của họ đã đạt tới những giá trị đích thực trên cả hai bình diện: Giá trị nghệ thuật và hiệu quả tuyên truyền.
Số lượng tranh cổ động giai đoạn kháng chiến chống Mỹ 1955 – 1975 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ là 409 hiện vật (190 đơn vị kiểm kê) tập trung vào các chủ đề: Ca ngợi đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; kỷ niệm ngày thành lập nước, thành lập Đảng; ngày sinh Lê Nin; chủ đề hậu phương lớn miền Bắc, vừa sản xuất vừa chiến đấu, chống chiến tranh phá hoại, chi viện cho miền Nam; chủ đề tiền tuyến lớn miền Nam anh hùng trên tuyến đầu chống Mỹ. Trong đó, số lượng tranh cổ động phản ánh khí thế chiến đấu, phục vụ chiến đấu, miền Bắc hậu phương lớn cho tiền tuyến miền Nam có số lượng nhiều nhất. Các bức tranh cổ động được dán ở các khu vực trung tâm thành phố, các làng quê đã có tác động mạnh đến người xem, tạo một khí thế sôi sục, một quyết tâm cao sẵn sàng chiến đấu hy sinh cho tổ quốc, động viên toàn dân, toàn quân chiến đấu giành thắng lợi trên chiến trường. Tiêu biểu phải kể đến những bức tranh “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của họa sĩ Huy Oánh và Nguyễn Thụ; “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của họa sĩ Xuân Hồng; “Giặc phá ta cứ đi” của họa sĩ Đào Đức; Tranh “Lê Mã Lương cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù;” của họa sĩ Dương Ánh; “ Đánh! đánh đến cùng, quyết bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc” của họa sĩ Cổ Tấn Long Châu; “Quyết thực hiện lời bác dạy”, “Hậu phương thi đua với tiền phương” của họa sĩ Duy Trúc…
Mảng tranh vẽ về đề tài chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc rất kịp thời và rất ấn tượng, thông báo tới mọi người chiến máy bay thứ 200, 1.500. 3.500, 4000… bị bắn rơi làm nức lòng quân dân cả nước. Hay mảng tranh cổ động được sáng tác và sử dụng trong cùng giải phóng miền Nam trong Bộ sưu tập của BTLSQG cũng có rất nhiều tác phẩm quí với các nội dung: Động viên chiến sĩ quyết tâm đánh thắng Mỹ- ngụy, động viên nhân dân phá thế kìm kẹp, giành chính quyền về tay nhân dân. Một mảng đề tài được phản ánh đậm nét nhất trong tranh cổ động thời kỳ này chính là loan tin một cách nhanh chóng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như: “Xuân 1975 mừng Tây Nguyên Giải phóng” của họa sĩ Lê Thiệp; “Hoan hô Huế giải phóng của họa sĩ Nguyễn Tiến Cảnh”; “30-4-1975 Việt Nam toàn thắng” của hoạ sĩ Phạm Lung…
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), tranh cổ động hiện diện trên mọi nẻo đường kháng chiến, kiến quốc, trong mọi thời khắc lịch sử cam go, gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Những bức tranh cổ động chính là bằng chứng sống động về một giai đoạn lịch sử đặc biệt cuả dân tộc, đất nước, con người Việt Nam trong thế kỷ 20 bằng hình ảnh, bằng ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình. Trong những năm tháng lịch sử của dân tộc, tranh cổ động đã phát huy giá trị của mình, không chỉ là loại hình nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ, mà còn đóng vai trò của người chiến sĩ xung kích trong nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục, khơi dậy lòng yêu nước, căm thù giặc, ca ngợi tinh thần anh dũng trong chiến đấu, lạc quan trong lao động sản xuất, nêu lên những tấm gương anh dũng hy sinh đồng thời chỉ ra phương hướng và hành động cách mạng, là nguồn cổ vũ cho cả dân tộc tiến lên hoàn thành mục tiêu bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Với những ý nghĩa đó, sưu tập tranh cổ động giai đoạn 1945-1975 hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thực sự có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Sưu tầm bổ sung, bảo quản, tư liệu hóa, số hóa, bổ sung thông tin cho từng hiện vật trong sưu tập là nhiệm vụ mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã và đang thực hiện để hướng tới việc giới thiệu, phát huy hiệu quả giá trị sưu tập hiện vật tranh cổ động giai đoạn 1945-1975 tới đông đảo công chúng trong nước và quốc tế./.
Ths. Phạm Thị Mai Thủy
nguồn: http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/72041/gia-tri-suu-tap-tranh-co-djong-giai-djoan-1945-1975-hien-luu-giu-tai-bao-tang-lich-su-quoc-gia.html
Có thể bạn muốn xem
Nỗi buồn màu xanh lá
Tarot Wisdom (Tập 2): 56 lá bài Ẩn phụ – Bức tranh toàn cảnh của Vũ trụ
Hội xuất bản Việt Nam “tuyên chiến” với nạn vi phạm bản quyền
Bàn về chè và trà
9 câu chuyện lạ về sex vòng quanh thế giới
Lấy nước đường xa
“Người Hà Nội: Chuyện ăn chuyện uống một thời” vào đề cử giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội
Top 1 Toyota
Nguồn gốc của cà phê