Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam đã viết lời giới thiệu cho cuốn sách “Chuyện người, chuyện ta” của tác giả Trần Đình Chất như sau: “Tôi bất ngờ khi nhận được bản thảo cuốn sách Chuyện người, chuyện ta của bạn tôi – Trần Đình Chất. Bất ngờ là vì anh bạn tôi suốt hơn 40 năm qua, kể từ khi tốt nghiệp đại học ở Ba Lan về nước, chỉ miệt mài giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau, hàn huyên đủ chuyện, nhưng tuyệt nhiên chưa lần nào nghe thấy Trần Đình Chất nói đến chuyện viết lách, văn chương.

Thật bất ngờ! Nhưng đây là một bất ngờ rất thú vị!

Té ra, bạn tôi, một cựu học sinh lớp chuyên Văn Nghệ An cách đây đúng 50 năm, vẫn không phai nhạt “máu văn chương” vốn được ươm mầm, nuôi dưỡng trong những điều kiện “đặc biệt” nhưng đầy gian khó của những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Lớp chuyên Văn của chúng tôi hồi đó, lúc nhập học có 36 học sinh, nhưng đến khi ra trường chỉ còn 27 người vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có một số bạn đã lên đường nhập ngũ. Tuy là học sinh chuyên Văn nhưng có không ít bạn lại học rất giỏi các môn Toán, Lý, Hóa, trong đó có Trần Đình Chất, nên đã được tham gia dự tuyển vào Đại học Quân sự nước ngoài, do Bộ Quốc phòng tuyển chọn, theo đó phải thi Khối A. Tuy nhiên, cuối cùng vẫn thi khối C, như đã đăng ký trước đó và đạt điểm cao, được chọn đi học nước ngoài. Nhưng tại đây lại được chuyển sang học chuyên ngành Kinh tế Thủy sản. Tôi cứ ngỡ, các phương trình, phép tính, công trình nghiên cứu khoa học đã đè bẹp cảm hứng văn chương của Trần Đình Chất rồi, nào ngờ…

 Thú thật, tôi đọc tập bản thảo Chuyện người, chuyện ta với không ít tò mò. Bạn tôi viết gì đây?

Đúng là có cả chuyện người và chuyện ta. Người ở đây là thiên hạ, là nước này nước nọ, là đất nước Ba Lan yêu quý mà Trần Đình Chất đã du học thời trai trẻ và trở lại làm luận án tiến sĩ. Ta ở đây là đất nước mình, làng quê mình, là nơi mình làm việc, sinh sống và chính bản thân mình.

Cuốn sách được thể hiện bằng một lối viết khá đa dạng, lúc thì kiểu hồi ký đầy chất hoài niệm (Quả đất tròn, Giáo sư hướng dẫn tôi , Anh bạn người Ba Lan của tôi, Chuyện ông chủ nhà trọ của tôi), lúc thì bằng lối văn trần thuật với sự miêu tả sống động (Chuyên về phố đèn đỏ, Chuyện ghi trên đường tập thể dục, Nghĩa trang Trường Sơn, Bạn tôi muốn làm giàu, Bạn tôi muốn thằng hàng xóm cũng giàu, Chuyện của nàng Thiên Hương, Lấy con gái của kẻ thù, Chuyện tình của bạn tôi). Tôi thích loạt bài viết đầy chất suy tư, chiêm nghiệm, ý tứ sắc lẹm với sự so sánh, phân tích, mổ xẻ khá thấu đáo (Chuyện học, Thần đồng, Giải Nobel, Cống hiến, Đại ngôn, Khôn vặt, Ăn mày, Kẻ thù, Người lãnh đạo). Tôi cảm nhận đây là những bài viết vừa thể hiện vốn sống, sự trải nghiệm của tác giả như một công dân toàn cầu, vừa cho thấy khả năng khái quát, tổng hợp tri thức phong phú và cách luận giải của một nhà khoa học. Trong Thần đồng, Giải Nobel và Cống hiến, người đọc được tiếp cận một hệ thống tư liệu khá đầy đủ và tin cậy cả trong nước và quốc tế về ba chủ đề này. Đọc thấy vui và bổ ích. Trong Chuyện học, Trần Đình Chất có sự tổng hợp, so sánh đối chiếu, đúc kết rất thú vị về con đường đi tới thành công vang dội của những người học giỏi, học đến nơi đến chốn với những người học bình thường, những người bỏ học giữa chừng. Anh viết: “Một nước hùng mạnh về mọi mặt như nước Mỹ trong lịch sử hàng trăm năm đã có tổng thống nào có học vị tiến sĩ đâu… Bill Gates, nhà tỷ phú nhiều năm liền giữ vị trí người giàu nhất thế giới, là người bỏ học giữa chừng, khi đang học năm thứ hai Đại học Harvard. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ông không có bằng đại học. Nếu căn cứ vào đó, ai ngây thơ mà nghĩ rằng, thấy chưa cần gì phải học, thì đó là một sai lầm vô cùng tai hại. Nói đúng ra là ông ta chỉ bỏ học tại trường đại học, chứ không bỏ chuyện học hành, mày mò nghiên cứu trong suốt cả đời mình… Cũng bỏ học giữa chừng như Bill Gates còn có Steve Jobs, một nhân vật huyền thoại trong giới công nghệ, người đã đóng góp to lớn trong sự tiến bộ vượt bậc của các sản phẩm công nghệ như iPhone, iPad. Nhưng lý do bỏ học của Steve Jobs lại hoàn toàn khác, chỉ vì mới học năm đầu tiên, chi phí học hành đã ngốn hết toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời của bố mẹ nuôi. Khác với Bill Gates, xuất thân trong một gia đình trung lưu, chẳng phải lo gì trong việc chi tiêu cho việc học hành cũng như sinh hoạt, Steve Jobs, sau khi dừng học đại học, phải kiếm ăn từng bữa, nhưng lòng đam mê, tính ham học hỏi khám phá, đã giúp ông tạo ra một cơ nghiệp đồ sộ, khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ, không chỉ đơn giản về mặt tiền bạc. Mark Zuckerberg, người đồng sáng lập và là ông chủ của Facebook, với tài sản được đánh giá cuối năm 2019 là gần 67 tỷ đôla, cũng là người bỏ học giữa chừng, khi đang theo học Đại học Harvard. Ông đã tạo ra một đế chế khổng lồ với 2,3 tỷ người dùng tính đến cuối năm 2018. Cũng như các bậc tiền bối, nói ông bỏ học là bỏ học tại trường đại học, còn quá trình tự học hành nghiên cứu, thì ông còn bỏ ra nhiều công sức gấp bội những người khác…

Khác với những người thành công, giàu có, bỏ học giữa chừng kể trên, Jeff Bezos, là người đã theo học trọn vẹn cả quá trình phổ thông, đại học và có kết quả cực kỳ xuất sắc.

Chính vì vậy, ông được thay mặt cho các tân tú tài, phát biểu trong lễ tốt nghiệp trung học phổ thông, được nhận học bổng ưu tú quốc gia của Mỹ. Ông cũng tốt nghiệp loại xuất sắc Đại học Princeton. Từ năm 2017, ông chủ của Amazon trở thành người giàu nhất thế giới và từ năm 2018, ông được mệnh danh là “người giàu nhất lịch sử hiện đại” khi khối tài sản ròng lên tới 150 tỷ đôla. Khối tài sản này đã sinh sôi, nảy nở nhanh chóng và đạt tới 180 tỷ đôla vào 30 tháng 7 năm 2020. Còn Andrew Carnegie, vua thép của nước Mỹ, người giàu thứ hai trong lịch sử thế giới, khi bản thân ông chỉ tốt nghiệp tiểu học. Người mà khi chết trên bia mộ của mình đã cho ghi dòng chữ: “Ở đây yên nghỉ một người biết sử dụng những người tài hơn mình”.

Trong khi đó, Chuyện chưa kể của Việt Hương là những trang viết hay, đầy cảm xúc về một mối tình rất đẹp, nhưng éo le giữa một chàng trai Ba Lan với một cô gái Việt Nam. Kết thúc buồn của câu chuyện tình này làm tôi nhớ lại những năm tháng thế hệ chúng tôi du học ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tất cả chúng tôi đều nhận thức rất rõ rằng trong khi hàng chục vạn thanh niên đang cầm súng ra mặt trận thì chúng tôi được đi học ở nước ngoài, vì thế, phải tập trung cao độ cho học tập, mang tri thức về dựng xây đất nước. Chuyện chưa kể của Việt Hương được xếp cuối sách, kết thúc bằng nỗi buồn sâu thẳm của chàng trai Ba Lan khi người yêu đã lặng lẽ rời đi, để lại một bức thư ly biệt. “Buổi chiều hôm đó, khi mọi người đã quây quần đông đủ, Jan lững thững đi ra, như người mất hồn, lại vẫn không có Hương, mọi người đã bán tín, bán nghi, có chuyện chẳng lành. Lần đầu tiên trong đời trong bữa ăn bình thường cậu sai em gái lấy ra một chai vodka và rót cho tất cả mọi người đề nghị cùng uống. Bình thường nếu uống vodka, cũng chỉ có bố tham gia, nhưng hôm nay không ai từ chối, vì họ đều hiểu rằng, cậu đang có nỗi buồn quá sức chịu đựng, nên không ai nói câu gì, chỉ biết uống theo. Hết chai thứ nhất, cậu lại sai em gái lấy chai thứ hai, lúc này chỉ bố con uống với nhau. Khi đã ngà ngà say, cậu mới lên tiếng:

– Việt Hương về Việt Nam rồi!

Nói xong câu đó, cậu òa khóc như một đứa trẻ, điều mà cậu chưa bao giờ làm, kể cả từ thời trẻ con.

… Nghe nói sau này, Jan đã có những cố gắng không mệt mỏi, tìm cách hóa giải sự cách trở nghìn trùng, nhưng vô vọng. Cậu đã lên đại sứ quán không biết bao nhiêu lần, nhưng cũng chẳng làm gì được. Chính vì vậy, câu chuyện tình này mới được tiết lộ, nếu không, ngoại trừ An, sẽ chẳng bao giờ một người Việt nào biết được. Hồi đó vì hoàn cảnh chiến tranh, để lòng người không phân tâm, người ta cấm yêu người nước ngoài. Nên phải tin tưởng cô bạn cùng phòng lắm, Hương mới cho biết. An hoàn toàn xứng đáng với sự tin cậy của Hương, thực hiện đúng tâm nguyện “Sống để dạ, chết mang đi”!”

Tôi và Trần Đình Chất cùng học lớp chuyên Văn Nghệ An 1970 – 1973, những năm tháng đời học sinh không thể nào quên. Vì thế, tôi có chút luyến tiếc khi không được đọc những trang viết về lớp học này trong cuốn sách của Chất. Khóa học lớp chuyên Văn của chúng tôi “được tỉnh nuôi”, do chiến tranh ác liệt, phải gửi học nhờ ở Trường cấp 3 Nghi Lộc 1, rồi Trường cấp 3 Thanh Chương 1. Cùng lớp này với tôi và Chất còn có những người bạn sau này khá thành danh, trong đó có Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Nguyễn Đức Hiền là Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Ở lớp chuyên Văn tỉnh Nghệ An, dạy văn lớp 8 và lớp 9 là thầy chủ nhiệm Nguyễn Huy Tý, một người rất giỏi tiếng Pháp, dáng người nho nhã, đã để lại những dấu ấn vô cùng sâu nặng đối với chúng tôi. Mùa hè 1971, máy bay Mỹ ném bom, đốt rụi lớp học và lán ở tập thể làm bằng tre nứa ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, may mà hôm đó tất cả học sinh của lớp đang nghỉ hè ở quê nên tất cả vẫn yên lành. Đến giữa lớp 9, lớp chuyên Văn phải sơ tán lên xã Nghi Vạn. Một thời gian sau, tỉnh Nghệ An lại quyết định sơ tán lớp này lên huyện miền núi Thanh Chương. Thật không ngờ, tại đây, lớp chuyên Văn của chúng tôi, lại suýt hứng phải trận bom rải thảm B52, trong một đêm mùa đông năm 1972. Như được hộ mệnh, cả lớp chuyên Văn không ai hề hấn gì mặc dù các loạt bom đó rơi xuống ngay sát nơi chúng tôi ở trọ. Đêm hôm đó, đang nằm ngủ trên chiếc phản gỗ trong nhà của một gia đình nông dân ở xã Thanh Lĩnh, quê hương của Chất, bất thần nghe tiếng rít kinh hoàng, rồi ánh chớp xanh lè, theo phản xạ tự nhiên, tôi lao xuống đất, chui vào gầm chiếc phản gỗ. Loạt bom nổ xé trời vừa dứt, tôi lao ra khỏi nhà, bò đến căn hầm trú ẩn ở góc vườn. Vừa thoát ra khỏi cửa thì toàn bộ mấy cánh cửa lim đổ sập xuống đè đúng nơi tôi vừa nấp. Loạt bom thứ hai làm rung chuyển trời đất đúng lúc tôi bò được vào căn hầm, hai đầu gối rách bươm, máu túa ra. Rồi loạt bom thứ ba, căn hầm chữ A như chao đảo. Sáng ra, nhìn ba vệt hố bom kéo dài, nhiều người nói, chỉ chệch đi một chút nữa thì cả lớp chuyên Văn có thể đã bị “xóa sổ”. Đó là năm lớp 10, lớp chuyên Văn của chúng tôi gắn bó với thầy giáo chủ nhiệm dạy văn – nhà thơ Phan Huy Huyền. Dịp 20-11-2020 vừa qua, từ huyện Yên Thành, thầy Huyền, đã ngoài 90 tuổi, vẫn về Vinh dự cuộc hội ngộ nhân kỷ niệm 50 năm Lớp chuyên Văn Nghệ An. Từ Nha Trang, Trần Đình Chất cũng ra dự. Gần như suốt đêm hôm đó, thầy trò cùng ôn lại kỷ niệm những tháng ngày gian khổ, sâu nặng nghĩa tình rất đỗi tự hào trên đất Thanh Chương. Gian nan và đáng nhớ nhất là chuyến đi của lớp chúng tôi lên núi chặt nứa, rồi kết bè xuôi theo dòng sông Giăng, có nhiều đoạn ghềnh thác rất nguy hiểm, mà trong chuyến đi đó, một bạn gái được cả lớp yêu quý tên là Phạm Thúy Ngân bị sốt cao, mê man làm cả lớp lo sốt vó. Tôi nhớ mãi hình ảnh của Chất nhanh nhẹn, dũng mãnh chống bè vượt qua thác ghềnh trong chuyến đi đó.

Đọc Chuyện người, chuyện ta, từ trang đầu tiên đến trang cuối, tôi cảm nhận rõ Trần Đình Chất rất nặng lòng với quê hương đất nước, với biết bao trăn trở, mong muốn góp thêm một cách nghĩ, một tiếng nói, một kiến giải đặng cùng giải quyết những vấn đề mà đất nước đang phải đối mặt và vượt qua. Cuốn sách của Trần Đình Chất không mang âm hưởng của ngợi ca mà thiên về đặt vấn đề và tìm lời giải cho một vấn đề nào đó. Cuốn sách cũng chứa đựng tình cảm ấm áp, đầy lòng biết ơn của một lưu học sinh, một nghiên cứu sinh Việt Nam dành cho đất nước Ba Lan tươi đẹp, con người Ba Lan hồn hậu, chân thật, tràn đầy tình yêu thương con người.

Chuyện người, chuyện ta là một cuốn sách tốt. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc và xin được chúc mừng bạn Trần Đình Chất.

Tôi tin là sau Chuyện người, chuyện ta, Trần Đình Chất sẽ còn luyện bút, một khi hứng thú văn chương đã trở về.”

MỤC LỤC:

Cuốn sách gợi nhiều suy nghĩ

Văn mình vợ người

Quả đất tròn

Giáo sư hướng dẫn của

Chuyện học

Môn lịch sử

Thầnđồng

Giải thưởng Nobel

Cống hiến

Đại ngôn

Khôn vặt

 Ăn mày

Kẻ thù

Chuyện về “bác thằng bần

Chị gái tệ nhất thế giới

Chuyện về “phố đèn đỏ

Chuyện ghi được trên đường tập thể dục

Người lãnh đạo

Nghĩa trang Trường Sơn

Anh bạn người Ba Lan của tôi

Chuyện về ông chủ nhà trọ của tôi

Bạn tôi muốn làm giàu

 Bạn tôi muốn thằng hàng xóm cũng giàu

Chuyện của nàng Thiên Hương

 Lấy con gái của kẻ thù

Chuyện tình của bạn tôi

Chuyện tình của nàng Natalia

Chuyện chưa kể của Việt Hương