Cõi nhân gian: Bức tranh về đời người dâu bể

Nguyễn Phúc Lộc Thành là một người nặng lòng với văn chương. Bộ tiểu thuyết 8 tập Cõi nhân gian (NXB Hội Nhà văn) là tâm huyết của tác giả suốt nhiều năm cầm bút. Tác phẩm là câu chuyện của nhiều số phận bé mọn trước cuồng phong của cuộc sống. 

Tập đầu tiên của bộ tiểu thuyết Cõi nhân gian được xuất bản vào năm 1994. Trong suốt hơn 20 năm qua, nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành vẫn trăn trở về những phận người trong “đứa con tinh thần” của mình. Năm 2021, nhà văn cho ra đời phần cuối của bộ tiểu thuyết này. Với hơn 2.500 trang, Cõi nhân gian được xem là một bộ tiểu thuyết đồ sộ hiếm thấy.

Nhân vật trung tâm của tác phẩm là Hương “còm”, một trí thức mới về nước sau quãng thời gian du học ở nước ngoài. Người đàn ông này tràn đầy nhiệt huyết, nhưng những trò nhiễu nhương của xã hội đã làm anh cảm thấy chán nản. Lấy bối cảnh đất nước những năm đầu thời kỳ đổi mới, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã cho người đọc thấy muôn mặt của đời sống trong một giai đoạn rất khó quên.

Bằng ngòi bút của mình, nhà văn đã “mổ phanh” vào hiện thực, cho người đọc thấy rõ biết bao thứ trắng đen, tốt xấu ở đời. Trải qua bao gian khó của chiến tranh và đói nghèo, giống như bao người khác, nhân vật Hương luôn đặt niềm tin vào một tương lai tốt đẹp, nhưng chính sự tàn khốc của hiện thực đã giết chết chút hy vọng nhỏ nhoi đang le lói ấy.

Với 8 tập, được sáng tác trong hơn 20 năm, “Cõi nhân gian” được xem là bộ tiểu thuyết đồ sộ của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành

Không chỉ có Hương, nhiều nhân vật khác trong bộ tiểu thuyết Cõi nhân gian cũng lâm vào cảnh ngộ ấy. Hy vọng càng nhiều, thì thất vọng lại càng lớn, sau những “cú đánh như trời giáng” của cuộc đời, có kẻ sa ngã, có người vẫn kiên cường bước tiếp.

Hệ thống nhân vật của tác phẩm rất đa dạng, từ trí thức, công nhân, nông dân, người lao động nghèo, đến trộm cướp, giang hồ… nhân vật nào cũng hiện lên trên trang viết của Nguyễn Phúc Lộc Thành một cách rất có hồn, đầy tỉ mỉ. Tác giả là một người có vốn sống dày dặn. Sự từng trải của anh thể hiện rõ ràng qua văn phong và lối miêu tả của tác phẩm.

Mỗi tuyến nhân vật ở các tầng lớp khác nhau trong xã hội đều được khắc họa một cách tỉ mỉ, không lẫn lộn, đó là điều khiến người đọc ngạc nhiên khi cầm trên tay bộ tiểu thuyết Cõi nhân gian. Nó cũng thể hiện sự tinh tế của tác giả trong phong cách kể chuyện, bút pháp miêu tả và cách khắc họa nội tâm của các nhân vật. Chốn thương trường, nơi tác giả đã quá quen thuộc trong đời sống cũng được khai thác triệt để trong tác phẩm.

Bộ trường thiên tiểu thuyết của Nguyễn Phúc Lộc Thành ở góc độ kết cấu và sử dụng nhân vật. Tác giả đã đạo diễn bối cảnh, nhân vật rất bài bản và chuyên nghiệp. Tình huống và nhân vật được xếp đặt hợp lý, kỹ càng, cuốn sách mạnh về cấu trúc, mạch lạc và thống nhất. Điều này gợi đến phong cách truyền thống của các nhà tiểu thuyết cổ điển, chú trọng đến những tình tiết nhỏ, các nhân vật phụ, dùng chúng làm đòn bẩy cho các bối cảnh lớn, ý tưởng lớn.

Tất cả các nhân vật đều được xới đi, xới lại, không bị bỏ quên, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã khai thác tối đa các nhân vật của mình ở mức cao nhất. Một số nhân vật ban đầu tưởng mờ nhạt, không quan trọng, nhưng đến thời điểm thích hợp lại được đưa ra đúng lúc, đúng chỗ, tạo ra những bất ngờ. Đây có lẽ là điểm mạnh nhất của người viết, xét về phương diện xây dựng tác phẩm. Điều thứ hai dễ nhận ra hơn, tiết tấu của tiểu thuyết rất nhanh, dồn dập, sóng sau đè sóng trước, một kiểu viết liên hoàn, gối nhau, khiến cho cuốn sách lúc nào cũng căng như dây đàn và kịch tính.

Hơn 20 năm trước, khi tập đầu của bộ tiểu thuyết Cõi nhân gian ra đời, nó đã gây được tiếng vang nhất định trên văn đàn, giúp Nguyễn Phúc Lộc Thành khẳng định cái tên của mình. Trong suốt quãng thời gian dài hơn hai thập kỷ, nhà văn vẫn trăn trở với “đứa con tinh thần” này. Sự ra đời của phần kết khá trọn vẹn cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của người viết. Nó cũng cho người đọc có cái nhìn trọn vẹn về hành trình dài của đất nước trong hơn ba mươi năm qua.

QUỲNH ANH

nguồn: https://www.sggp.org.vn/coi-nhan-gian-buc-tranh-ve-doi-nguoi-dau-be-795349.html