Một nghiên cứu cho thấy các thư viện Anh mang về ít nhất 3,4 tỷ bảng hàng năm thông qua các dịch vụ hỗ trợ xóa mù chữ, hòa nhập thế giới số và phát triển sức khỏe trẻ em.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học East Anglia đã thực hiện một nghiên cứu mới theo ủy quyền của tổ chức từ thiện Libraries Connected về giá trị của các thư viện tại Anh. Theo đó, các dịch vụ tại một thư viện Anh có thể mang về 1 triệu bảng mỗi năm và giá trị của một thư viện gấp 6 lần chi phí duy trì hoạt động của chúng.

Tổng quát giá trị của các thư viện công

Những kết quả nghiên cứu mới sẽ tác động lớn đến cách các nhà chức trách ở cấp địa phương và quốc gia nhìn nhận giá trị của thư viện. Bằng chứng rõ ràng là đầu tư vào thư viện mang lại lợi nhuận khổng lồ cho cộng đồng địa phương và ngân sách công, Isobel Hunter, CEO của Libraries Connected chia sẻ.

Bên cạnh phân tích tài chính, các nhà nghiên cứu cũng thực hiện các chuyến thăm tới các thư viện ở phía đông nước Anh và phỏng vấn những người sử dụng thư viện và thủ thư. John Gordon, người đứng đầu dự án nghiên cứu, cho biết họ nhận thấy rằng các thư viện cung cấp dịch vụ rất toàn diện, linh hoạt và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.

Ngoài sách và không gian công cộng, thư viện Anh đang phát triển nhiều dịch vụ khác. Ảnh: The Mirror.
Ngoài sách và không gian công cộng, thư viện Anh đang phát triển nhiều dịch vụ khác. Ảnh: The Mirror.

Trong khi mượn sách và sử dụng trong thư viện vẫn là “giá trị chính của các thư viện” thì còn nhiều dịch vụ khác được nêu bật trong báo cáo bao gồm các buổi học dành cho người tị nạn Ukraine và các chương trình giúp trẻ em phục hồi khả năng đọc viết sau Covid-19. Nghiên cứu nhấn mạnh “cơ sở hạ tầng của các thư viện công cộng đã giúp giải quyết một số thách thức mà xã hội đang phải đối mặt vào lúc này”, Jill Terrell, một thành viên của Libraries Connected tham gia cùng các nhà nghiên cứu, cho biết.

Nhiều dịch vụ của thư viện, chẳng hạn hỗ trợ cho những người mắc bệnh mạn tính, đã giúp làm giảm lượng công việc cho lực lượng y tế quốc gia Anh NHS và các dịch vụ chăm sóc xã hội. Gordon cho biết những người tham gia nghiên cứu nhận thấy “rất khó để giải thích tầm quan trọng của các thư viện một cách rõ ràng bởi vì các thư viện đang làm hầu hết mọi thứ”.

Nghiên cứu cũng cho thấy trung bình mỗi giờ có hai người ghé thăm một thư viện để giảm bớt sự cô lập xã hội. Khi tới thư viện, những người này đọc báo trong thời gian dài nhưng ít lật trang, lướt qua các giá sách nhưng không mượn hoặc đọc và nói chuyện với nhân viên về những vấn đề không liên quan đến dịch vụ thư viện. Terrell cho biết các sáng kiến như đan len và sáng tạo đồ thủ công tại thư viện là “các hoạt động có tác động lớn giúp giảm bớt sự cô đơn và xây dựng kết nối cộng đồng”.

Ông Terrell nói thêm: Đại dịch Covid-19 đã cho thấy “sức mạnh và sự bền bỉ của các thư viện”. Nhiều thủ thư đã gọi điện cho những người dùng có thể bị cách ly xã hội để hỗ trợ cung cấp các dịch vụ thư viện tại nhà. Trong thế giới số, các thư viện cũng đã kịp thời triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật số như các lớp dạy trẻ em viết mã code, in CV, truy cập email và quét tài liệu.

Báo cáo cho biết: “Số lượng ngày càng tăng các dịch vụ số, đặc biệt là để hướng tới chính phủ điện tử, đang giúp đỡ những người không thể tiếp cận với chúng do khuyết tật hoặc các vấn đề về sức khỏe, cả những người trình độ học vấn thấp hoặc không quen với các hệ thống trực tuyến”.

Các dịch vụ sức khỏe và phúc lợi tại thư viện cũng được đề cập trong báo cáo, bao gồm thay thế pin của máy trợ thính và ống nối trên gậy chống, các lớp học yoga và rèn luyện tinh thần Read My Mind cho nam giới.

Các thư viện công tại Anh mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng. Ảnh: Reuters.
Các thư viện công tại Anh mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng. Ảnh: Reuters.

Lịch sử của các thư viện công ở Anh

Số liệu mới nhất cho biết có 2.581 thư viện công cộng trên khắp nước Anh. Luke Burton, Giám đốc thư viện tại ACE cho biết ông hy vọng báo cáo của UEA có thể “tạo nền tảng cho các đối tác và nhà tài trợ tiềm năng tại địa phương, khu vực và quốc gia hỗ trợ thư viện cải thiện cuộc sống của người dân trong cộng đồng”.

Thư viện công đầu tiên ở Anh được thành lập tại Norwich vào năm 1608. Hội đồng thành phố Norwich vận hành nơi này như chỗ ở qua đêm cho các giáo sĩ thuyết giáo. Những nơi khác làm theo và các thư viện tương tự được mở ở Ipswich năm 1612 và Bristol năm 1613.

Theo sau các nơi này, những thư viện có phí, cho phép người dùng tiếp cận sách sau khi đóng phí, đã được mở trên toàn quốc. Tuy nhiên, các thư viện công cộng miễn phí như hiện tại chỉ được thực thi từ sau khi ra đời Đạo luật Thư viện công tại Anh năm 1850.

Để tăng cường giáo dục cho tầng lớp lao động, chỉ riêng trong năm 1887, 77 thư viện mới đã được thành lập. Đến năm 1914, 62% dân số Anh sống trong các khu vực đều có thư viện. Sau đó, Đạo luật Bảo tàng và Thư viện Công năm 1964 yêu cầu chính quyền địa phương ở Anh và xứ Wales “cung cấp dịch vụ thư viện toàn diện và hiệu quả”, theo đó, mở rộng văn hóa phẩm từ sách sang tranh ảnh, máy hát, phim ảnh và các tài liệu khác.

Năm 1994, UNESCO đã thông qua Tuyên ngôn Thư viện công nhấn mạnh rằng các thư viện công không chỉ nâng cao khả năng đọc viết mà còn hỗ trợ tiếp cận “tất cả thông tin cộng đồng” và đảm bảo phát triển các kỹ năng tin học.

nguồn:https://zingnews.vn/da-dang-dich-vu-thu-vien-cong-tai-anh-thu-3-4-ty-bang-moi-nam-post1446037.html