Dù đã qua giai đoạn bùng nổ nhưng dòng sách dạy con hiện nay vẫn được xem là một trong những dòng sách ăn khách nhất trên thị trường.
Một số tác phẩm trong dòng sách dạy trẻ
Có rất nhiều đơn vị, nhất là các đơn vị xuất bản mới, đã xem đây là một trong những hướng đi chính trên con đường kinh doanh của mình.
Dạy con trong hoang mang
Anbooks, một trong những cái tên mới toanh của làng sách Việt bất ngờ giành được thành công với việc xuất bản cuốn Dạy con trong hoang mang ra mắt vào giữa năm 2017. Tác phẩm này nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy nhất nhì trong dòng sách dạy trẻ em. Tiếp tục từ thành công này, vào tháng 3-2018, Anbooks lại cho ra mắt phần tiếp theo với nhan đề Dạy con trong hoang mang 2. Chứa đựng nhiều thông tin bổ ích về việc dạy con cái từ TS Lê Nguyên Phương, một người có nhiều kinh nghiệm, từ giảng dạy đến thực tế trong việc giáo dục trẻ em.
Tuy nhiên, thành công của cuốn sách lại không phải nằm ở đó. Điểm chủ yếu để sách được đón nhận là việc đã điểm trúng vào một nhược điểm lớn trong việc nuôi dạy trẻ em hiện tại, một nhược điểm không chỉ từ các phụ huynh mà còn đến từ chính một số cuốn sách dạy nuôi trẻ khác. Đó chính là sự “hoang mang” trong việc không biết phải nuôi dạy trẻ em như thế nào, từ kinh nghiệm thực tế của chính mình hay từ những bài học từ các cuốn sách hiện đang bán khá nhiều trên thị trường?
Rất nhiều các bậc phụ huynh đã để cho quá khứ của chính mình trở thành nỗi ám ảnh trong việc nuôi dạy con. Nếu là quá khứ tốt đẹp, họ sẽ lấy quá khứ đó làm biểu mẫu để dạy con. Nếu quá khứ đó không tốt đẹp, họ sẽ lấy đó để dạy con theo hướng ngược lại hoặc mang những kinh nghiệm từ nơi khác để áp dụng lên con cái của mình. Thế nhưng, như các chuyên gia nhận định, cuộc sống luôn thay đổi, điều tốt đẹp với một đứa trẻ 20-30 năm trước không hẳn sẽ tiếp tục tốt đẹp với một đứa trẻ hiện nay. Cũng như vậy, điều tốt đẹp của một đứa trẻ ở Nhật, ở Israel, Mỹ… chưa hẳn phù hợp trong bối cảnh Việt Nam.
Cũng vì thế, trong một buổi giao lưu ra mắt sách dạy nuôi con của một tác giả Nhật, người dịch nêu ý kiến cho rằng tại Nhật, người ta để trẻ em có tính độc lập từ sớm bằng việc cho trẻ tự đến trường ngay từ lúc học tiểu học thì ở Việt Nam cha mẹ phải đưa đi đón về khiến trẻ kém độc lập hơn. Ý kiến này đã bị các vị phụ huynh phản bác, họ cho rằng điều kiện giao thông ở Nhật khác Việt Nam, yếu tố xã hội cũng khác, để trẻ tiểu học tự đi lại trong tình hình giao thông đô thị hiện nay là quá nguy hiểm. Chưa kể, nhiều trẻ còn phải đi học khá xa nhà do đặc thù cư trú của đô thị Việt Nam.
Hoang mang với chính kinh nghiệm từ sự trưởng thành của mình, hoang mang từ rất nhiều loại bài học dạy con, các bậc phụ huynh Việt vì thế đón nhận nồng nhiệt tác phẩm dạy con của chính tác giả Việt như của TS Lê Nguyên Phương bởi tác giả hiểu rõ nhu cầu để đề ra biện pháp giải quyết. Biện pháp đó được chuyển tải qua thông điệp: “Chuyển hóa chính mình để giáo dục trẻ thơ”. Thay vì bám giữ quá khứ, các bố mẹ cần chuyển hóa chính mình, “hòa giải” với quá khứ và những tổn thương của mình, để việc giáo dục con cái trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.
Dạy con trong đa dạng
Thế nhưng, ngay cả khi đã có sự chuyển hóa chính mình, việc lựa chọn con đường dạy con cũng không đơn giản, nhất là trong bối cảnh thị trường sách tràn ngập các tác phẩm dạy con như hiện nay. Dựa vào nội dung dòng sách dạy trẻ có thể chia làm 3 loại chính gồm sách hướng dẫn dạy con cho bố mẹ, sách dạy về những kỹ năng cho trẻ và sách dạy trẻ về cuộc sống.
Sách hướng dẫn cho bố mẹ chẳng hạn như cuốn Trẻ em trong gia đình hướng dẫn các bậc cha mẹ xây dựng nhân cách cho trẻ trong những ngày đầu. Đây được coi là giai đoạn có ý nghĩa rất lớn đối với tương lai của trẻ. Nếu thất bại trong việc giáo dục trẻ ở giai đoạn hình thành nhân cách này, đương nhiên, khi trưởng thành những đứa trẻ ấy ắt sẽ gặp nhiều rắc rối. Cũng cùng một hướng đó, Nghề làm cha mẹ lại đi sâu hơn trong những cách ứng xử với trẻ ở giai đoạn ban đầu như sự mè nheo, tính ích kỷ, ganh tị, nóng nảy… Có sách lại tập trung hoàn toàn vào phụ huynh như cảnh báo sự kỳ vọng quá cao có thể kiềm hãm sự phát triển của trẻ.
Sách dạy về kỹ năng có thể xem là mảng sách dạy thiếu nhi đa dạng nhất, đó có thể là chỉ cho phụ huynh cách làm sao giúp trẻ có hướng suy nghĩ đúng đắn như ở Dạy con tư duy. Cũng có thể là cách để trẻ hiểu được những giá trị vật chất như Bố giàu, bố nghèo. Thậm chí có nhiều cuốn sách giúp phụ huynh tìm kiếm năng lực của trẻ như sách hướng dẫn đánh thức năng khiếu văn chương, khoa học…
Và cuối cùng, mảng sách khá đặc biệt là dòng sách dạy trẻ về cuộc sống. Các cuốn sách trong mảng đề tài này đi trực diện vào những vấn đề gai góc như các tác phẩm dạy phụ huynh cách phát hiện bạo hành, xâm hại tình dục ở trẻ; dạy trẻ cách phòng tránh và cảnh báo trước các hành vi xâm hại, có sách nói về bạo hành gia đình… Đặc biệt hiện nay, nhiều sách đã đưa vào nội dung về những tổn thương trẻ có thể hứng chịu do quá trình ly hôn của cha mẹ và những diễn biến trong tâm lý, hành vi của trẻ theo tiến trình thời gian sau khi sự việc xảy ra cũng như hướng và biện pháp giải quyết. Đây là nội dung khá quen thuộc trong nhiều cuốn sách về dạy trẻ em ở nước ngoài nhưng với các sách dạy trẻ em trong nước trước đây vấn đề này vẫn bị bỏ qua.
Theo đại diện một đơn vị làm sách thiếu nhi, vẫn còn một mảng đề tài cho sách dạy trẻ em trong nước còn đang bỏ ngỏ là dạy về cách ứng xử trong môi trường giáo dục. Hầu hết nội dung trước đây vẫn đi theo lối mòn cũ trong khi thực tế, việc tiếp xúc trong học đường nhất là ở các cấp nhỏ như tiểu học hiện có rất nhiều thay đổi nhưng lại có quá ít các nội dung đề cập đến vấn đề này. Trong khi đó, dòng sách dịch lại rất khó để đưa vào thực tế do điều kiện giáo dục của Việt Nam, yếu tố văn hóa truyền thống cũng khác biệt rất nhiều so với các nước khác.
XUÂN THÂN/SGGPO