Những cuốn sách Tết chất chứa đầy hoài niệm đã trở lại, như món quà nhỏ cho ngày xuân thêm đậm đà.

Dòng sách tưởng như mai một đã “hồi sinh” trong đời sống tinh thần của người Việt với một diện mạo mới trẻ trung, sinh động hơn. Mỗi cuốn sách, những câu chữ lắng đọng và đầy tình cảm là lời thủ thỉ với bao nhung nhớ về Tết xưa.

Nhung nhớ Tết xưa qua sách Tết

Hồi ức xuân

Tết Quý Mão, Đông A gửi đến bạn đọc ấn phẩm Sách Tết 2023 – Hợp tuyển văn – thơ – nhạc – họa chủ đề mùa xuân và ngày Tết. Cuốn sách đưa bạn đọc về những ngày xưa cũ, nhìn lại phong tục đón Tết xưa trong gia đình của hai cựu quan nhà Nguyễn ở Phan Rí và Huế, với những phép tắc nghiêm cẩn mà truyền thống, trang trọng trong Tết quê nội, Tết quê ngoại của Xuân Phượng.

Đó cũng có thể là những hồi ức đón Tết ở Hà Đông và cả nước Nga xa xôi lạnh lẽo trong Theo bà nội về quê ăn Tết của Nguyễn Thị Minh Thái. Những trải nghiệm gói bánh chưng, chơi tam cúc của Ý Nhi và Trung Sỹ cũng tái hiện những phong tục đẹp mà ngày nay có nguy cơ mai một do sự phát triển của công nghệ.

Những sáng tác đầy xúc cảm trong phần văn và thơ sẽ đem cho bạn đọc cái thú nghiền ngẫm chữ nghĩa đầu năm, để cảm nhận mùa xuân, cảm nhận cuộc đời thêm phần ý vị, bay bổng.

Ở phần nhạc là những bài hát về mùa xuân nổi tiếng như: Thì thầm mùa xuân (Ngọc Châu), Chiều phủ Tây Hồ (Phú Quang), Mưa xuân (Đức Trịnh), với lời bình của Nguyễn Thị Minh Châu. Phần họa năm nay giới thiệu họa sĩ tuổi Mão – Đặng Tiến và những tác phẩm nghệ thuật mọi nơi trên thế giới.

Sách Tết với phần vĩ thanh gồm bài viết của Yên Ba về quá trình chuyển ngữ truyện ngụ ngôn của La Fontaine từ tiếng Pháp sang tiếng Việt của nhiều thế hệ dịch giả Việt Nam.

Ở Sách Tết Quý Mão 2023, từ phần “đọc” đến phần “nhìn”, độc giả đều có thể dễ dàng cảm nhận hương sắc mùa xuân. Những con chữ kể câu chuyện Tết xưa – Tết nay, còn tranh minh họa và thiết kế của sách vừa đậm phong vị dân gian, với những cải biến trong cách thể hiện, vừa mang hơi thở hiện đại đầy sống động.

Cuộc sống đổi thay từng ngày, năm 2022 vẫn còn đó những ảnh hưởng của dịch bệnh và các vấn đề xã hội sẽ được lưu lại dấu ấn trong sáng tác của các tác giả và họa sĩ. Nỗi niềm của những người tha hương, đón Tết nơi xứ xa hay thất nghiệp do dịch bệnh cũng sẽ được tái hiện trong cuốn sách.

Cũng như các cuốn Sách Tết đã ra mắt trước đây, Sách Tết Quý Mão 2023 thành hình từ sự góp sức của đội ngũ đông đảo tác giả, họa sĩ, từ quen thuộc như Nguyễn Thị Thu Huệ, Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh… đến những cái tên mới hơn như Ý Nhi, Trung Sĩ, Trương Anh Quốc, Hiền Trang.

Nhâm nhi Tết Quý Mão của Nhà xuất bản Kim Đồng là tuyển tập gồm 25 sáng tác thơ – văn – nhạc – họa chủ đề Xuân và Tết của nhiều tác giả dành riêng cho trẻ em. Lời chào xuân được nhà văn – nhà báo Đoàn Công Lê Huy đảm trách gợi nhớ những trang văn thủ thỉ tâm sự của “anh Chánh Văn” những số báo Hoa học trò ngày nào. Lời chào xuân nhắc các em có được một tâm thế mới, một cái nhìn khoan dung để bước vào một năm mới, vận hội mới của bản thân, gia đình và đất nước.

Nhâm nhi Tết Quý Mão mang đến những câu chuyện mùa xuân ấm áp của nhiều tác giả. Truyện tranh “Chuyện trên trời rơi xuống” của Hoàng Giang nối dài seri “siêu lầy lội” của cư dân Xóm Ọm Xòm sẽ mang đến cho bạn đọc tiếng cười sảng khoái vui nhộn.

Bước vào năm Quý Mão, lật lại những trang lịch sử với tác giả Phạm Huy về Chúa động Lam Sơn và chú mèo nhỏ là truyền thuyết về Lê Lợi và chú mèo mà ngày nay vẫn còn dấu tích. Tác giả Phan Khôi kể chuyện Vua Quang Trung với lời hẹn Ăn Tết vào ngày khai hạ. Tác giả Châu Hải Đường với phong tục Xin chữ chơi xuân, chữ ở đây là câu đối Tết “Ngày xuân lại đọc được những câu đối xuân vừa ý nghĩa vừa đặc sắc bất ngờ như vậy thì còn gì thú vị hơn?”

Nhâm nhi Tết Quý Mão đưa bạn đọc thưởng xuân khắp mọi miền đất nước qua những tản văn: Tết nhà ông bà mười thuốc Bắc; Món quà có mùi thành phố; Bếp lửa; Những chuyến ghe ngược xuôi đón Tết và Kí ức tháng Giêng.

Năm 2023 kỉ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Nguyễn Sáng, cây đại thụ của nền mĩ thuật Việt Nam hiện đại. Chân dung họa sĩ Nguyễn Sáng với tình yêu Hà Nội và những bức tranh vẽ mèo được thể hiện rõ nét qua bài viết Nguyễn Sáng – Sống và vẽ của tác giả Chu Hồng Tiến.

Nhạc trưởng Nguyễn Hồng Minh kể cho bạn đọc chuyện những chú mèo nổi tiếng trong âm nhạc, những chú mèo tri kỉ của nhạc sĩ và là nguồn cảm hứng cho các nhạc phẩm bất hủ. Nhà nghiên cứu âm nhạc Lê Y Linh, con gái nhạc sĩ Hoàng Vân kể lại kí ức mùa xuân của gia đình và đặc biệt bài hát Sắp đến Tết rồi với hai dấu chấm than đầy cảm xúc mà nhạc sĩ Hoàng Vân dành cho cháu ngoại của mình.

Đong đầy xúc cảm

Sách Tết vốn như lời tâm tình thủ thỉ, với những hoài niệm thao thiết, đượm phong vị Tết xưa – Tết nay trên mọi miền. Yếu tố quan trọng nhất và cũng là bí mật lớn nhất của Tết là sự đoàn tụ. Mỗi tác giả trong cuốn sách này, bằng một cách riêng nói về những vẻ đẹp khác biệt của Tết. Mỗi bài viết mang đến một phong vị của từng vẻ đẹp của từng vùng, từng thời… làm nên vẻ đẹp của Tết.

Những vẻ đẹp ấy hiển hiện trong trời đất, trong cây cỏ, hoa lá, trong những ngôi nhà, căn bếp, trong mỗi gương mặt người, trong mỗi giọng nói, trong hương nến trên những ban thờ, trong hương vị của những món ăn truyền thống… Nhưng dòng chảy lớn nhất và thiêng liêng nhất qua những vẻ đẹp ấy là sự đoàn tụ.

Có thể nói, mỗi cuốn sách mang những nội dung riêng, những câu chữ lắng đọng và đầy tình cảm là lời thủ thỉ với bao nhung nhớ về Tết xưa. Các cuốn sách Tết đều tái hiện bức tranh Tết đủ đầy phong vị của các vùng miền, của Tết nay và Tết xưa thông qua những bài viết của các tác giả. Để thông qua đó, nhắc nhớ người đọc về những giá trị của Tết cổ truyền trong văn hóa người Việt, về sự đoàn viên, ấm áp bên người thân, gia đình vào dịp đặc biệt này.

Việc phục dựng lại “tập quán” sách Tết của các nhà xuất bản trong những năm qua cũng không nằm ngoài ý nghĩa lưu giữ lại những nét đẹp vốn có của Tết Việt cho thế hệ mai sau. Và cứ như thế, trong giỏ quà Tết, ngoài những bánh, những rượu thì xuất hiện thêm một món quà tinh thần là quyển sách Tết nho nhỏ. Trên bàn trà, ngoài mứt tết, hạt dưa, còn có sự góp mặt khiêm nhường của Sách Tết. Bên cạnh thú du xuân, người ta còn có thêm cái thú tao nhã: Đọc – ngẫm Sách Tết.

Người già đọc để hoài nhớ Tết xưa; người trẻ đọc để trân quý Tết nay. Mọi người nhìn lại một năm đã qua với bao cảm xúc thăng trầm đáng nhớ và hướng đến mùa xuân mới nhiều hứa hẹn, niềm vui.