Năm 1971, Bảo tàng Rosicrucian ở California nhận được một quan tài Ai Cập cổ đại có niêm phong, trong đó có chứa xác ướp được bảo quản rất tốt từ thời Ai Cập cổ đại.

Hai thập kỷ sau, một nhóm các nhà khoa học đã phát hiện sự thật gây chấn động – xác ướp ẩn chứa bên trong bằng chứng về một ca phẫu thuật tiên tiến được thực hiện gần 2.600 năm trước đây. Bên trong đầu gối trái của xác ướp là một đinh ốc kim loại chỉnh hình dài 23cm, được đưa vào bằng những thủ thuật cơ sinh học vô cùng tiên tiến không thua kém gì kỹ thuật hiện đại hôm nay.

Usermontu – xác ướp không rõ nguồn gốc

Khi Bảo tàng Rosicrucian nhận được chiếc quan tài cổ đại bị phong kín những năm 1970, họ không hề biết rằng trong đó vẫn còn có xác ướp. Chưa hết, các cuộc điều tra đã phát hiện ra rằng xác ướp này không phải là chủ nhân đầu tiên của cái quách – nó thuộc về một thầy tư tế có tên Usermontu (‘sức mạnh của Montu’) – và một thời gian dài sau khi chết, xác ướp này mới được đặt vào trong quan tài của Usermontu. Tuy vậy, xác ướp không biết từ đâu mà đến này vẫn được lấy tên theo chủ nhân đầu tiên của quan tài.

Những phân tích kỹ thuật ướp xác cho thấy ‘Usermontu’ là một nhân vật thuộc tầng lớp quý tộc ở Ai Cập sống vào thời Tân Vương Quốc (khoảng giữa thế kỷ 16 – thế kỷ 11 trước công nguyên). Xác ướp của ông ta cao 1,5m và có tóc màu đỏ.

Xác ướp Usermontu (ảnh: Wiki)

Phát hiện gây sốc

Tháng 8 năm 1995, Giáo sư C. Wilfred Griggs thuộc trường Đại học Brigham Young, bang Utah Hoa Kỳ và một nhóm các chuyên gia khác, đã tiến hành chụp X-quang 6 xác ướp được lưu trữ tại Bảo tàng Rosicrucian, trong đó có xác ướp Usermontu, trước khi ông tổ chức giảng bài tại đây. Họ đã rất sốc khi những thước phim cho thấy một chiếc đinh vít bằng kim loại dài 23cm nằm trong đầu gối trái của một xác ướp.

Cổ đại hay hiện đại?

Báo cáo của Trường Đại học Brigham Young (BYU) cho rằng chỉ từ những kết quả chụp X-quang này thì không thể kết luận công nghệ cấy kim loại đã xuất hiện từ thời cổ đại. Giáo sư Griggs tin rằng chiếc đinh vít được sử dụng để ghép cái chân vào phần còn lại của cơ thể trong những thời kỳ hiện đại hơn.

Tôi giả định rằng chiếc đinh vít là một vật phẩm thuộc thời hiện đại. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể xác định xem chiếc đinh vít được ghép vào cái chân như thế nào, và có thể thậm chí đoán ra thời gian nó được cấy vào xương là lúc nào,” Griggs nói trong một báo cáo do BYU phát hành. “Tôi chỉ nghĩ rằng sẽ thật thú vị nếu ta chú thích rằng, ‘Ai đó có một xác ướp cổ đại và đặt một chiếc đinh vít hiện đại vào để nối chân và xác ướp với nhau.”

Nhóm chuyên gia tới khám nghiệm xác ướp (ảnh: bảo tàng Ai Cập Rosicrucian)

Giải mã bí ẩn

Với quyết tâm tìm ra sự thật, Griggs, Tiến sĩ Richard T. Jackson, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình từ Provo và Tiến sĩ E. Bruce Mcliff, trưởng khoa tia X của Trung tâm Y tế Thung lũng Utah, đã rất cẩn thận khoan vào trong xương để đưa một chiếc camera nhỏ xíu vào và kiểm tra chiếc đinh vít, đồng thời giúp lấy mẫu xương và phần kim loại.

Nhóm các khoa học gia đã phát hiện ra dấu vết của chất nhựa hữu cơ cổ đại, tương tự như vật liệu xi măng sinh học dùng trong tạo hình ngày nay, bên cạnh đó là sự xuất hiện của các chất béo và sợi dệt cổ đại vẫn dính chặt ở vị trí ban đầu. Các cuộc phân tích sâu hơn cho thấy thủ thuật kỹ thuật cao này được thực hiện vào thời cổ đại, khoảng 2.600 năm trước đây.

Chiếc đinh ốc dài 23 cm (ảnh: ĐH Brigham Young)

Ca phẫu thuật chỉnh hình trình độ cao

Nhóm nghiên cứu đã rất kinh ngạc khi phát hiện ra rằng chiếc đinh vít có thiết kế giống với những thứ được sử dụng ngày hôm nay trong các thủ thuật ổn định xương.

Chúng tôi đã rất ngạc nhiên với khả năng tạo ra một chiếc đinh vít với các nguyên lý về cơ sinh lý mà chúng ta vẫn đang áp dụng ngày này – ví như nguyên lý cố định cứng xương chẳng hạn,” Tiến sĩ Richard Jackson cho biết. “Nó vượt quá bất kỳ điều gì mà chúng ta vẫn thường hình dung về thời đại này.”

Theo báo cáo của BYU, chiếc đinh vít “xuyên vào xương đùi theo cấu trúc hình xoắn ốc, tương tự như phương pháp cơ sinh học đang sử dụng hiện nay. Đầu còn lại của đinh vít nằm trong xương chày, có ba gờ nổi vươn ra khỏi thân của chiếc đinh để ngăn chiếc đinh tự xoay trong xương.”

Trước hay sau khi chết?

Sau khám phá đáng kinh ngạc này, câu hỏi mà tất cả mọi người đều thắc mắc chính là – liệu ca phẫu thuật được thực hiện khi Usermontu còn sống, hay đã chết?

Một nghiên cứu toàn diện về phần khớp nối cho thấy chiếc đinh được cấy sau khi Usermontu đã chết nhưng trước lễ ướp xác của ông ta. Người Ai Cập cổ đại tin vào sự hồi sinh sau cái chết, theo đó cơ thể là một phương tiện cho linh hồn trú ngụ trong cuộc sống sau khi chết. Vì vậy, đảm bảo cơ thể được toàn vẹn là cực kỳ quan trọng. Griggs nói thêm rằng việc gìn giữ cơ thể trong điều kiện tốt được người Ai Cập tin là yếu tố cần thiết để linh hồn và thể xác tái hợp lại được với nhau.

Mặc dù đây là trường hợp cấy ghép chỉnh hình kim loại đầu tiên xuất hiện trước công chúng, tuy nhiên những ví dụ khác về chăm sóc cơ thể trước khi ướp xác như xử lý các vết thương, làm răng và lắp các bộ phận giả đã từng được phát hiện nhiều lần trước đây.

Ngón chân giả 3000 năm tuổi được nối vào một cái xác ướp sau khi chết, trưng bày tại bảo tàng Ai Cập ở Cairo (ảnh: ĐH Manchester)

Điều thú vị là người thợ đã mất rất nhiều công sức để chế tạo chiếc đinh vít,” Griggs nói. “Anh ta có thể chỉ cần dùng dây buộc cái chân lại và tin rằng sự tái sinh sẽ nối các bộ phận lại với nhau.”

Câu chuyện này cho chúng ta thấy những người cổ đại thực sự tinh tế đến thế nào,” Griggs nói. “Đôi khi tính kiêu ngạo của chúng ta cũng phải bất ngờ với cách mà con người thuộc các nền văn hóa và thời kỳ khác nhau có thể suy nghĩ và hành động.”

Theo Ancient-Origins,
Quốc Hùng/trithucvn.net