Cuốn sách không chỉ là một tác phẩm thuần chất nghiên cứu tôn giáo, mà là một dẫn nhập về triết lý văn minh của người An Nam được nhìn nhận qua ‘lăng kính’ của một người Pháp.
Nhà xuất bản Thế Giới cùng Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam vừa ra mắt cuốn “Phù thuật và Tín ngưỡng An Nam” của Tham biện Đông Dương Paul Giran (phụ trách công việc hành chính dân sự thuộc địa).
Nhiều học giả Pháp và Việt Nam đều cho rằng đây là công trình công phu, không chỉ là một tác phẩm thuần chất nghiên cứu tôn giáo, mà là “một dẫn nhập về triết lý văn minh của người An Nam.”
Cuốn sách gồm 3 phần: Những khái niệm siêu hình đầu tiên của người An Nam và nguồn gốc của chúng; Pháp thuật và Tôn giáo.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng bình luận: “Paul Giran hầu như không lý giải tôn giáo Việt Nam trên cơ sở của Tam giáo (Nho, Lão, Phật) như các học giả thường làm, mà xuất phát từ chính đời sống tâm hồn và tín ngưỡng bản địa, cách thức tiệm cận dân tộc học này của Paul Giran chính xác hơn khi loại bỏ yếu tố ngoại nhập.”
Sự trừu tượng, không thể lý giải của các khái niệm tâm linh Việt Nam, vừa hấp dẫn vừa gây đau đầu cho Paul Giran. Ông lần lượt phân tích các khái niệm linh, hồn, vía, phách, ma, quỷ, my, vong, trời, đất, thần, thánh, địa ngục, niết bàn, kiếp trước, kiếp sau, trấn, yểm, bùa chú, nhập và gọi hồn… trong cái quan niệm vạn vật hữu linh của người Việt, dẫn đến sinh hoạt tâm linh liên tục trong đời sống hằng ngày, từ khi bước chân ra cửa cho đến lúc đi ngủ, và kể cả nằm mơ cũng sẽ được lý giải tâm linh.
Sau khi tìm hiểu, phân tích, Paul Giran nhận ra rằng văn hóa tâm linh-tôn giáo Việt Nam dường như thấm nhuần sâu sắc nền văn minh của kẻ đô hộ song người Việt “vẫn luôn say đắm nền độc lập của mình và qua vô số thăng trầm, vẫn thiết tha gìn giữ tính cách, phong tục và ngôn ngữ của riêng mình.”
Cụ thể, tín ngưỡng Tam phủ đồng thời tồn tại ở miền Nam Trung Hoa và An Nam, nhưng trong khi ở miền Nam Trung Hoa nó gần như bị lãng quên, thì ngược lại ở An Nam, nó lại hết sức phát triển.
“Đây chắc chắn là cùng một tư tưởng nguyên thủy được hai dân tộc khai thác từ một nguồn chung, nhưng lại phát triển không giống nhau. Chính vì thế chúng tôi tự cho phép coi tín ngưỡng Tam phủ, cùng với rất nhiều khái niệm khác được cho là của Trung Hoa, là sản phẩm độc đáo của tư duy tôn giáo An Nam,” tác giả viết.
Tác giả cuốn “Tâm lý học đám đông,” ông Gustave Le Bon viết lời tựa cho cuốn sách trong bản in năm 1912: “Sau khi đọc xong và gấp sách lại, ta sẽ cảm thấy rõ hơn bao giờ hết tính kiêu căng hão huyền, thậm chí điên khùng trong những lý thuyết đồng hóa của chúng ta [thực dân Pháp], những lý thuyết muốn biến người dân bản xứ thuộc địa thành những người như chúng ta.”
Tác giả Paul Giran học ở Trường Thuộc địa rồi được bổ nhiệm đến Đông Dương làm việc, từng là Tham biện Dân sự vụ Đông Dương, sau trở thành Phó công sứ rồi Công sứ, công tác tại nhiều tỉnh Trung kỳ và Bắc kỳ, Lào.Ông đã xuất bản các tác phẩm “Psychologie du peuple annamite” (Tâm lý dân tộc An Nam, 1904); “Magie & religion annamites” (Phù thuật và tín ngưỡng của người An Nam, 1912). |
Minh Thu (Vietnam+)
nguồn: https://www.vietnamplus.vn/phu-thuat-va-tin-nguong-an-nam-bi-an-hap-dan-trong-mat-hoc-gia-phap/775860.vnp
Có thể bạn muốn xem
Hà Nội một niềm nhớ, Sài Gòn một niềm thương
Nhẹ bẫng – Sống nhẹ nhàng, lòng nhẹ tênh, đời nhẹ bẫng
Chuyện tình thanh xuân bi hài của tôi quả nhiên là sai lầm – 6
Bí quyết nuôi dạy một đứa trẻ có trái tim ấm áp
SÓNG Ở ĐÁY SÔNG ra mắt độc giả thế hệ mới
Nghề chia sẻ
Thuật Đọc Tâm Lý Khách Hàng
“Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” được trao giải A giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ V
Chuyển Đổi Toàn Diện Mô Hình Kinh Doanh