Đoản khúc chiều phù dung của nhà văn Vũ Văn Song Toàn như một bức tranh đa sắc màu, được gọt dũa, lồng ghép khéo léo từ 16 mảnh ghép – 16 câu chuyện rất đời.Tác giả như một gã họa sĩ lành nghề, phóng chiếc đũa thần với ngón nghề thông thạo đã khắc họa nên một bức tranh hòa sắc bằng ngôn từ vừa tinh tế,  vừa gần gũi, vừa mang triết lý Đạo, vừa ngồn ngộn hơi thở Đời- hơi thở cuộc sống. 

Nhà văn Vũ Văn Song Toàn  sinh năm 1980 tại Thanh Hóa. Tốt nghiệp đại học kinh tế Quốc dân, khoa Ngân hàng – Tài chính. Anh hiện là một doanh nhân kinh doanh vàng, bạc, đá quý. Ấn tượng đặc biệt trong lần đầu tôi gặp anh tại Sài Gòn đó là dung mạo lành như một thiền sư. Phải chăng vì thế mà các tác phẩm của anh đa phần đều lan tỏa dìu dịu mùi hương thiền, gửi gắm một triết lý nhân sinh.

 Nhà văn đã xuất bản được 4 tập sách. Đoản khúc chiều phù dung là tập truyện ngắn mới nhất của tác giả vừa ra mắt bạn đọc đầu năm 2020.

Lật mở mỗi trang sách tác giả lại như một gã hướng dẫn viên đưa độc giả đi từ thành thị đến vùng châu thổ, từ phố cổ lại đặt chân đến vùng núi cao đại ngàn, từ những miền đất “khỉ ho cò gáy” đến những trung tâm hoa lệ với phong cách sống sang chảnh của giới thượng lưu…Người đọc được dịp phóng tầm mắt ngắm nhìn nền trời “đỏ dập dờn những cánh chim hồng hạc” (Trích Hồng hạc bay ngang trời), hay mơ màng trước “Những cây thốt nốt nằm rải rác trên những cánh đồng khô cháy, những con bò trắng đứng nhai nắng dưới bóng cây me keo …những làng ven đường có dăm ba mái nhà sàn đứng lêu khêu trên những cọc nhọn khẳng khiu, thấp thoáng những bóng chùa vàng” (Trích Một chuyến đi) hay say sưa dõi theo những bạt rừng cao su “vào mùa rụng lá trơ khắc những cành như xương người chĩa lên trời” (Trích Nước mắt của mụ Dạ Dần)…Người đọc được khẽ dìu bước qua từng ngõ ngách, thõa mình tắm táp, xâm thực trong từng cung bậc của cảm xúc. Khi thì cười tủm tỉm, lúc lại u u buồn buồn. Khi thì man mác trước một tấm chân tình, một tình yêu đẹp nhưng đầy trái ngang, cay đắng. Lúc lại xa xót với nỗi đau của nhân vật.

16 câu chuyện không quá mới, xa lạ với người đọc, bởi nó nhan nhản trong cuộc sống thường nhật. Thế nhưng với đôi mắt tinh tường của một gã doanh nhân, trái tim, tâm hồn lành, trong của một thiền giả, bút lực sắc cạnh của một nhà văn đã thổi hồn vào câu chuyện, vì thế mỗi nhân vật trong tập truyện không còn đơn thuần là một nhân vật trong truyện mà đã dời gót bước ra thế giới đời thực. Người đọc như thấy mình đâu đó, hóa phép thành một nhân vật trong chiếc gương phản chiếu đầy kỳ công của tác giả. Trái tim sẽ run lên bần bật rồi se thắt  bởi cảm xúc dường như đặc quánh khi hóa thành đôi vợ chồng có đứa con trai bị tự kỉ trong Đoản khúc chiều phù dung, Hoa hướng dương vẫn nở. Rồi như một kẻ mộng du lảo đảo bước từng bước, đặt mình xuống cái hố sâu hoắm, thật lặng im, thật khẽ khàng lắng nghe một khúc nhạc  “never let me go, never let me go. And it’s over.” (Trích đoản khúc chiều phù dung). Hay trở thành Cải – cô gái  bị người yêu phản bội, định tìm đến cái chết, thế nhưng ánh sáng từ tâm của Đức Phật, sự khai ngộ từ người bạn học cùng cấp một tên Chai đã đánh thức Cải trong truyện Thôi mùa hoa cải. Xa xót cho mối tình thật nên thơ, thuần khiết nhưng không đến được với nhau giữa chàng- một nhà điểu học với cô gái tên Chiều trong Hồng hạc bay ngang trời. Nhếch miệng cười xoàng, cái cười dễu cợt, sâu cay, chua chát, nhạt như nước ốc khi ngộ ra dăm ba cái thói đời khi hóa thân làm một ông quan đã về vườn trong Ván bài, khi đương thời, đương chức, đương quyền thì lắm kẻ nịnh nọt, bợ hót, lúc hết thời thì chổng mông cong đít chạy biệt tăm “phù thịnh chớ ai phù suy”. Đau đáu trước cái kết đầy bi kịch trong Vai diễn.

Là một độc giả, tôi đã đọc, đã thấu cảm và bị xâm thực bởi chính lối viết tự nhiên, lặng lẽ của tác giả. Như nhà văn Văn Thành Lê đã viết “Lặng lẽ viết là cách thể hiện ồn ào nhất”

Đoản khúc chiều phù dung thật sự đã để lại trong tôi một dư vị tuyệt vời. Tuyệt vời bởi ẩn sau mỗi câu chuyện là một triết lí, một thông điệp mà tác giả muốn mang tới người đọc, một thông điệp vô cùng nhân văn “Những ai biết yêu thương sẽ sống đẹp hơn”

Nói tới đây, bất giác nhìn sang chuỗi hạt đá sapphire trên tay, tôi thấy lòng bình an đến lạ. Mỗi loại đá quý đều có màu sắc riêng, từ hình ảnh phản chiếu ánh sáng của viên đá tỏa ra các ánh sáng lóng lánh như các vì sao trời mà người ta dùng đá quý làm tượng trưng cho ánh sáng vũ trụ. Phạn ngữ gọi đá quý là Ratna.“Nhân vô thập toàn, kim vô túc xích” trên cõi hồng trần chẳng có gì gọi là hoàn thiện, hoàn mỹ. Cốt yếu bản thân chúng ta có đủ từ tâm, đủ bao dung đón nhận và hoàn thiện bản thân hay không. Trên thế gian này không có viên ngọc nào là hoàn hảo. Con người cũng như những Ratna, dù mang sắc màu lấp lánh, kiêu sa, nhưng sẽ đều có những góc cạnh xù xì, khiếm khuyết. Ratna sẽ tỏa sáng và mang đến may mắn, hạnh phúc cho chủ nhân nếu người sở hữu nhìn nó bằng trái tim, tâm hồn bao dung. Bằng ngược lại nếu chỉ đơn thuần quan sát bằng con mắt nhà nghề thì viên đá cũng chỉ là một cục đá vô tri. Cố chấp tầm cầu sự toàn mỹ chẳng khác gì mò trăng nơi đáy nước. Tập hạnh buông bỏ sẽ đoạn trừ phiền não,  bởi “Ngọc ngà với người này là báu vật nhưng đối với người kia chỉ là cục đá mà thôi” (trích viên sapphire không hoàn hảo)

Gấp quyển sách.

Và…

Tôi tin là khi ghé tai xuống đất ta sẽ nghe được một tiếng nói thì thầm. Mà nhớ nhé, phải thật yên tĩnh và gì nữa….ờ thì, tâm hồn phải thanh, tịch, tĩnh…..

nguồn: https://tonvinhvanhoadoc.net/doan-khuc-chieu-phu-dung/