Tôi đã đọc Vũ Bằng, một người Hà Nội gốc, có 20 năm cuối đời sống và viết ở Sài Gòn nhưng lại chỉ viết toàn chuyện Hà Nội. “Miếng ngon Hà Nội” được ra đời trong những năm tháng tha hương ấy, nỗi nhớ quê da diết đã đưa ngòi bút của ông đến với từng hương vị của kỷ niệm Hà Nội, của đất Bắc. Và qua ngòi bút của ông, mỗi món ăn là một thiên bút ký. 15 món trong sách “Miếng ngon Hà Nội” như: phở bò, rồi phở gà, bánh cuốn, bánh đúc, bánh khoái, bánh Xuân Cầu, cốm Vòng, rươi, ngô rang, khoai lùi, gỏi, quà bún, chả cá, thịt cầy, tiết canh cháo lòng, hẩu lốn! Tất cả đã làm nên hương vị và diện mạo ẩm thực Hà Nội.

Đọc sách và thưởng thức ẩm thực thành phố Thanh Hóa

Và cũng nhân một lần đến Sài Gòn, tôi đã tìm được cuốn sách “Sài Gòn, Ồ bỗng ngon ghê!” của tác giả Ngữ Yên. Dưới con mắt một người tha hương sống ở Sài Gòn, ông đưa người đọc vào các cuộc tán dóc trên bàn nhậu, cùng bàn luận về các món ăn thân thuộc. Sài Gòn không có đặc sản nhưng lại nâng niu, gìn giữ đặc sản từ mọi vùng miền, quốc gia khác nhau. Người sành ăn có thể khám phá từ khu chợ người Quảng đến những “thiên đường” món Bắc hay phố ẩm thực Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…

Lúc đấy tôi vẫn nghĩ, biết bao giờ những món ngon của thành phố tôi đang sống được viết, được chụp lại như một cẩm nang mà ai đến cũng phải tìm đọc, tìm mua… để tìm địa chỉ nhà hàng, quán ăn. Và giờ đây khi cầm trên tay cuốn Ẩm thực thành phố Thanh Hóa (NXB Thanh Hóa, 2023) tôi thực sự bất ngờ.

TP Thanh Hóa là đô thị tỉnh lỵ của tỉnh Thanh Hóa nằm bên bờ sông Mã, có vị trí, cảnh quan sinh thái thuận lợi, khí hậu ôn hòa, đồng thời lại ở vị trí cửa ngõ nối liền Bắc bộ và Trung bộ với hệ thống giao thông thuận lợi, hệ sinh thái đa dạng, phong phú trở thành trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa của tỉnh Thanh Hóa. Nhờ vào vị trí đắc địa, giao thông thuận lợi, nhiều điểm du lịch phát triển, TP Thanh Hóa được đánh giá là địa điểm lý tưởng cho các chuyến du lịch hoặc các chuyến đi công tác dài ngày.

Gắn liền với trải nghiệm du lịch không thể không nhắc tới những đặc sắc về ẩm thực xứ Thanh – kết tinh từ tinh hoa của trời đất, của thiên nhiên và văn hóa bản địa. Nét ẩm thực ấy mang đậm dấu ấn của quê hương bản quán. Đi khắp xứ Thanh, bất cứ nơi nào cũng có thể bắt gặp những món ăn ngon, song là đô thị lớn của tỉnh, các món ăn của người thành phố vừa mang đậm bản sắc địa phương vừa được trang trí hấp dẫn, hài hòa đủ sắc màu. Món ăn xứ Thanh không cầu kỳ, cách chế biến, nấu nướng cũng không phức tạp, mất nhiều thời gian nhưng hương vị, hình thức, chất lượng thực sự thu hút vì sự mộc mạc, giản dị, chân thực và dễ gây thiện cảm với mọi người.

Cuốn sách bắt mắt từ trang đầu đến trang cuối không chỉ với những dòng giới thiệu về món ăn, mà còn ở rất nhiều hình ảnh minh họa để mỗi người có cách khám phá, thưởng thức riêng. Đó là món cháo lươn Thanh Hóa vừa lạ vừa quen với du khách khi thưởng thức lần đầu. Lạ là bởi cách ăn, cách nấu “chẳng giống ai”, cháo được nấu loãng chứ không đặc như các vùng miền khác, đặc biệt là cháo lươn Thanh Hóa không chuộng nhiều thịt, nhiều cái mà chuộng vị – vị đậm đà mà không hắc, chuộng màu – màu nước nâu sậm nhờ màu kẹo đắng thắng vừa tới làm cho nước cháo vừa ngọt vừa thơm. Đó là món bánh cuốn được tráng mỏng, trong, dẻo cuốn cùng nhân trứng thịt hoặc tôm thịt và mộc nhĩ đã được băm nhỏ, nêm nếm và đảo cho chín đều, rắc thêm lớp hành phi vàng ươm, giòn rụm rồi thưởng thức cùng nước mắm pha loãng vừa mặn vừa ngọt. Là món bánh khoái tép dân dã, thoạt nhìn thấy gần như món bánh xèo Nam bộ. Là món chả tôm không đòi hỏi nguyên liệu cầu kỳ, cách làm cũng không quá phức tạp nhưng lại có sức hấp dẫn khó tả. Là món bánh đúc sốt, độc nhất vô nhị với màu xanh đặc trưng mà chỉ Thanh Hóa mới có. Là món bún chả sử dụng bún lá đúc khuôn tròn với từng vắt bún nhỏ, sợi mềm, vắt rối cùng những viên chả từ thịt nướng vàng trên than hoa, khi ăn vẫn còn cảm nhận rõ vị tươi và mềm của thịt, thơm thơm của hành và tiêu. Đặc biệt ăn cùng rau sống chấm trong nước mắm và dưa món vừa dễ ăn mà vẫn giữ được hương vị đặc trưng.

Bên cạnh đó, cuốn sách cũng giới thiệu tới du khách về các món chè, các loại bánh lá, bánh nếp, hay món nem chua, nem nướng. Cùng với việc giới thiệu là thông tin một số địa chỉ nổi tiếng mà chỉ cần đi theo địa chỉ cụ thể là có thể đến tận nơi thưởng thức ngay.

Ngoài ra, với những món ăn nên thử ở Thanh Hóa, cuốn sách giới thiệu 14 quán ăn, nhà hàng nổi tiếng với khá đông khách hàng như: bánh xèo Trường Thi, ốc Tịch Điền, bún đậu 36… Thậm chí cuốn sách còn dành nhiều trang viết và hình ảnh cho các món ăn du khách có thể mang về như: bánh răng bừa, bánh gai, chè lam, nước mắm…

Đặc biệt, với xu hướng chuyển đổi số hiện nay, tất cả mọi thông tin trong cuốn sách đã được mã hóa và quý khách chỉ cần quét mã QR là có thể trải nghiệm hương vị văn hóa, ẩm thực của TP Thanh Hóa.

Nếu ví ẩm thực Thanh Hóa là một bức tranh thì bức tranh ẩm thực TP Thanh Hóa là “bức tranh đẹp tươi rói sắc màu, đường nét, hình khối hài hòa, giàu sức biểu cảm, gợi nhiều thi hứng”. Còn nếu ví ẩm thực Thanh Hóa là một bản nhạc thì bản nhạc ẩm thực của TP Thanh Hóa “thật giàu âm điệu với những khúc thức vừa mang phong cách bác học vừa đậm chất dân gian, ru hồn, đánh thức tình yêu trong mỗi con người tạo nên sự thăng hoa trọn vẹn của cảm xúc”.

Tôi tin nếu là một du khách lần đầu tiên đến với Thanh Hóa, chỉ cần có trong tay cuốn “Ẩm thực thành phố Thanh Hóa” thì bạn sẽ chẳng phải bối rối tìm hiểu về món ăn, nhà hàng, quán café nào ngon, hấp dẫn và giá rẻ nhất ở mảnh đất này. Việc của bạn là tận hưởng hương vị xứ Thanh trong các món ăn để từ đó có thêm những cái nhìn riêng về vùng đất văn hóa này.

Bài và ảnh: NGUYỄN THƯ

nguồn: Báo Thanh Hoá