Một bữa gặp nhau giữa phố chiều mưa bạn nói ước chi bây giờ được về quê ăn cho đã thèm đồ quê! Kiểu như một mâm cơm nóng hôi hổi có trái cà dĩa xắt mỏng kẹp vài ba lá rau thơm, nồi cá đồng con nhỏ xíu xíu bằng ngón tay kho nhiều nghệ tươi hay đơn giản hơn chỉ là mớ rau tập tàng hái quanh nhà luộc chấm mắm cái… Rau cà quanh nhà lúc nào cũng sẵn, mớ cá đồng còn giãy đành đạch mới xúc ngoài đồng.
Quê – dĩ nhiên là quê mình chứ thành phố thiếu gì đồ quê đổ về từ muôn ngả. Chợt nhận ra mấy kẻ xa quê như mình, như bạn đều có những mong ước giống nhau như thế.
Bà ngoại tôi những trưa mùa hè thường hay nấu canh suông. Tới bữa, ngoại lấy rổ ra vườn tuốt vài nhánh rau bồ ngót, vài ngọn mồng tơi, ngắt vài nhánh rau sâm đất non… Rồi thì vườn có rau gì thì hái thêm rau đấy. Nồi canh rau không thịt không tôm, chỉ chờ nước sôi ngoại múc muỗng mắm cái nêm vào.
Tôi nghĩ chắc chẳng xứ nào có món mắm nhiều công dụng như mắm cái quê mình. Khi thì chấm, kho quẹt với vài ba hột nén, làm mắm dưa cà, kho cá kho thịt, rồi khi nấu canh cũng không quên nêm nếm một chút cho ngon ngọt đậm đà. Trưa hè nắng rát, húp một chén canh rau nấu suông của ngoại mà mát tận đâu đâu.
Ngoại tôi hay nói con người nghiêng mình theo đất mà sống. Xứ mình nắng hạn mưa bão nhưng mà cũng dễ sống vô cùng. Dọc mấy khe suối rau dớn mọc đầy, cọng nào cọng nấy non mưng. Rồi rau má, rau mặt trăng, rau bồ đường…
Nấu xong nồi cơm, cắp rổ dạo một chặp là có rau ăn mệt nghỉ. Mùa nước băng đồng, tôm cá theo về, làm siêng đi thả lờ, thả trúm là có mấy con cá diếc kho rau răm ngọt lừ, có cá rộng trong lu ăn chẳng cần đi chợ. Nghe ngoại nói mà ham, thấy đời giản đơn biết chừng nào nhưng mình vẫn còn quá nhiều ước muốn hơn là một bữa cơm hiền lành nên chân cứ dùng dằng ở phố.
Những ngày mưa mịt mù, tôi từng thấy nhiều người đàn bà quê mình đội mưa đi hái rau. Rồi những buổi sáng lạnh cóng, đã thấy ở một góc chợ quê khiêm nhường vài ba bó rau dớn nho nhỏ cột bằng cọng chuối khô tước nhỏ, nhúm rau má non mơn mởn bỏ trên cái sàng tre nằm cạnh mớ rau tập tàng…
Tôi ghiền đi chợ quê, mắt lúc nào cũng dính vào mớ rau chẳng phân chẳng thuốc ấy hơn là rau cải rau vườn. Góc chợ có bà già hiền lành ngồi bên rổ rau thân chuối xắt nhỏ. Tôi áng chừng, để xắt được chừng đó thân chuối chắc bà cũng phải ngồi đau lưng cả buổi chiều hôm trước. Bán hết rổ rau được chừng mười ngàn đủ tiền mua trầu cau nhưng góc chợ quê chẳng ngày nào vắng bà.
Bữa cơm quê mình cũng hiền lành quá thể, có chi ăn nấy. Xứ mình mưa gió không êm đềm như xứ người ta nên ăn bữa nay phải để dành cho ngày mai. Từ những bữa cơm quê dạy mình biết đủ, biết chắt chiu, biết bằng lòng. Và như ngoại nói, con người phải biết nghiêng mình theo đất đai để sống.
Có những ngày ở thành phố chợt thèm da diết mùi đồng. Thỉnh thoảng lấy cớ chạy xe ra rìa ngoại thành, nơi còn sót lại vài ba thửa ruộng lạc loài để hít hà cho đã. Nghe mùi đất ngai ngái bốc lên sau cơn mưa chiều chợt lòng dâng lên một nỗi buồn khó tả.
Chắc rằng những ai rời xa quê hương bản quán cũng sẽ nặng mang những nỗi niềm như thế. Chân thì đi xa mà hồn vẫn quẩn quanh với gốc rạ, với tiếng chim khắc khoải kêu chiều, với mùi cơm sôi, mùi cá kho bếp củi…
Theo NHƯ HIỀN (QNO)
Link bài gốc: https://baoquangnam.vn/tap-but-tap-van/nghieng-minh-theo-dat-144098.html
Có thể bạn muốn xem
Đằng sau một quyết định lớn – Giải bài toán “vùng xám” cho các nhà quản lý
Mùa hè năm ấy, có cơn mưa rào
Những cuốn sách đưa bạn đọc vào hành trình “theo chân Bác”
Lịch sử tư tưởng Nhật Bản
Lan tỏa tình yêu sách
Son-Rise: Phép màu cho trẻ tự kỷ
Vụ án đầu tiên của Sherlock Holmes: Cuộc điều tra màu đỏ
Bao điều không nói
Văn hóa đọc lan tỏa từ trạm đọc sách 0 đồng