Dòng sách của các cựu binh chiến trường K (Chiến tranh biên giới Tây Nam) vừa có thêm “Món tráng miệng cuộc đời” của tác giả Trần Ngọc Phương (NXB Hội Nhà văn).

Sau Mưa trên đồng À Na Cut ra mắt từ năm 2022, đến tác phẩm thứ hai này, cách viết của ông truyền được cho người đọc thấy công phu qua những tình tiết nén kỹ khiến câu chữ tự nhiên thanh thoát mà vẫn có sức nặng và độ quyến rũ, khiến người đọc không dứt ra được. Vẫn là những dư vị độc đáo từ cuộc chiến còn bám theo trong tâm tưởng của người cựu binh đã rời xa chiến trường, nhưng lần này Trần Ngọc Phương đã dành phần lớn tâm sức và cả những thiện duyên của mình để ghi lại những thân phận người vợ lính vắt từ chiến tranh sang thời hậu chiến. Có lẽ Trần Ngọc Phương đã thao thức rất nhiều, bắt đầu từ hoàn cảnh của các đồng đội mà anh quen biết, sự giao cảm cộng với những cơ duyên kỳ lạ nào đó khiến anh có dịp tiếp xúc và ghi được những chuyện đời chẳng những độc lạ hiếm hoi mà nhiều tình tiết khiến người đọc phải dừng lại vì cay mắt.

Bản thân những người lính sau trận chiến đã là độc đáo, gần như trở thành một “phiên bản người” khác. Không chỉ là những ám ảnh khôn nguôi, mà hệ lụy từ chiến tranh để lại trong lòng những vết thương nhiều khi còn tàn độc hơn cả mìn đạn trên chiến trường. Trần Ngọc Phương, trong tư thế một phiên bản người lính hậu chiến, đã không ngần ngại tìm đến, lắng nghe, ghi nhận và đồng cảm với những câu chuyện của người vợ lính. Như câu chuyện về Nụ – vợ anh lính tên Minh, đã từ một sự lầm lỡ tưởng như được tha thứ, lại trở thành mối hận đến dứt tình với người cha của đứa con trong bụng mình. Rồi đứa con ấy lớn lên, mang nặng trong lòng câu chuyện từ bậc sinh thành, nhưng không lý giải được. Cũng nhờ mạng xã hội, câu chuyện ấy được nối tiếp, không chỉ là nhân vật cung cấp thêm cho tác giả một phần dữ liệu để viết mà chính tác giả cũng góp phần xác định lại điều đau đáu trong suy nghĩ của người con rằng “để cho cuộc đời của mình và của người yêu mình tan nát cả” là lỗi của ai.

Sau đó đến câu chuyện tình tay ba giữa Thủy, Hà và Quân – một hoàn cảnh bi kịch mà độc đáo đến không ngờ. Câu chuyện nối từ chiến trường K sang thời bao cấp; có hình ảnh của người vợ lính phải đi buôn chuyến kiếm sống rồi bám trụ với đất rừng Tây Nguyên; có anh lính K bỏ mấy năm trời tìm vợ khắp nơi chẳng ra tăm tích, có hôm đói, xỉu trước tiệm ăn của một ông Tàu ở TPHCM; có câu chuyện khẩn hoang làm rẫy giữa đại ngàn; có cả nỗi éo le khi hai người đàn ông đang là tình địch của nhau bỗng trở thành bạn thân, thân đến nỗi kéo theo cả người đồng đội là tác giả Trần Ngọc Phương vào câu chuyện. Viết đến đây mới sực nhớ rằng, câu chuyện tình tay ba ấy tự thân đã thấm đẫm chất điện ảnh. Giá có nhà biên kịch hay đạo diễn nào có ý muốn bắt tay làm một bộ phim, hẳn công chúng Việt Nam sẽ thêm một lần nhâm nhi “món ngon” chứ không hẳn chỉ là cách gọi khiêm tốn của tác giả là “tráng miệng”.