Không phải tài chính, không phải chiến lược, cũng chẳng phải công nghệ, mà kỹ năng làm việc nhóm mới chính là lợi thế cạnh tranh hàng đầu. Lý do nằm ở sức mạnh mà kỹ năng này mang lại, cũng như bởi không phải đội ngũ nào cũng có thể thành thạo và vận dụng kỹ năng làm việc nhóm một cách hiệu quả nhất.
Một người bạn của tôi, người sáng lập ra một công ty có doanh thu một triệu đô-la hàng năm, đã diễn đạt đúng nhất sức mạnh của kỹ năng làm việc nhóm khi nhận định: “Nếu anh có thể làm cho mọi người trong công ty đồng lòng hướng đến một mục tiêu chung, thì anh có thể thống lĩnh bất kỳ lĩnh vực nào, trong bất kỳ thị trường nào, với bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào và tại bất kỳ thời điểm nào”.
Mỗi khi tôi lặp lại câu nói này với một nhóm các nhà lãnh đạo, họ đều lập tức gật đầu tán thành, nhưng với vẻ tuyệt vọng. Họ hiểu được chân lý này, nhưng đồng thời cũng bó tay với việc thực thi nó.
Và đó là lúc người ta thấy rõ sự thiếu hụt của mình về kỹ năng làm việc nhóm. Tuy đã thu hút rất nhiều sự chú ý của biết bao học giả, huấn luyện viên, giáo viên và giới truyền thông trong suốt những năm qua, nhưng kỹ năng làm việc nhóm vẫn là một khái niệm mơ hồ đối với hầu hết các tổ chức. Mặc dù vậy, có một sự thật là các đội nhóm đều được cấu thành từ những con người không hoàn hảo, nên bản thân đội nhóm không tránh khỏi việc tồn tại những điểm chết làm rối loạn chức năng của nó.
Nói như vậy không có nghĩa làm việc nhóm là bất khả thi. Hoàn toàn không phải như vậy. Trên thực tế, xây dựng một đội ngũ làm việc hiệu quả là một việc vừa khả thi vừa dễ dàng đến bất ngờ. Nhưng đồng thời đó cũng là một quá trình gian nan.
Đúng vậy. Cũng như nhiều mặt khác trong cuộc sống, kỹ năng làm việc nhóm đòi hỏi ta phải thành thạo một bộ hành vi mà thoạt nhìn không hề phức tạp về mặt lý thuyết, nhưng lại cực kỳ khó khăn khi đưa vào ứng dụng hàng ngày. Thành công chỉ đến với những đội ngũ vượt qua được khuynh hướng hành xử quá-con-người, thứ cản trở hoạt động và gây ra những cơ chế lệch lạc trong đội nhóm.
Hóa ra, những nguyên tắc này không chỉ được áp dụng trong kỹ năng làm việc nhóm. Tôi đã tình cờ phát hiện những nguyên tắc này khi tìm hiểu một lý thuyết về thuật lãnh đạo.
Vài năm trước, tôi viết quyển sách đầu tay có tựa đề The Five Temptations of a CEO (tạm dịch: Năm cám dỗ đối với một CEO) nói về những lỗi hành vi khiến các nhà lãnh đạo thất bại. Trong quá trình làm việc với khách hàng, tôi bắt đầu chú ý thấy vài người trong số họ áp dụng “sai mục đích” những lý thuyết của tôi để đánh giá và cải thiện tình hình hoạt động của các nhóm lãnh đạo trong công ty họ – và họ đã thành công!
Và thế là tôi nhận ra năm cám dỗ và những cách khắc phục được đề cập trong quyển sách đó không chỉ tác động đến cá nhân các nhà quản lý, mà với một vài điều chỉnh thì còn có thể tác động đến đội nhóm. Và phạm vi tác động không chỉ giới hạn trong môi trường công ty. Các giáo sĩ, huấn luyện viên, giáo viên và nhiều người thuộc các lĩnh vực khác cũng có thể vận dụng các nội dung đó cho lĩnh vực của họ, tương tự như cách giới lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn đa quốc gia đã làm. Và đó chính là lý do quyển sách này ra đời.
Cũng giống các quyển sách khác của tôi, 5 điểm chết trong teamwork bắt đầu bằng một câu chuyện rất thực tế trong một công ty hư cấu. Tôi nhận ra cách dẫn dắt này giúp độc giả học hỏi hiệu quả hơn, khi họ đắm mình vào câu chuyện và có thể kết nối với các nhân vật trong đó. Điều này cũng giúp độc giả hiểu cách vận dụng các nguyên tắc này vào thực tế, nơi mà nhịp độ và khối lượng các mối phân tâm hằng ngày có thể biến ngay cả những việc đơn giản nhất trở nên đầy cam go.
Để giúp bạn vận dụng những lý thuyết trong quyển sách này vào tổ chức của mình, tôi dành riêng một phần ngắn sau câu chuyện để trình bày chi tiết hơn về năm điểm chết. Phần này cũng bao gồm một bài đánh giá hiện trạng của một đội nhóm, cùng với các công cụ được khuyên dùng để giúp đội nhóm của bạn có thể vượt qua những chướng ngại đang cản lối thành công.
Cuối cùng, mặc dù quyển sách này được viết dựa trên quá trình làm việc của tôi với các giám đốc điều hành và nhân viên cấp cao của các công ty, nhưng những lý thuyết trong quyển sách này có thể được áp dụng bởi bất kỳ ai quan tâm đến kỹ năng làm việc nhóm, bất kể bạn đang quản lý một phòng ban nhỏ trong công ty hay chỉ đơn giản là thành viên của một đội ngũ có mong muốn cải thiện hiệu quả làm việc. Dù sao đi nữa, tôi chân thành hy vọng quyển sách này sẽ giúp đội nhóm của bạn khắc phục những điểm chết mà các bạn đang gặp phải, để đạt được những thành tựu mà từng cá nhân đơn lẻ sẽ không tài nào làm được. Suy cho cùng, đó chính là sức mạnh đích thực của đội nhóm.
Tác giả: Patrick Lencioni
Dịch giả: Nguyễn Vũ Tú Uyên – Trần Thu Lê
Nhà xuất bản: NXB Tổng hợp Tp.HCM
Công ty phát hành: First News
Có thể bạn muốn xem
‘Gam lam không thực’: Luật chơi hỗn độn
Những điều cần biết về virus Corona để phòng tránh bệnh viêm phổi cấp ở Vũ Hán
‘Dũng sĩ Hesman’ có tập mới sau 25 năm, Gasco sẽ sống lại
Kho báu Kinh thành Huế sau ngày Thất thủ Kinh đô
Gió nổi lên
Đốt lò hương cũ
Ngồi yên như một chú ếch – Hít thở để vượt qua
Thoát Bệnh Hiểm Nghèo Bằng Nhịn Ăn và Thực Dưỡng
10 điều người cổ đại làm được giỏi hơn chúng ta