Cơn mưa tới muộn sau những ngày nắng gắt, tôi thường trốn ở trong nhà pha trà làm bánh, đọc một vài cuốn sách với lối văn cổ… Thời tiết càng khiến cho sự trì hoãn trong tôi dấy lên mạnh mẽ. Mưa kèm theo gió lốc cuốn từng đám lá khô bên mái nhà hàng xóm bay khắp phòng, vương trên nhánh đào khô từ đầu năm, không khí đột nhiên chuyển mát và hơi lạnh.
Tôi học tiểu học ở trường thị trấn, đến khi lên cấp hai thì lại chuyển về nhà cũ. Nhà nằm trên lưng chừng dốc, đối diện là đồi, sau lưng là núi, trên núi mọc đầy tre, xoan đào, mua tím và mâm xôi. Bà ngoại thuê hai mảnh vườn con, ấy vốn là đất ruộng đã lâu không cày bừa của dân bản địa, vườn rộng và mọc đầy cỏ gấu, cỏ xước, đôi lúc chen lẫn trong những bụi um tùm đó là một ít rau sam, rau xương cá. Bà vào núi chặt giang, đan phên cài giậu, cuốc tơi chỗ đất hơi lì, bón gio rơm để cải tạo lại, cuối cùng gieo xuống mảnh vườn mấy nắm hạt giống tích trữ lâu trên gác bếp. Tôi từng học bà cầm cuốc đào đất, có bận còn tìm được cả một con dế mèn râu cánh nâu bóng, đồ rằng có lẽ Dế Mèn của nhà văn Tô Hoài cũng chỉ mỡ màng đến vậy mà thôi, vậy là tôi bỏ cuốc chỏng trơ ngoài vườn, xách dế đi chơi với bạn.
Ngoài bờ rào có một cây si thân lớn bóng rợp, tôi không hay nó mọc ở đấy tự bao giờ, nhưng cái khí âm âm um tùm lạnh lẽo của nó khiến tôi thấy sợ, mỗi lần đi qua đó, tôi đều nhanh chân chạy đi.
Một sớm mùa hạ, tôi theo chân bà ra vườn hái rau thơm, bất chợt bắt gặp ánh ban mai đổ xiên qua tán cây, sủi lên lấm tấm trên những màng nhện giăng đầy sương mỏng, vẻ đáng sợ của cây si dường như tan biến, chỉ để lại sự trong trẻo vô ngần. Dưới gốc cây nhiều nấm, có loại ăn được, có loại không ăn được. Mưa đổ xuống, thấm qua đất đá, lại được lá khô nuôi dưỡng, từng tán dày mỏng to nhỏ khác nhau dần tách đất trồi lên. Tôi đào nấm mối, bọc vào trong cái lá bí đỏ già. Lại thấy được một cây nấm rất to, cỡ phải bằng nửa cái bàn uống nước, mặt nấm bóng bẩy, tôi chưa từng gặp loại nấm nào có kích thước đó bèn về khoe bà, tới khi quay trở lại thì cây nấm đã rữa nát, như thể bị con gì đó ăn mất, chẳng rõ vì sao hình ảnh đó hiện lên một cách chân thực và đáng kính.
Tôi thích đứng dưới tán cây, ngước mắt ngắm ánh sáng lọt qua kẽ lá, hoặc để cho ánh sáng đó phủ tràn trên tóc và thân mình, dù hạ có nóng cháy thì cũng thấy thư thái.
Rồi cây si bị tỉa cành để mở rộng đất, bóng râm đột ngột biến mất, cành cây chất quanh gốc bị nắng dội cho khô úa, từng thớ gỗ trơ trọi không được bảo vệ cứ vậy rỉ máu. Bà tôi bảo cây si là nhà của thần của ma, họ sẽ trừng phạt những ai xâm phạm tới mình. Nghe đâu người chặt cây đã phát điên, hễ đêm đến, ông ta chạy vào rừng sâu và ở lại cho tới tận sáng, một thời gian sau thì ông qua đời, để lại câu chuyện huyền hoặc bị bóng cây phủ kín. Nhưng dù thế nào thì sức sống của cây quả thực mạnh mẽ, qua một mùa xuân, những mầm non lại nhú lên, cành cây dần đẻ nhánh rồi vươn dài, chẳng mấy chốc đã khôi phục lại dáng vẻ ban đầu, vết thương dù sâu đến mấy cũng lành lặn trơn tru.
Tối mùa hạ như một bản nhạc dịu dàng du dương, đom đóm phiêu đãng lấp lánh tựa sao, gió đồng mát mẻ thổi về, mưa càng khiến cho mùi cây cỏ đậm và thanh hơn, ông ngoại thường bắc ghế dài ra sân ngồi hóng mát. Chớp mắt, mười năm qua đi, gốc si cổ thụ đã đi vào dĩ vãng. Và có lẽ trong tâm khảm mỗi người đều có một gốc cổ thụ như vậy, tồn tại như một mốc lộ giới để ngóng trông về.
(Tản văn của Phạm Giai Quỳnh)
(Đã đăng trên Hà Nội Mới Cuối tuần)
nguồn: https://tonvinhvanhoadoc.net/
Có thể bạn muốn xem
Trên Cây Cầu Đổ Nát
2030: Những Xu Hướng Lớn Sẽ Định Hình Thế Giới Tương Lai
Sài Côn cố sự
Độc giác
BUỔI SÁNG DIỆU KỲ DÀNH CHO NGƯỜI BÁN HÀNG
Một lược sử về vạn vật – Ken Wilber
Cách của người Đức – con đường từ Berlin đến EU
Nửa kia biệt tích
Erotic Vagrancy – Sách tái hiện hôn nhân của Elizabeth Taylor