Trước kia, giới quyền lực châu Âu đem cà phê tới các nước thuộc địa để canh tác, nhân công lao động cực nhọc để chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê đến từ nguồn nô lệ nhập khẩu.

Cho đến năm 1750, cây cà phê đã được trồng ở khắp 5 châu lục. Đối với tầng lớp thấp hơn, nó đem lại một thứ đồ uống “làm-một-tí” và một khoảnh khắc nghỉ ngơi, mặc dầu nó thường dùng để thay thế cho thức ăn bổ dưỡng hơn.

Mặt khác, những tác dụng của nó dường như khá ôn hòa, mặc dù đôi lúc cũng làm dấy lên những cuộc tranh luận. Nó đã bổ trợ một nguồn tỉnh táo đáng kể cho một châu Âu đang tắm mình trong rượu cồn cũng như đem đến một chất xúc tác trong môi trường giao tiếp xã hội và trí thức.

Như William Ukers đã viết trong cuốn sách All about coffee (tạm dịch: Tất tần tật về cafe) kinh điển của ông:

“Bất cứ nơi đâu cà phê được đem tới, nó cũng báo hiệu cách mạng. Nó là thứ nước uống cấp tiến nhất thế giới vì tác dụng của nó luôn luôn khiến con người phải tư duy. Và khi con người bắt đầu tư duy, họ trở nên nguy hiểm đối với những tên bạo chúa”.

Có thể là thế. Nhưng càng ngày giới quyền lực châu Âu càng đem nhiều cà phê tới những nước thuộc địa để canh tác, nhân công lao động cực nhọc để chăm sóc cây, thu hoạch và chế biến cà phê đến từ nguồn nô lệ nhập khẩu.

Thuyền trưởng de Clieu có thể đã hết lòng yêu quý cây cà phê của ông ta, nhưng ông không tự tay thu hoạch hàng triệu triệu sản lượng từ các thế hệ con cháu của cái cây đó. Những người nô lệ từ châu Phi đã làm điều đó.

Ban đầu, nô lệ bị đem tới vùng Carribe để thu hoạch mía. Giống cà phê, đường đã được người Ả Rập nhân rộng, cùng với trà và cà phê, nó phát triển rộng rãi vào nửa sau của thế kỷ 17.

Bởi thế, khi những kẻ thực dân Pháp lần đầu tiên trồng cà phê ở San Domingo (Haiti) vào năm 1734, việc cần phải có thêm nô lệ châu Phi làm việc ở các nông trường là lẽ đương nhiên.

Thật đáng kinh ngạc, cho đến năm 1788, San Domingo cung cấp một nửa lượng cà phê trên toàn thế giới. Bởi thế, chính thứ cà phê đã cung cấp năng lượng làm bùng cháy tư duy của những Voltaire và Diderot đã được sản xuất bằng sức lao động cưỡng bức dưới dạng vô nhân đạo nhất.

Ở San Domingo, nô lệ sống trong những điều kiện rất khủng khiếp, ở trong những túp lều tối tăm không có cửa sổ, thiếu ăn, và lao động tối ngày. Một khách lữ hành người Pháp vào cuối thế kỷ 18 đã viết:

“Tôi không biết liệu cà phê và đường có phải là nguồn thiết yếu đối với hạnh phúc của châu Âu hay không, nhưng tôi biết khá rõ một điều rằng hai sản phẩm này đã tước đi hạnh phúc của hai khu vực rộng lớn của thế giới: châu Mỹ (vùng Caribe) đã phải giảm dân số để có đất canh tác chúng; châu Phi thì hao người để mà có nhân lực canh tác chúng”.

Nhiều năm sau, một người trước đây là nô lệ nhớ lại bàn tay của những ông chủ người Pháp đã đối xử với họ như thế nào:

“Chẳng phải họ đã treo những người đàn ông đầu dộng ngược xuống đất, dìm họ trong những bao đay, đóng đinh họ trên ván, thiêu sống họ, nghiền nát họ trộn lẫn với vữa đấy ư? Chẳng phải họ đã bắt những người ấy phải ăn cứt, ăn phân đấy ư?”

Có hơi ngạc nhiên là, sau đó, những người nô lệ này đã nổi dậy vào năm 1791 trong một cuộc tranh đấu vì tự do kéo dài 20 năm, một cuộc nổi dậy tiêu biểu của người nô lệ, cuộc nổi dậy nô lệ thành công duy nhất trong lịch sử. Hầu hết vùng đất rộng lớn trồng cà phê bị đốt cháy ra tro và những chủ nhân của chúng bị tàn sát.

Cho đến năm 1801, khi lãnh tụ da màu người Haiti Toussaint Louverture cố gắng khôi phục cà phê xuất khẩu, sản lượng thu hoạch đã giảm 45% so với mức năm 1789. Louverture lập nên hệ thống thuê mướn fermage, chẳng khác gì một kiểu nô lệ nhà nước.

Giống như những nông nô thời trung cổ, những công nhân này bị buộc phải sống trong nông trại nhà nước và buộc phải làm việc trong nhiều giờ để đổi lấy đồng lương còm cõi. Tuy vậy, ít nhất thì họ không còn thường xuyên bị đánh đập nữa và còn được nhận một chút dịch vụ chăm sóc y tế.

Nhưng khi Napoleon gửi quân đội đến trong một nỗ lực vô ích nhằm lấy lại Haiti từ năm 1801 đến năm 1803, cây cà phê lại một lần nữa bị bỏ hoang.

Theo như những gì biết được về thất bại cuối cùng của quân đội Napoleon vào cuối năm 1803, ông ta đã phải thốt lên: “Cà phê chết tiệt! Lũ thuộc địa chết tiệt!”

Thu hoạch cà phê. Ảnh: Comunicaffe.

Hẳn là phải nhiều năm sau, cà phê Haiti mới lại tác động mạnh hơn tới thị trường thế giới, và nó đã không bao giờ khôi phục được hào quang thống trị của mình một lần nữa.

Người Hà Lan đã nhảy vào chỗ trống để lấp đầy tình trạng khan hiếm bằng cà phê Java. Mặc dầu họ không thường xuyên cưỡng bức hay tra tấn những người lao động, nhưng họ cũng đặt ách nô lệ lên những người này.

Theo như nhà sử học Heinrich Eduard Jacob, trong khi những người Java cắt tỉa cây hoặc thu hái quả cà phê dưới cái nắng nhiệt đới gay gắt, “thì những ông chúa đảo da trắng đưa muỗng quấy chỉ vài giờ mỗi ngày”.

Cho đến đầu thế kỷ 19, mọi chuyện đang yên bình, thì có một công chức người Hà Lan tên là Edward Douwes Dekker đến công tác tại Java. Cuối cùng, ông ta cũng thôi việc để phản đối sự bóc lột của người da trắng với dân thuộc địa và viết cuốn tiểu thuyết Max Havelaar, dưới bút danh Multatuli. Dekker đã viết:

“Những kẻ lạ mặt đến từ phương Tây tự phong mình là lãnh chúa trên đất đai của anh ta (tức người bản địa), bắt anh ta phải trồng cà phê với đồng lương đáng thương. Chết đói ư? Ở hòn đảo Java trù phú, màu mỡ, phúc lành này – chết đói ấy ư? Xin vâng, thưa độc giả. Chỉ mấy năm trước thôi, toàn bộ các quận huyện đều chết vì đói. Những bà mẹ phải đem con đi bán để đổi lấy thức ăn. Những bà mẹ phải ăn thịt cả con họ”.

Dekker kết tội những chủ đất người Hà Lan, những kẻ “tưới tắm đất đai của hắn bằng mồ hôi của người lao động, những người phải bỏ mảnh đất của riêng mình vì bị hắn gọi đi làm trên đất hắn. Hắn ăn quỵt tiền công của người làm, và nuôi sống hắn bằng thức ăn của kẻ nghèo. Hắn giàu lên trên đói nghèo của người khác”.

Trong suốt chiều dài lịch sử của ngành cà phê, lúc nào cũng có thể gặp những lời lẽ đã gióng lên hồi chuông về sự thật như thế này. Nhưng những nhà tiểu nông và gia đình, giống như những người Ethiopia săn sóc những thửa vườn cà phê của họ trên cao nguyên, cũng kiếm cơm được từ cà phê, và không phải tất cả công nhân trồng cà phê trên những đồn điền đều bị áp bức bóc lột. Lỗi không nằm ở cây cà phê hay cách mà nó được vun trồng mà ở cách đối xử của chủ với những người đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt để chăm bẵm và thu hoạch nó.

theo: Hành trình cà phê; Tác giả: Mark Pendergrast / NXB Lao Động
Cuốn sách vẽ nên bức tranh toàn cảnh lịch sử của cà phê: Từ thời khởi thủy cho tới những năm tháng hào quang, thu hút tới hơn 3 tỷ người đắm say hương vị quyến rũ của mình.

nguồn: https://zingnews.vn/duong-ca-phe-va-no-le-post1346493.html