Vừa chống chọi căn bệnh nan y, Trương Gia Hòa vừa âm thầm mưu sinh và trải lòng trên trang giấy bằng những tản văn giàu chất trữ tình xung quanh ngôi nhà đầy điều thi vị. Ngôi nhà ký ức tuổi thơ, ngôi nhà hiện tại của chị và cũng là ngôi nhà mà mỗi người chúng ta có thể nhìn thấy mình trong đó với bao vui buồn qua tập sách Đêm nay con có mơ không?do NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành và ra mắt bạn đọc tháng 8-2017.
Trương Gia Hòa quê Tây Ninh, là cây bút xuất hiện từ giữa thập niên 1990 khi chị còn là sinh viên ngữ văn Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM. Khởi đầu sáng tác thơ, Trương Gia Hòa cùng với Trần Lê Sơn Ý, Ly Hoàng Ly, Tú Trinh… đã góp phần làm phong phú đời sống thi ca TP bấy giờ bằng sự tươi mới dịu dàng của phái đẹp. Và chị đã xuất bản tập thơ đầu tay Sóng sánh mẹ và anh năm 2005.
Sau một thời gian làm xuất bản, Trương Gia Hòa chuyển sang làm báo và trở thành cây bút viết tản văn rất có duyên. Vài năm nay bất ngờ gặp phải bệnh tật nhưng sau những cơn đau đớn tột cùng chị vẫn cố gắng viết, để thấy mình vẫn tồn tại và cũng là sự giải tỏa nỗi lòng. Viết trong tâm thế ấy song diễn ngôn của Trương Gia Hòa vẫn tự nhiên, mạch lạc, quyến rũ, trữ tình, không gợn chút đau buồn, mà đôi lúc còn hóm hỉnh, lạc quan về tình người, tình đời.
Tập sách Đêm nay con có mơ không? là tác phẩm thứ hai của chị, gồm 45 bài chọn lọc từ gần cả trăm tạp bút chị đã viết. “Không “đao to búa lớn” để làm nên sự vĩ đại, từng mẩu chuyện nhỏ mà Trương Gia Hòa mang đến cho bạn đọc đôi khi chỉ là những ghi chép tỉ mẩn của một bà mẹ công chức “bỉm sữa” yêu con, vừa đi làm, vừa vén khéo chuyện nhà; là nỗi nhớ nhung xa xôi của một người luôn hướng về gia đình lớn, cội rễ để mình đâm chồi, nảy lộc; là những băn khoăn của một thị dân trước những đổi thay của cuộc sống hiện đại… Tất cả phác thảo nên một Trương Gia Hòa nhiều ưu tư, nhiều trăn trở nhưng vẫn hết sức hồn nhiên, tin yêu”, nhà thơ – nhà báo Trần Lê Sơn Ý, người bạn thân của Trương Gia Hòa trong lời giới thiệu sách Đêm nay con có mơ không? đã chia sẻ. Theo nhà báo Trần Lê Sơn Ý, hiện thực cuộc sống dù đáng chán thế nào, chị cũng tìm một góc nhìn khác, để thấy rằng những giá trị nền tảng trong văn hóa, đời sống, ứng xử của người Việt chưa hoàn toàn mất đi, nếu chúng ta biết gìn giữ, dung hòa. Sự chậm rãi bảo bọc truyền thống nơi người già và cái vô tư, thời thượng của người trẻ mà Trương Gia Hòa mang đến cho bạn đọc chứa đủ cả vui lẫn buồn.
Có thể nói Trần Lê Sơn Ý đã gói gọn tinh thần tập sách, mà chỉ qua tựa đề các tản văn cũng thể hiện điều ấy: Người chơi đùa với những cây đèn dầu, Gốc cây đời người, Không gian cho chữ hiếu, Chiếc rương thơm mùi thời gian, Thiên đường có mẹ, Và ông bà sẽ lại bắt đầu… cùng nhau, Hai giọt sương già… Từ góc nhìn của Trương Gia Hòa, ký ức sống lại, giấc mơ thăng hoa, niềm vui sinh sôi, nỗi buồn tan biến, như một tựa bài trong sách Từ nơi ấy sự sống lan tỏa khi tản mạn về cái bếp gần gũi thân thương gắn liền với cuộc đời mỗi người phụ nữ: “Với chị, giường ngủ chiếu chăn hoang lạnh không khiến chị cay đắng bằng việc lui cui trong bếp mà không biết mặn nồng này ai sẽ thưởng thức cùng! Người ta nói, đàn ông là cái nhà đàn bà là cái bếp. Người ta cũng nói, đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm! Như hai tam giác đồng dạng, đàn bà và bếp thuộc cùng một góc, góc của yêu thương. Từ nơi ấy sự sống lan tỏa, từ nơi ấy ngọn lửa sưởi ấm cho cả nhà”.
Không chỉ là ngọn lửa ấm lan tỏa từ bếp, mà cả ngọn đèn dầu mà sinh thời ông nội thích chơi hay khoảng sân mỗi sáng tinh mơ trước nhà dành riêng cho cha mẹ, những cái cây trong vườn đã trở thành “bầy con câm nín” của mẹ… qua sự thể hiện tinh tế của Trương Gia Hòa đều toát lên vẻ đẹp tiềm ẩn, giản dị mà thiêng liêng của văn hóa tâm thức Việt mà giữa bộn bề đời sống hiện đại, đôi lúc chúng ta đã lãng quên.
YÊN YÊN
Nguồn: Sài Gòn giải phóng
Có thể bạn muốn xem
DỊ CHỦNG 2 – TÀN THẾ
Có Làm Mới Có Sai
Những đốm lửa lưu lạc
Phát kiến thời gian của MiM
Thiên kiến xác nhận
Câu lạc bộ nghiên cứu bí ẩn
Sketchnote – Phương Pháp Ghi Chú Sáng Tạo Bằng Hình Ảnh
Lì xì hơn 6.000 cuốn sách tại Đường sách Tết 2024
Sống chất