GEN là một khái niệm trừu tượng, một thông điệp, một điều bí ẩn, một « bóng ma ẩn mình trong cỗ máy sinh học ».
Cuốn sách của Siddhartha Mukherjee là câu chuyện về sự sinh thành, phát triển, và tương lai của « gen » – đơn vị cơ bản của di truyền, đơn vị cơ sở của tất cả thông tin sinh học, và là một trong những ý niệm có sức tác động nguy hiểm và lợi hại nhất trong lịch sử khoa học.
Gen: Lịch sử và tương lai của nhân loại được sắp xếp cả theo thứ tự niên đại lẫn chủ đề mà đường cong chính yếu là lịch sử. Mukherjee bắt đầu dẫn dắt từ khu vườn trồng đậu của Mendel, trong một tu viện hẻo lánh ở Moravia vào năm 1864, nơi « gen » được khám phá rồi nhanh chóng bị quên lãng. Được kể song song với câu chuyện này là học thuyết tiến hóa của Darwin. Gen đã mê hoặc các nhà cải cách Anh và Mỹ, những người nuôi hy vọng thao túng di truyền học người để tăng tốc quá trình tiến hóa và giải phóng nhân loại. Ý niệm này leo thang đến tột đỉnh ghê rợn ở Đức thời Quốc xã vào những năm 1940 với những thí nghiệm dị hợm, mà đỉnh điểm là sự giam cầm, triệt sản cưỡng bức, gây chết êm dịu, và giết người hàng loạt.
Có những câu chuyện lồng trong mỗi câu chuyện, nhưng cuốn sách này còn là một câu chuyện rất cá nhân – một lịch sử riêng tư. Tác giả dẫn giải từ chính những bi kịch gia đình với một số thành viên của nhiều thế hệ mắc phải những bệnh trạng tâm thần khó hiểu, đây cũng chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuốn sách, đặt ra những trăn trở về khả năng tiến xa đến đâu của loài người trong hành trình từ phòng thí nghiệm khoa học di truyền ra với thực tế. Mukherjee đã rất thành công với Lịch sử ung thư – Hoàng đế của bách bệnh (đạt giải Putlitzer), và tới Gen, vẫn nguyên vẹn lối kể chuyện lôi cuốn tài năng, bằng con mắt của một chuyên gia, một nhà nghiên cứu khoa học – uyên bác, đa chiều, đầy khám phá và bằng ngòi bút của một người trong cuộc – trải nghiệm, lay động, đầy ám ảnh. « Đã có rất nhiều cuốn sách kể lại cách ý tưởng về gen ra đời cũng như những khám phá đầu tiên, nhưng không quyển sách nào đạt đến tầm vóc và sức ảnh hưởng như Gen của Siddhartha Mukherjee » – Theo New York Times.
Siddhartha Mukherjee sinh năm 1970, là bác sĩ và nhà nghiên cứu ung thư, nhà sinh học tế bào gốc và nhà di truyền học ung thư. Ông là Phó giáo sư y khoa tại Đại học Columbia, học giả Rhodes tại Đại học Oxford, tốt nghiệp nhiều trường danh tiếng như Đại học Stanford, Đại học Oxford, và Trường Y khoa Harvard. Phòng thí nghiệm của ông đã nhận diện những gen điều hòa tế bào gốc, và đội ngũ của ông được thừa nhận trên bình diện quốc tế với những công trình khám phá tế bào gốc xương và hiệu chỉnh di truyền đối với các bệnh ung thư máu. Mukherjee có nhiều công trình xuất bản trên Nature, Cell, Neuron, The New England Journal of Medicine, New York Times.
Gen – Lịch sử và tương lai của nhân loại là một tiểu sử về gen đồng thời cũng là một tiểu sử về ung thư toàn diện, tường tận, lôi cuốn. Chuyện khoa học, chuyện lịch sử xã hội đan cài với những chuyện cá nhân dẫn dắt chúng ta tới những đột phá quan trọng bậc nhất, cổ vũ niềm khát khao chinh phục trong lĩnh vực di truyền người cũng như sự chi phối của nó đến đời sống, tính cách, lựa chọn, bản ngã, số phận con người. Trong thế giới mà Mukherjee đặt tên là thế giới “hậu gen”, chúng ta đang nắm trong tay một sức mạnh vô cùng mạnh mẽ và nguy hiểm. Và cuốn sách này dường như trả lời cho một câu hỏi định hình tương lai: Nhân loại sẽ trở nên thế nào khi chúng ta học được cách “đọc” và “viết” thông tin di truyền của chính chúng ta?
Có thể bạn muốn xem
Người ưu tú luôn biết cách khiến người khác dễ chịu
Không gian sách làm điểm đến Hồ Con Rùa thêm hấp dẫn
Chùm thơ của Trương Công Tưởng
Nhà văn Phan Hồn Nhiên và tác giả Yang Phan truyền cảm hứng cho những người yêu văn chương
Kho báu Kinh thành Huế sau ngày Thất thủ Kinh đô
Năm 2062 – Thời đại của trí thông minh nhân tạo
Chánh niệm từng phút giây: Nấu yêu thương nuôi dưỡng nhiệm mầu
Thung lũng Silicon thập niên 1950-1960
5 cuốn sách những người quan tâm đến bitcoin không nên bỏ qua