“Hai cuốn nhật ký” được Tanizaki viết khi đã ở độ tuổi cổ lai hi, thông tin này khiến độc giả sành sỏi đều băn khoăn tự hỏi một ông già ở tuổi đó, còn làm được việc gì?
Quý vị hẳn đã hiểu tôi ám chỉ việc gì phải không? Đúng rồi, là tôi nói cái sự hành phòng. Một ông già 70… tôi không chắc ở tuổi đó một ông già sẽ thế nào. Khao khát? Tất nhiên vẫn còn khát khao chứ! Khả năng? Khó đấy, cái tuổi nó đuổi xuân đi! Đọc Tanizaki tôi mường tượng ra cảnh cụ già Tanizaki, ngồi trên giường, run rẩy dồn ép dòng cảm xúc bị nén đến cô đặc vào những trang giấy.
Review cuốn truyện này từ các tác giả Âu Tây, đa phần đều coi đây là một câu truyện trinh thám. Không đúng, hoàn toàn không đúng. Đây phải là khúc bi ca, là lời ai điếu cho thận phận những gã… yếu nòng.
Nhân vật chính của chúng ta là một giáo sư, ông ấy 56 tuổi. Theo công thức mà bất kỳ anh cư dân mạng nào đều thuộc nằm lòng, 5×9=45. Vì vậy, nhịp độ 7-10 ngày một lần, cùng lời than thở quằn quại “chuyện phòng the lại càng khiến tôi muôn phần mệt mỏi. Suốt cả ngày bơ phờ bải hoải không làm nổi việc gì ra hồn” quả thật khiến tôi thương cảm, hẳn cũng phải là sự gì xa lạ với một anh công chức, quanh năm ngày tháng chỉ ngồi bàn giấy và ôm lấy quyển sách.
Một thằng đàn ông, ngoài sự nghiệp, tiền tài, danh vọng, thì điều nó quan tâm nhất là “sự hãnh diện giường chiếu”. Tôi dám cá là bất kỳ anh nào, từ 18 đến 101, đều có một khao khát thầm kín là chinh phục đối tác bằng khả năng đích thực, như tôi vẫn hay dùng câu “đứng trên một chân của mình”. Phương diện này ám ảnh tâm lý của người Á Đông rất rõ rệt, từ Nhật Bản, Trung Quốc đến Việt Nam. Dân Tây Âu không như vậy vì khả năng hành phòng của họ cao hơn chăng.
Tôi lại tự hỏi ông Giáo sư có yêu vợ không? Sao tôi không cảm thấy điều ấy nhỉ. Những hành động và diễn biến tâm lý của ông cho tôi thấy một khao khát chiếm hữu, khao khát thỏa mãn cái tôi hơn là tình yêu đích thực.
Làm tình với vợ mình, trong khi cô ấy bất tỉnh, cảm nhận bằng thân thể rằng cô ấy đạt cực khoái, rồi thỏa mãn vì điều đó. Không có một phân nào dành cho tình cảm cả, hoàn toàn là tình dục và xác thịt, và bà vợ thì giống như một công cụ để ông tiết dục hơn. Giáo sư chỉ yêu bản thân mình. Hành động của ông ấy nhằm đạt cực khoái cả tinh thần lẫn thể xác của chính ông ấy.
Nhưng với người đọc, ông ấy thật đáng yêu!
Tác phẩm Hai cuốn nhật ký của Tanizaki Junichiro.
Ông ấy 56 tuổi, và có cả tâm lý của ông già 70 tuổi. Ở tuổi đó, người ta có cái ego vĩ đại. Giáo sư của chúng ta có cái ngây thơ của lão ngoan đồng, ông hơi giả dối, biện minh cho tất cả những gì mình làm là vì động cơ yêu vợ.
Cũng hay chứ. Đàn ông thường lấy những mục đích cao cả để biện minh cho phương tiện mà. Mà giáo sư thì tự biết thời gian của mình không còn bao nhiêu, ông sẵn sàng cho đi tất cả, không để đổi lại mươi năm yên bình.
Ông cũng ngây thơ khi tin rằng vợ mình, một người đàn bà cổ phong, sẽ không bao giờ phản bội chồng vì ham muốn xác thịt. Ông làm tôi nhớ đến con lừa của Azit Nesin, không phải sói đâu, không phải sói đâu. Đúng là sói đấy ông bạn già ạ, phụ nữ 30 như hổ, phụ nữ 40 như sói. Bà nhà đúng 45, là sói nuốt người không nhả xương.
Ông lại có cái dũng khí của tay chơi bạc, xuống tất tay ở canh cuối. Ở cái thế không còn đường lùi, chẳng còn bao nhiêu để mà mất, ông đặt mạng mình xuống chiếu. Tôi mến cái dũng khí này, tôi thấy ở ông hình ảnh Kinh Kha dựa cột.
Dựa cột là lúc Kinh Kha biết mình ám sát hụt rồi, mệnh đã sắp tận, liền ngồi dựa cột cười mắng Tần vương rằng chẳng qua ta muốn bắt sống, ép mi trả đất chư hầu. Cái dũng khí phiêu nhiên ấy còn cao hơn vài bậc so với lúc phát xung Dịch thủy. Giáo sư đã đem thân mình làm tế phẩm, hiến cho vị thần Khoái lạc. Cái tâm học theo thì ai cũng sẵn sàng, nhưng mấy ai dám làm theo vị Giáo sư nọ?
Người đọc tiếp tục lại được cười và thêm mến nhân vật Giáo sư khi đọc những phút đấu trí của ông cùng bà vợ, ngầm thi nhau mở nhật ký đối phương xem ai khéo hơn ai. Người ta dễ liên tưởng đến hai ông bà già, so đo nhau từng li từng tý. Khung cảnh ấy nó thật êm đềm, hài hòa, nhưng cũng có gì xon xót dâng lên trong lòng. Giáo sư ơi, ông già thật rồi.
Và rồi lời ai điếu được đẩy lên cao trào khi cái chết của giáo sư từ từ hiện ra, tử thần khoác cái áo nhục dục chầm chậm đi tới từng bước một. Nhưng độc giả có thương xót Giáo sư không? E là không.
Ông đã chết như chính sự lựa chọn của bản thân. Cái chết đến với ông cũng không phải một sự giải thoát như nhiều người lầm tưởng. Ông đã lựa chọn cho mình cái chết ấy.
Ông đã cháy hết mình, càng về cuối càng cháy gấp. Không phải để đổi lại là tình yêu, hay sự thỏa mãn xác thịt của bà vợ đâu. Ông chết khi đã thành công chứng tỏ được cái ego ngạo nghễ của mình. Ông giễu cợt sự ngờ nghệch của bà vợ khi tin vào những lời giả dối ông viết trong cuốn nhật ký.
Người đọc như thấy ông nở nụ cười ra đi trong một đêm yên tĩnh và vắng lặng, đó cũng là lý do Tanizaki không để người vợ ở bên ông để chứng kiến những giây phút huy hoàng này. Bà ấy, chưa từng hiểu chồng mình, trong khi tưởng mình lừa dối được chồng, dồn ông tới chỗ chết, thì hóa ra hoàn toàn ngược lại, bà chưa từng thoát khỏi bàn tay Như Lai của Giáo sư. Bà không xứng đáng được hiện diện trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy.
Với thủ pháp kể chuyện kép, hai nhân vật chính kể chuyện lồng ghép đan xen nhau, câu chuyện cuốn hút, tình tiết bất ngờ và bí ẩn. Hai cuốn nhật kýxứng đáng là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Tanizaki, một cuốn sách mang đầy tính văn chương và sáng tạo.
Theo Hòa Bình/Zing.vn
Có thể bạn muốn xem
Trở về một đứa trẻ
Vì sao tháp nghiêng Pisa không bị sụp đổ vì động đất?
Buồng Tắm
Bức thư tình có vị ngọt của bánh
Giấc mơ Việt Nam tôi
5 hành động tuyệt đối phải tránh khi đi phỏng vấn xin việc
Startup về sách điện tử ở Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại khi gọi vốn
Chúng ta đã mỉm cười
hồi ký Cỏ dại