Sẽ đến lúc bạn gặp ai đó giúp bạn nhận ra rằng “dù bạn có trốn kỹ đến đâu, thế giới vẫn tìm thấy bạn và cho bạn lý do để bước ra khỏi bóng tối”. Đó là những gì mà cuốn sách “Hành vi phi logic” muốn nhắn nhủ đến các bạn.

Cuốn sách từng đoạt giải thưởng Printz và được đề cử giải thưởng Sách quốc gia Mỹ 2016 của tác giả John Corey Whaley được đánh giá là “hài hước và cảm động”. Hành vi phi logic cho chúng ta thấy cách che giấu bản thân mình khỏi thế giới ra sao và tình yêu, bi kịch, cùng sự khao khát được kết nối có thể là những thứ đưa chúng ta trở lại nơi ánh sáng.

Thoạt nhìn trang bìa và tựa sách, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đây là cuốn sách nặng về tâm lý và có phần trừu tượng. Nhưng khi lật giở một vài trang đầu, ta mới thấy từng trang viết gần gũi và có sự cuốn hút khiến ta khó có thể rời mắt. Đó là những tâm sự rất đời thường về những khủng hoảng của tuổi mới lớn. Đó là câu chuyện đẹp về tình bạn, tình yêu.

Ai cũng có một một thế giới của riêng mình

Dù chung sống trong cùng một thế giới nhưng ai cũng có thế giới của riêng mình. Một thế giới mà người ta chỉ muốn trốn thật kỹ, thật lâu, không muốn bước ra cũng không muốn người khác bước vào. Anh chàng Solomon Reed đã sống suốt ba năm trong bốn bức tường như vậy. Kể từ khi xảy ra sự cố ở trường trung học Upland, cậu chưa một lần nào bước chân ra khỏi nhà. Chứng hoảng loạn và sợ không gian rộng hành hạ cậu từng ngày. Nơi xa hơn mà cậu đặt chân đến chỉ là cái gara và xa hơn nữa là khoảng sân sau nhà.

Lisa Praytor đã làm đủ mọi cách để đưa cậu bước ra ngoài ánh sáng, thậm chí đã lôi cả anh bạn trai Clark vào cuộc. Ban đầu cô làm điều đó chỉ để phục vụ mục đích của mình, đó là giành được học bổng vào trường đại học có ngành đào tạo tâm lý tốt thứ hai cả nước và nhanh chóng thoát khỏi nơi mình đang sống. Nhưng điều cô không ngờ đến là ngay cả Solomon và Clark cũng có những bí mật của riêng mình. Một khi bí mật của từng người được phơi bày thì tam giác tình bạn, tình yêu giữa họ đứng trước nguy cơ bị đứt gãy.

Ngắt kết nối với thế giới bên ngoài để kết nối lại với chính mình

Chúng ta vẫn thường mải kết nối với thế giới ngoài kia mà quên kết nối với chính mình. Lisa Praytor vẫn khát khao thoát khỏi mảnh đất mình đang sống mà không nhận ra rằng mảnh đất đó mang đến cho cô những con người tuyệt vời, những tình cảm đáng trân trọng. Solomon Reed, trong cơn hoảng loạn, mất kiểm soát đến cực độ khi ở thế giới ngoài kia, đã quyết định ngắt kết nối hoàn toàn với thế giới để kết nối lại với chính mình. Cậu tự tạo ra một thế giới của riêng mình và điều đó đã giúp cậu sống sót.

Solomon hiểu rõ bản thân mình hơn bất cứ ai, cậu biết điều gì khiến mình hoảng loạn và điều gì giúp mình bình tĩnh lại. Hành động cởi quần áo nhảy vào đài phun nước ở trường cũng là một cách để chống lại sự bất ổn của bản thân. Người điên không nghĩ là mình điên, họ cảm thấy thoải mái nhất khi ở trong thế giới của riêng họ và thấy không có vấn đề gì khi chọn cuộc sống biệt lập, khác người. Những hành vi của Solomon có thể phi logic trong thế giới của đám đông nhưng lại rất logic trong thế giới của cậu.

Một câu chuyện đáng suy ngẫm về sự sẻ chia và thấu hiểu

Nếu mối quan hệ giữa bộ ba chỉ dựa trên sự lợi dụng hay sự thương hại thì họ đã chẳng thể ở bên nhau lâu đến thế. Hơn cả một câu chuyện về tình bạn, Hành vi phi logic còn là một câu chuyện về sự thấu cảm giữa người với người. Khi một người lên cơn hoảng loạn giữa đám đông, phải cởi quần áo nhảy vào đài phun nước thì lỗi thuộc về tất cả chúng ta. Chừng nào những người như Solomon còn phải lẩn trốn thế giới này thì cuộc sống của chúng ta chưa bao giờ là ổn. Chúng ta phải học cách chia sẻ thế giới với họ.

Gia đình của Solomon, gồm bố mẹ, bà nội, cùng những người bạn như Lisa, Clark là những người đã kiên nhẫn hơn ai hết. Họ không phán xét, không chỉ trích, không nổi đóa với những hành động khác thường, lì lợm của Solomon. Từng chút, từng chút một, họ kéo Solomon ra khỏi bốn bức tường chật chội để bước ra ánh sáng. Không phải bằng những liệu pháp tâm lý nào, mà bằng sự cảm thông và đầy thấu hiểu. Như việc Clark sẵn sàng cởi bỏ hết quần áo để nhảy xuống bể bơi cùng Solomon khi Solomon không mặc gì cả.

Thế giới ngoài kia đầy rẫy những nguy hiểm, rủi ro không lường trước. Chúng ta hoàn toàn có quyền sống yên ổn trong thế giới của riêng mình như Solomon đã làm, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không cần phải bước ra ngoài. Sẽ đến lúc bạn gặp ai đó giúp bạn nhận ra rằng “dù bạn có trốn kỹ đến đâu, thế giới vẫn tìm thấy bạn và cho bạn lý do để bước ra khỏi bóng tối”. Chỉ cần bạn mở lòng ra cho người khác bước vào mà thôi.

Hành vi phi logic của nhà văn John Corey Whalley vừa được thương hiệu WingsBooks – NXB Kim Đồng dịch và phát hành tại Việt Nam.

theo HẰNG NGA/SGGPO