Hạt cát trong mắt [Chokher Bali – চোখের বালি] là một tiểu thuyết nổi tiếng của Rabindranath Tagore, xuất bản tại Ấn Độ năm 1903. Tác phẩm mô tả cuộc đời ngột ngạt của góa phụ trẻ Binodini, những xung đột ngấm ngầm của hôn nhân, gia đình, bạn bè của cùng một thế hệ, của nhiều thế hệ trong một xã hội nặng tính phụ quyền và người phụ nữ còn bị bủa vây bởi vô vàn cấm đoán hà khắc.

Hạt cát trong mắt có nghĩa là sự khó chịu trong mắt hoặc chướng mắt, đó là những gì Asha và Binodini dành cho nhau. Binodini vừa là một góa phụ vô vọng, một người bạn, một kẻ cám dỗ và một người phụ nữ hối hận. Tagore mang đến cho người đọc cái nhìn sâu sắc về những khát khao, cảm giác mà những góa phụ thời ấy buộc phải âm thầm chịu đựng. Đối lập với Binodini, Asha lại ngây thơ thuần khiết, vì mù chữ nên cô dễ dàng bị khuất phục và thao túng. Câu chuyện gần như trở thành một cuộc tranh luận ngầm về tình yêu và đạo đức, thúc giục người đọc hiểu Asha và Binodini bên ngoài các chuẩn mực xã hội Bengal.

Nhân vật trung tâm Binodini không phải là một phụ nữ Ấn Độ được lý tưởng hóa mà là một phụ nữ quyết liệt và đầy những khuyết điểm rất con người. Binodini không chấp nhận sống cuộc sống tăm tối, vì cô vẫn còn trẻ và có nhiều ước muốn. Miêu tả của Tagore về Binodini rất ấn tượng, đặc biệt khi cô đạp đổ kỳ vọng của xã hội về việc góa phụ thì phải từ bỏ mọi ham muốn trần tục.

Đã hơn một thế kỷ sau khi Hạt cát trong mắt ra đời, giáo dục vẫn là một cuộc đấu tranh đối với nhiều phụ nữ để được tiếp cận tri thức của nhân loại. Tiểu thuyết của Tagore quả thực trình bày một quan điểm đi trước thời đại vì đã công kích bản chất bảo thủ của Ấn Độ ở thế kỷ 19 và 20. Thông qua câu chuyện về Binodini, Tagore đặt câu hỏi về các chuẩn mực xã hội. Ông lên án tất cả các cấm kỵ và tập tục bất công đã tước đoạt quyền tự do và quyền tự chủ chính đáng của phụ nữ, đặc biệt là các góa phụ, đã buộc họ sống một cuộc sống tang tóc.