Cổ nhân có câu: “Phúc họa vô môn, duy nhân tự triệu”, ý nói họa và phúc đều không có cửa vào mà là do bản thân mình tự gây ra. Cho nên, khi một việc xảy ra là họa hay là phúc hoàn toàn có thể dựa vào hành vi của cá nhân mà nhận định.
Nếu phúc và họa đã do bản thân mình định thì như thế nào mới có thể “đắc phúc tị hung”? Kinh Dịch đề cập đến 3 cách như sau:
1. An thủ bổn phận
Kinh Dịch giảng: “Vô vọng, nguyên hanh, lợi trinh. Kì phỉ chính hữu sảnh, bất lợi hữu du vã” (tạm dịch: không càn bậy thì tất sẽ hanh thông, hợp với chính đạo thì có lợi. Cái gì không hợp với chính đạo thì không có lợi). Câu nói này nhắc nhở mọi người phải biết an thủ bổn phận, đừng làm những việc vượt quá khỏi phạm vi năng lực của bản thân mình, nếu không, nhất định sẽ gặp phải đại họa. An thủ bổn phận ở đây giống như Khổng Tử giảng: “Bất tại kì vị, bất mưu kì chính”, tức là không ở vị trí ấy thì không nên xem xét việc ở vị trí ấy. Tằng Tử cũng giảng: “Quân tử tư bất xuất kì vị”, tức là người quân tử không suy nghĩ những gì vượt quá địa vị của mình.
Trong “Trường đoản kinh. Phản kinh” có ghi chép lại một câu chuyện giữa Khổng Tử và học trò Tử Lộ như sau:
Một lần, Tử Lộ đến làm quan ở đất Thiệu. Khanh đại phu của nước Lỗ là Quý Thị giới hạn cho dân chúng ở đó trong vòng 5 tháng phải khai thông một kênh đào. Việc khai thông kênh đào này do Tử Lộ làm chủ quản.
Vì để khuyến khích dân chúng làm việc chăm chỉ, hoàn thành đúng thời hạn trong khi kinh phí của triều đình ban cho lại hạn hẹp, không đủ, Tử Lộ liền lấy tiền túi của mình, thậm chí lấy cả lương thực của nhà ra để cho mọi người ăn. Khổng Tử nghe được tin này liền phái học trò Tử Cống đến xem xét, can ngăn.
Tử Lộ vô cùng tức giận, lập tức đến gặp Khổng Tử tranh luận. Tử Lộ nói: “Thưa thầy! Hàng ngày thầy đều dạy chúng con phải làm người tốt, làm việc tốt, thi hành nhân nghĩa. Hiện giờ con đang làm theo đúng lời thầy dạy. Tại sao thầy lại phái Tử Cống đến quấy rối việc con đang làm? Phải chăng thầy sinh lòng đố kỵ với việc nhân nghĩa của con?”
Khổng Tử nghe xong lời của Tử Lộ, chậm rãi nói: “Tử Lộ! Con đừng hồ đồ! Người làm thiên tử, bởi vì thiên hạ là của mình cho nên có thể yêu thương thiên hạ. Làm chư hầu thì yêu thương dân chúng của quốc gia mình, làm quan đại phu thì chỉ quản việc trong chức vụ của bản thân mình, người thường thì yêu thương người thân của mình. Làm việc nhân nghĩa đương nhiên là tốt, nhưng nhân nghĩa vượt quá giới hạn thì lại là xâm phạm đến quyền uy của người khác, đối với bản thân, đối với mọi người, đối với sự phát triển lâu dài thì đều là bất lợi”.
Khổng Tử làm như vậy cũng là thể hiện tình yêu thương học trò của mình Bởi vì ông cho rằng, cách làm của Tử Lộ sẽ được lòng dân nhưng nhất định cũng khiến người khác ghen ghét đố kỵ mà hãm hại.
Tử Lộ làm vậy là gián tiếp phê phán triều đình keo kiệt. Hơn nữa bản thân Tử Lộ không thể làm như vậy mãi. Nếu kinh phí không đủ thì cần lựa chọn phương thức tấu trình lên trên, thuyết phục triều đình, không thể lãnh lấy trách nhiệm vượt quá bổn phận của mình. Hơn nữa việc này kỳ thực kinh phí không đủ, việc làm không đúng hạn thì cũng chưa thương tổn tới ai, không nhất thiết phải ra sức nhân nghĩa quá mức.
Thậm chí khi bị can ngăn Tử Lộ còn bất kính với thầy, cho thấy trong việc nhân nghĩa của Tử Lộ có cả tâm lý hiển thị. Kẻ hiển thị tất bị người ghen ghét. Bản thân Tử Lộ cũng nói trắng ra là: “Phải chăng thầy ghen ghét con?”, trong tiềm thức hoàn toàn hiểu rằng mình có tâm hiển thị. Vậy nên Khổng Tử răn dạy học trò rằng, ngay cả khi làm việc nhân nghĩa cũng phải hiểu được bổn phận của mình, phải hợp lý và thỏa đáng.
2. An thủ sự bình thản
Trong “Đạo Đức Kinh” có cách nói: “Tam tri tam thủ”, ấy là chỉ người biết mình dũng mãnh mà lại tự nguyện sống nơi thấp kém, nhu hòa, không để lộ tài năng. Người có thể nhìn rõ mọi việc nhưng lại không lấy cái nhìn của mình để áp đặt lên người khác. Người có địa vị cao, vinh hoa phú quý nhiều nhưng lại bảo trì cách sống bình thường giản dị … Người có thể cư xử được như vậy thì là đã giữ được “thường đức”, phối kết với Đạo, trở về với bản tính chất phác, đức hạnh tròn đầy.
Về việc này có thể lấy tấm gương của Tăng Quốc Phiên làm ví dụ. Tăng Quốc Phiên ở vào lúc tuổi già, trong tay có quyền cao chức trọng nhưng vẫn luôn giữ vững nội tâm của mình, không tham ô, không nhận hối lộ, không mưu cầu tư lợi cho riêng mình.
Thời kỳ Tăng Quốc Phiên đảm nhận chức Lưỡng Giang Tổng đốc, có một vị quan huyện đã dùng bức thư pháp vô cùng trân quý để hối lộ ông. Nhưng sau khi món quà ấy gửi tới, Tăng Quốc Phiên đã không nhận mà trả lại ngay. Ông còn viết trong nhật ký của mình tám chữ: “Thế gian vưu vật, bất cảm vọng thủ”, tức là báu vật ở nơi thế gian là không thể lấy bừa.
Dù là quyền cao chức trọng nhưng sau khi Tăng Quốc Phiên mất, toàn bộ tài sản cả đời ông để lại chưa đến hai vạn lượng bạc, chỉ bằng tiền lương một năm của một vị quan viên. Ông được hậu nhân đánh giá là vị quan thanh liêm hiếm có trong chốn quan trường hỗn loạn.
Một người chỉ cần bảo trì cái tâm của mình, lấy bất biến ứng vạn biến, cho dù hoàn cảnh có biến hóa như thế nào cũng không để tâm bị quấy nhiễu, bị mê hoặc. Một người luôn ôn hòa hiền hậu, tĩnh lặng, giống như đại địa luôn nguyện ý đặt mình ở chỗ thấp mới là người chân chính cường đại, tránh được tai ương mà chiêu mời được phúc.
3. An thủ lời nói
Trong “Kinh Dịch” viết: “Cát nhân chi từ quả, táo nhân chi từ chúng” (tạm dịch: Người hiền lành thì lời nói ít, người nóng vội thì sẽ nói nhiều), câu này khuyên mỗi người đều phải giữ gìn cái miệng của mình. Người cát tường thường nói không quá nhiều, ở vào lúc thích hợp mới nói, hơn nữa lời một khi nói ra đều đáng tin. Bởi vì cái tâm của họ luôn tĩnh, không nóng vội, một khi tâm tĩnh thì có thể biết được tình hình thời thếmà ứng biến.
Trong “Nhân gian thế”, Trang Tử cũng giảng: “Phu ngôn giả, phong ba dã!”, ý tứ là họa từ miệng mà ra. Từ xưa đến nay, những ví dụ về “họa từ miệng mà ra” nhiều không kể hết, nhẹ thì đắc tội với người khác, nặng thì mất mạng. Ví như câu chuyện viên thầy thuốc của Triệu Vương.
Một lần, Triệu Vương vì ngã ngựa mà bị thương nặng. Một vị thầy thuốc nói rằng, Triệu Vương cần phải dùng máu của người sống ngàn năm mới chữa khỏi được. Thế là Triệu Vương lập tức ra lệnh tìm và giết một vị phương sĩ (người tu đạo thời xưa) để lấy máu. Phương sĩ này quá sợ hãi, chứng minh rằng mình không phải phương sĩ, chỉ là đồn thổi vậy thôi. Nhưng Triệu Vương không tin lời phương sĩ này, cho rằng ông ta chỉ vì bảo vệ mạng của mình mà nói dối như vậy nên vẫn ra lệnh giết. Chỉ vì một câu nói của vị thầy thuốc mà một phương sĩ đã mất mạng.
An thủ lời nói không phải là không nói gì, mà là cần xét xem lời nào nên nói thì nói. Lời nói phải chậm rãi, trước khi nói cần phải suy nghĩ, không được nói hàm hồ, lung tung mà hại mình hại người.
An Hòa/trithucvn
Có thể bạn muốn xem
Gặp Nàng thơ thuở ấy tại Đường sách TPHCM
Đo đam mê – Tìm sự nghiệp
Điều làm nên sự khác biệt giữa các loại trà
Muôn Nẻo Thương Đau: Sài Gòn Những Ngày Tháng Không Thể Nào Quên
Hàng loạt bộ sách đồ sộ cùng ra mắt
Quán Thủy Thần
Lối Sống Tối Giản Khi Nhà Có Con Nhỏ
Tổng thống Pháp gặp gỡ nhà xuất bản Việt Nam
Mật mã sự sống