Sáng hôm ấy khi tốp lính đi qua bản Sàng Kheo, thấy cô bé lấp ló sau nhà, ngôi nhà nằm trông ra đường cái như chơi vơi trong sương sớm, tôi tụt lại đi sau cùng, nhìn em trách: “Sao tối qua không ra?” Em bướng bỉnh: “Sáng qua gặp không thấy nói gì” và dúi cho tôi 2 cây thuốc lá (quấn) bọc cẩn thận trong túi nilon.
Trước khi ra quân, tôi được lệnh của tiểu đoàn: chỉ huy 1 tiểu đội lính hết hạn nghĩa vụ quân sự đi khai thác vầu (nứa to). Chúng tôi tiến sâu vào rừng rậm hướng tây nam của huyện Thạch An, Cao Bằng. Tôi chọn địa điểm và nhanh chóng chặt cây chẻ nứa làm một chiếc lán tạm lơ lửng bên vệ đường. Người đi kiếm rau rừng, người đào bếp nấu cơm. Ăn xong khoảng 5h chiều thì trời bắt đầu mưa. Cơn mưa rào đầu mùa hạ sầm sập ập xuống như trút giận dữ. Bảy người chúng tôi, ba lính Hà Nội cùng bốn lính Bắc Thái đang run rẩy che đồ dùng, lương thực bằng những miếng nilon. Sau khi gió giật tứ phía làm chúng tôi ướt hết, cơn mưa trở nên dai dẳng suốt đêm. Tôi nằm hút thuốc nhớ lại quãng thời gian từ khi đi lính.
Tháng 2/1983, chúng tôi – lứa quân đầu tiên mà sư đoàn bộ binh 311 tuyển quân – là người Hà nội cùng với 2 sư đoàn nữa có nhiệm vụ trấn giữ tỉnh Cao Bằng chống lại cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của quân bành trướng Trung cộng. Khỏi phải nói gian khổ ra sao, tôi chỉ muốn kể lại một câu chuyện nhỏ của mình bên lề cuộc chiến biên giới.
Trượt đại học, khoác ba lô lên đường với một tâm hồn mơ mộng, không người yêu đưa tiễn sụt sùi, bỏ lại sau lưng là một xóm nghèo cạnh nhà thờ Thái Hà, tôi như bị cuốn vào một cuộc sống khác, phải rèn luyện các kỹ năng để tồn tại.
Sau thời gian tân binh, tôi về D13 pháo 76,2 ly đóng quân trong một thung lũng chân đèo Khau Khoang cạnh đường 4a đoạn giữa thị trấn Đông Khê và thị xã Cao bằng (cách Đông Khê hơn 20 km). Khi làm liên lạc cho C3 là khoảng thời gian tôi học được nhiều thứ nhất. Đại đội trưởng, anh Hùng “sủi” người dân tộc Tày cứ muốn tôi có thể chỉnh được pháo bắn khi cần nên dạy tôi rất nhiều thứ. Tôi rất thích các bài học trinh sát luồn rừng, cắt phương vị, xóa dấu vết, lập đài quan sát, v.v… vì được từ trên cao lia ống nhòm vào các bản làng, cảnh vật trên này đẹp mê hồn, những ngôi nhà sàn gỗ lim đen bóng lợp ngói âm dương nép mình vào bóng cây sườn núi, cái cuộn nước như chiếc chong chóng khổng lồ cần mẫn quay bên những con suối hiền hoà, vào những chiều đông mây khói giăng lãng đãng. Tôi như đứng trong bức tranh thủy mặc lòng nao nao buồn vô cớ, các cô bé trên này nhìn đám lính thành phố bằng ánh mắt tò mò, rụt rè. Lúc rảnh, chúng tôi hay tụ tập chè thuốc và đàn hát với nhau.
Vào mùa khô là lúc vất vả nhất, khi ấy quân địch liên tục đánh phá và lấn chiếm các cao điểm của ta, tiểu đoàn phải chia nhỏ các đại đội phân tán đi các nơi để trấn giữ các vị trí trọng yếu hoặc yểm trợ cho các cao điểm.
Mùa mưa năm 1984, căn cứ doanh trại đơn vị tôi chuyển về cách thị trấn Đông Khê 5 km về hướng thị xã Cao Bằng. Chỗ này trước thuộc tiểu đoàn tăng, tôi làm quân khí đại đội (giữ và cấp phát súng đạn) ở cùng ban chỉ huy C2, nhà tận dụng làm trên nền đất có sẵn của dân bỏ đi (sau này tôi mới biết lý do là có ma) có một vị trí mà anh chỉ huy đóng cọc kê phản rồi nhưng không ngủ được. Tôi vì lười làm chỗ ngủ nên lấy luôn chỗ đó nhưng cũng không tài nào nằm được, cứ chợp mắt là bị bóng đè. Trưa hôm đầu tiên, tôi vừa nằm xuống mơ thấy bị kéo chân khi vượt sông Bằng Giang. Lần thứ hai bị bóp cổ sặc sụa toát mồ hôi đầy người, tôi vùng dậy trấn tĩnh uống nước. Gian bên cạnh, anh Từ Hà Nam vẫn ngáy êm ả. Lần thứ ba, vừa thiu thiu thì bị một người nghiêng phản hất tôi xuống đất. Tôi ú ớ kêu lên ôm chăn màn sang nằm chung với anh Từ. Có sáng, anh Giáp Thái Bình bảo: “Đêm qua tao trùm chăn thì thấy có người bước đến kéo chăn xoa vào mặt”… Rồi chúng tôi lại cơ động lên xã Lê Lợi để yểm trợ cho hướng Tràng Định. Tôi hay phải đi đi về về giữa doanh trại và trận địa pháo, luồn rừng trong đêm là chuyện hàng ngày, khi về doanh trại chúng tôi hay vào một quán cạnh tiểu đoàn bộ.
Em khi ấy vẫn là một cô bé chạc 13-14 tuổi giúp mẹ bán hàng, Em rất đảm đang trong công việc gia đình, mỗi tối thường ngồi bên bếp lửa với đôi mắt đen láy sâu thẳm nghe đám lính tán đủ mọi chuyện, thời gian lúc đó cứ như ngừng trôi, chúng tôi đếm từng giờ mong ngày về, không tiền nên chúng tôi đều có tên trong quyển sổ nợ của quán, và chỉ được mua chịu với số tiền tương đương với phụ cấp của mình.
Từ hồi học cấp 2 trái tim tôi luôn mở ra các ngăn để chứa đựng hình ảnh các cô gái, sau một thời gian dệt mộng đơn phương lại chuyển sang cô khác, khi đội văn nghệ của tiểu đoàn được giải nhất sư đoàn tôi được thưởng về tranh thủ một tuần. Không đủ thời gian để xây một cuộc tình với người em xóm đạo, tôi trở lại đơn vị với tâm thái buồn bã, tối đến thường trốn sinh hoạt ra quán nhà em uống rượu giải sầu, mỗi khi bài Gimme Gimme nổi lên là chúng tôi lại say sưa giật disco bên chiếc cát xét “cục gạch” chạy bằng ắc quy.
Chỉ có tôi là có thể ghi nợ bất kể lúc nào và không phải trả vì đã được em xoá vào cuối tháng. Một lần áy náy vì nợ nhiều tôi không muốn ra quán nữa. Long hàng đào nói: “Cô bé lớn rồi, chú mà không ra nữa nó yêu thằng khác thì bọn này mất nhờ”. Hôm đấy tôi nhìn em lâu hơn. Ô mới hôm nào khi tôi được gọi từ trận địa về tiểu đoàn tập văn nghệ em còn là một cô bé, qua mùa tết năm nay em trở thành thiếu nữ, dáng người dong dỏng như một cành hồng kiêu hãnh vươn cao với hai đài hoa ngát hương e ấp nở, trong ánh lửa chập chờn tôi cản người túm lấy vạt áo em giật nhẹ, cảm giác mát lạnh trong lòng bàn tay từ chiếc áo xa tanh cổ lá sen. Em không gạt tay tôi mà lại che miệng cười khúc khích, tôi hẹn nhỏ: “Tối mai 8h anh đợi ở gốc cây gạo sau nhà nhé”. Em khẽ trả lời: “Vâng ạ!”
Sáng hôm sau tôi lên tiểu đoàn nhận lệnh thì gặp em gánh nước từ khe suối đi lên, tim tôi loạn nhịp mải ngắm nhìn em. Chà! Cô bé xinh quá: đôi môi mọng đỏ, đôi má ửng hồng, đôi mắt đen láy, đôi tay thon thả, đôi chân thướt tha, đôi… chưa kịp nói gì thì em đã gật đầu chào rồi đi qua, làm tôi bị “leo cây” tối hôm đó đợi mãi bên gốc gạo. Chúng tôi dậy rất sớm nấu cơm một lần cho cả ngày rồi vào rừng chặt nứa.
Công việc của 20 ngày thì chỉ 2 tuần là xong. Mai hàng chiếu ở lại trông còn chúng tôi rút về đại đội, tôi căn giờ em học trưa về tạt vào nhà em, thoáng không thấy ai tôi bạo dạn cầm tay em, cô bé run rẩy vịn vào vai tôi nói khẽ: “Bố đang ngủ trong buồng”. Tôi cười nói đùa: “Tối nay không ra anh đốt nhà”. Em đưa tôi quyển sổ bìa mực tím nhìn tôi tha thiết: “Anh viết lưu bút và chép cho em mấy bài hát mà anh thích, giờ là mùa mưa không hẹn được đâu”. tôi thở dài thầm trách số phận: đến gần lúc ra quân mới có người yêu mình, hay là ở lại? Nếu tôi đồng ý thì sẽ được anh An nhấc lên đội tuyên văn sư đoàn, nhưng cùng phải tập trên đó để về quân đoàn hội diễn, không gần em thì cũng vô nghĩa. Tần ngần lật trang giấy trắng như cuộc đời hai chúng tôi vậy, trong đêm mưa rừng tầm tã tôi thắp đèn thông phong nắn nót viết:
Huyền! Vậy là chỉ còn vài hôm nữa là anh ra quân, nhớ ngày nào mới chuyển về đây em còn là một cô bé, gọi anh bằng chú, giá ngày đó em đã người lớn như bây giờ thì mọi chuyện đã đổi khác, sau hơn ba năm ở đây anh vẫn thường mơ một ngôi nhà bên bờ suối với vườn hồng bao quanh, chiều chiều đàn hát bên cạnh người yêu đang ngồi hong tóc hương bưởi,anh định đi học sỹ quan để gắn bó mãi nơi này, có lớp quân nhu, anh xin đi thì anh chỉ huy cực lực phản đối nói: “Tính mày bạt mạng không quản lý kinh tế được”. Thực ra anh rất yêu vùng đất và con người nơi đây, những cô gái chân thật nghĩ sao nói vậy… Giờ thì không được nữa rồi, anh phải về nơi anh sinh ra, về nơi xa lắm, về với hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp, về thủ đô mà tương lai cũng mù mịt như đêm tối lạc trong rừng lạ vậy… Đường xa trắc trở biết ngày nào gặp nhau… Mong em ở lại chân cứng đá mềm đời nhiều may mắn,gặp được người tốt, yêu em hết lòng như em đã yêu… Lính nghèo chỉ biết chép tặng em bài hát: Mai Anh Đi, chưa một lần được hát cho em nghe:
Mai anh đi rồi bé có buồn không?
Mai anh đi, nhớ bé vô cùng,
Nhớ đôi mắt buổi chiều nghiêng bóng xế,
Nhớ môi cười áo trắng tung bay
…
Mai anh đi rồi bé có buồn không?
Mai anh đi rồi buồn chết trong lòng!
Có lẽ ông trời đã cạn nước mắt cho nên đến hôm trước ngày ra quân thì tạnh ráo, người tôi nôn nao suốt từ sáng, mang cây đàn tặng cho một chiến hữu ở lại tôi ngồi chờ trời tối. Không đợi đến sáng hôm sau đám lính Hà Nội được ra quân đợt ấy đã lấy quyết định và rời khỏi đơn vị từ đầu giờ chiều, lý do là đến mùa mưa rồi mà bên kia biên giới quân bành trướng vẫn chưa lui binh, chúng đang thực hiện chiến dịch “mũi nhọn đuôi dài”. Các sư đoàn địch xếp hàng thay nhau lên đánh, lấy Việt Nam là nơi hủy pháo đạn hết hạn sử dụng. Đơn vị vẫn ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu, nếu chuyển cấp báo động thì sẽ cấm trại không ai được ra ngoài. Tôi hẹn mọi người sáng mai cùng bắt xe ở Đông khê, vì tối nay còn gặp em, ép bông hoa rừng vào giữa quyển sổ ôm chặt trong ngực áo toàn thân căng như dây đàn; đợi kẻng sinh hoạt 19h, dắt con dao lá lúa vào gót chân tôi biến mất vào bóng đêm…
Hơn 15 năm, sau khi ly hôn và trải qua vài ba cuộc tình, thỉnh thoảng trong những đêm trường nghiệt ngã của cuộc đời tôi lại nhớ đến em. Phải, chỉ có em là người yêu tôi nhất, không suy tính,vượt lên tất cả, can đảm cưu mang, đùm bọc tôi trong những giai đoạn khốn khó… Trong ê chề tiếc nuối tôi quay lại tìm em. Cuối xuân năm ấy tôi cùng Phúc râu và Long hàng đào mượn chiếc xe Mê Kông đi theo đường Bắc Cạn qua thị xã Cao Bằng rồi xuôi theo đường 4a.
Cao Bằng giờ đổi thay quá, khắp nơi toàn karaoke và nhà nghỉ, ngất ngư men rượu chúng tôi đi tìm bà Tú bán hàng xén trong chợ có 2 người con chạc tuổi chúng tôi – Vinh và Hoa nhà ở phố vườn Cam. Đây là địa chỉ cho chúng tôi ăn, ngủ nhờ khi trốn đơn vị lên thị xã chơi. Tìm anh Minh Hải dương lấy vợ ở Nà phía… nhưng không gặp được ai cả.
Về gần tới đèo khau Khoang thì cảm xúc trào dâng đến tột cùng. Nơi đây năm xưa rừng cây rậm rạp xanh mướt ngút ngàn giờ đã bị đốn sạch, dọc đường đi núi đồi nham nhở các công trường thăm dò khai thác khoáng sản, lần theo vết cũ tìm lại khe suối mà trưa nào tôi hay trốn ra đây một mình tập ném dao, chỉ còn lại vũng nước đọng lại sau cơn mưa, soi bóng mình nhoè nhoẹt, tôi ôm mặt khóc. Ôi ! Còn đâu chàng lính trẻ đất Hà thành năm nào, tay súng tay đàn dọc ngang một miền biên ải ! Đi hơn chục km nữa dưới chân con dốc bên tay phải là nhà em. Đón chúng tôi là đôi vợ chồng trẻ ngoài 20 tuổi và ba đứa bé lít nhít, hỏi gì cũng: “khôn piết, khôn piết”, hỏi người già cách đấy một đoạn thì được trả lời: “hết chiến tranh, chuyển đi lâu rồi, không khi nào thấy về vớ”…
Cảnh cũ hoang tàn, người xưa chẳng thấy, tôi đứng chết lặng nhìn chếch sau nhà em hướng 10h cách 300m vẫn thấy cây gạo năm ấy cô đơn đứng cúi đầu, trời sắp tối tiếng trâu gõ mõ lục tục về chuồng, mưa lất phất bay, khói lam mờ mịt, xa xa có tiếng hát lượn tôi hít hơi định đáp lời nhưng cổ họng nghẹn đắng. Ngày ấy tôi đã thuộc mấy điệu hát sli của trai bản, tiếng Tày nghe nói cũng tàm tạm, bắn nỏ và chơi “Lạy cỏ” uống rượu rất siêu, chỉ thiếu chiếc áo chàm và em đi bên cạnh là sẽ thành người con của núi rừng. Thẫn thờ bước một đoạn nữa: xưa đây là hồ Nà Vàng nước trong như gương chảy từ trong hang ra, mùa thu năm 84 tôi và trung uý Nam sáng sáng chạy ra đây chui vào tắm tiên… Giờ đây lòng hồ nứt nẻ khô cằn… Men vào dệ núi tôi nhắm mắt tìm hương hoa rừng, đây rồi: loài hoa cánh trắng được ví như những giọt nước mắt em:
Kim anh trắng nở nơi sương gió
Hương núi rừng Huyền ảo đắm say
Em bặt tin xa từ dạo nọ
Anh về tìm, phố núi mưa bay…
Sau chuyến đi ấy tôi cố hỏi thăm các đồng đội ra quân sau này nhưng không ai biết nhà em đã chuyển đi đâu, có người nói hình như dỡ nhà chuyển về Thái nguyên. Cũng gần 20 năm nữa sắp trôi qua.
Kể từ sự kiện 17/2/1979, Đặng Tiểu Bình cho quân sang tàn sát sáu tỉnh biên giới Việt Nam, chúng còn đánh ta thêm 10 năm nữa, đến nay đã tròn 40 năm, quan hệ ngoại giao hai nước cũng thay đổi. Đã từng có lúc không ai nhắc đến cuộc chiến ấy nữa, nhưng với chúng tôi, những người lính biên giới của thập niên 80 thì tiếng súng ngày nào vẫn còn vang vọng trong ký ức, những kỷ niệm của đoạn đời trẻ trung nhất mãi không mờ phai. Tôi thật may hơn mọi người vì có em. Em như bếp lửa hồng trong đêm đông buốt giá để năm ấy tôi sà vào sưởi ấm sau những chuyến quân hành đói khổ… Nhớ về tuổi trẻ, về vùng biên cương xanh thắm một thời lại nhớ đến em, nhớ đến loài hoa dại sắc trắng trong ấy, có nhiều đêm trong mơ vẫn thấy tiếng cười lảnh lót của em vang vọng nơi núi rừng, tôi thầm gọi: “Huyền! Em đang ở đâu?”
30 Tết Kỷ Hợi
Danny
Nguồn: trithucvn
Có thể bạn muốn xem
Đền Đồng Long – 東隆宮 – Dong Long Temple
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung ra mắt tuyển tập 300 bài hát thiếu nhi
Miền sương tản phố
Học Bổng Lãnh Đạo Glik Và 22.000 Dặm Diệu Kỳ
Tác giả ‘Chạng vạng’ lấn sân sang sản xuất phim truyền hình
Nguyên Tắc Củ Cà Rốt
Cuộc thi viết “Trang sách thay đổi đời tôi” năm 2023
Lớn lên sẽ khác
Hồi ký cựu Tổng thống Hàn Quốc: Ghế ngồi Thủ tướng