Đạo diễn phim “Gái nhảy” cho rằng việc gây chú ý cho mỗi cuốn sách không có gì xấu. Vấn đề là sự gây chú ý đó có hợp lý hay không.
Sau truyện dài Anh không là con chó của em, đạo diễn Lê Hoàng đánh dấu tuổi 60 của mình bằng tác phẩm Donald Trump và cô bé Sài Gòn. Đạo diễn phim Gái nhảy tự nhận đây là tác phẩm vô tiền khoán hậu trong con đường văn chương của mình. Và tiểu thuyết này dành cho những độc giả thích loại sách fiction, giàu tưởng tưởng, chấp nhận hư cấu tuyệt đối.
– Mỗi năm ra mắt một cuốn sách, hình như thời gian qua anh chán phim ảnh, tập trung cho nghề viết nhiều hơn?
– Trong năm vừa qua tôi làm tới 2 phim một lúc, cùng với đó là viết sách. Nhưng suy cho cùng thì điều quan trọng là sách ấy là sách như thế nào chứ đâu phải sách viết trong bao lâu hoặc viết trước và sau việc gì.
Tôi không hiểu bên văn học định nghĩa từ “sung sức” cụ thể là sao nhưng nhìn chung tôi thấy người viết nước mình cực kỳ lười, cực kỳ hay kêu ca, cực kỳ chậm và cực kỳ giống nhau. Kết quả là ra nhà sách người đọc chỉ thấy toàn những tạp bút, những mẩu viết lăng nhăng ngôn tình. Yêu đương thế này, thất tình thế khác…
Có người thì tập hợp những bài viết rời rạc trên các báo lại thành sách. Nền văn học mở ra chỉ toàn những mẩu, những bi luận ngôn tình như thế chỉ đáng vứt đi.
Đạo diễn Lê Hoàng phản đối sách mỏng với những câu chuyện bi lụy.
 
– Bản thân anh cũng có những tuyển tập đã được xuất bản đấy thôi, như “Thư của bà vợ gửi cho bồ nhí” chẳng hạn?
– Tôi chẳng bao giờ coi việc tập hợp các bài báo thành sách là tác phẩm. Nó cũng giống như việc bạn không thể tập hợp những món quà vặt bày lên bàn rồi bảo đó là bữa tiệc.
Vì thế tôi rất buồn cười, rất kinh ngạc và nói thực là rất cáu khi thấy có những người viết ở nước ta in ra mấy tập sách theo kiểu tổng hợp các bài báo đó, cái bài thì khác nhau nhưng bên trong rất nhiều bài trùng nhau. Nghĩa là họ bán cho độc giả một món tới vài lần. Trong chừng mực nào đó, như vậy là lừa đảo.
– Vậy theo anh cuốn sách phải dày, ngồn ngộn thông tin thì mới là sách có giá trị?
– Không phải, mỏng hay dày mà là tư tưởng chứa đựng trong đó. Tuy nhiên, đúng là có một thực tế là khi ta viết về một đề tài nào đó cẩn thận và đầy đủ thì số chữ phải nhiều.
Cứ ra hiệu sách mà xem, hầu hết sách văn học Việt Nam hiện nay đều vô cùng mỏng, đặc biệt là văn học dành cho giới trẻ thường chỉ trên dưới hơn 100 trang. Rất nhiều khả năng như vậy là sơ sài. Văn hóa đôi khi phải có một số lượng nhất định, mới đảm bảo được một chất lượng nhất định. Không thể có một nền điện ảnh toàn phim ngắn cũng như không thể có một nền văn học toàn tác phẩm ngắn.
 
– Ở tác phẩm mới nhất, anh đưa Donald Trump đến Việt Nam, đó là một câu chuyện dài và hoàn toàn hư cấu. Ý tưởng đó đến với anh thế nào?
– Cần gì vấn đề phải thật. Điện ảnh Mỹ đứng đầu thế giới mọi người có biết tại sao không? Tại vì đa số phim bom tấn của nó là phim viễn tưởng. Cả nhân loại đều xem chiến tranh giữa các vì sao, mặc dù nhiều người chưa tự bay lên khỏi mái nhà.
Văn học không phản ánh hiện thực. Văn học phản ánh những suy nghĩ về hiện thực. Văn học không cần miêu tả cái có thật, văn học chỉ cần miêu tả ước mơ có thật.
 
– Nhưng đọc tác phẩm của anh, nhiều người nhận xét cảm giác “mệt” vì anh dùng nhiều ẩn dụ và tham trưng trổ kiến thức?
– Những ai thích ngủ gật thì đừng đọc sách Lê Hoàng. Thiếu gì những những thứ khác để họ chọn. Nhưng độc giả sẽ mua cuốn sách này, nếu như họ muốn làm tổng thống và nếu như họ nghĩ rằng gặp tổng thống, mình vẫn có giá trị riêng.
– Cách anh chọn nhân vật Trump trong tiểu thuyết khiến nhiều độc giả thắc mắc. Nhiều người cho rằng anh dùng tên Tổng thống Mỹ để gây sự chú ý cho sách mới?
– Thứ nhất không phải tôi chọn Trump mà nước Mỹ chọn ông ấy. Thứ hai gây chú ý cho sách không có gì xấu. Vấn đề là sự gây đó có hợp lý trong câu chuyện hay không?
Nếu như không phải Trump mà là một Tổng thống Mỹ bất kỳ nào đó thì người ta chắc cũng ngạc nhiên với cuốn sách ấy như vậy thôi. Bởi vì họ không có thói quen đặt vấn đề kiểu ấy. Họ không bao giờ tưởng tượng ra chuyện một nữ sinh lại cứu giúp được một nguyên thủ quốc gia.
Trí tưởng tượng của mọi người, dù chẳng ai cấm, chẳng ai ngăn và chẳng ai hạn chế cũng đã bị thui chột, nghèo nàn, què quặt và công thức bao nhiêu năm nay rồi. Tôi xin nhắc lại rằng không có trí tưởng tượng thì không có nghệ thuật. Không có nghệ thuật thì không có văn hóa đỉnh cao.
Nhân vật trong sách mới của Lê Hoàng là Tổng thống Donal Trump.
– Vì sao anh lại chọn câu chuyện về một người nước ngoài mà không phải câu chuyện đậm đà bản sắc Việt Nam?
– Xin hỏi lại điện thoại di động của Tây hay ta? Phần lớn phim đang chiếu rạp của Tây hay ta? Phát minh ra Facebook là Tây hay ta? Bạch Tuyết và bảy chuối lùn là tây hay ta? Gấu trúc Kungful là phim tây hay ta? Những gì nhân bản chẳng có tây hay ta, chỉ có dở hoặc hay.
– Nghe nói viết sách anh phải đóng cửa, không giao du với bạn bè. Thời gian tách mình ra khỏi thế giới để viết cuốn sách là bao lâu?
– Tôi viết cuốn này trong 24 ngày. Tất cả những người viết sách thật sự đều không thể làm gì khác khi viết chưa xong. Còn giao du với bạn bè xưa nay tôi hầu như không. Nếu định nghĩa giao du là ngồi cà phê hay nhậu nhẹt. Tôi cho rằng thứ giao du đấy làm con người ta hỏng bét và đang giết xã hội.
– Những đầu sách của Lê Hoàng thường được dựng phim. Cuốn sách này, cũng sẽ được chuyển thể làm phim chứ?
– Cuốn này rồi cũng sẽ làm phim thôi. Nhưng lúc nào và ai làm thì tôi chưa đoán được.
Donald Trum và cô bé Sài Gòn là câu chuyện về Phạm Ngọc Lưu Ly hay Ly Cún – một cô bé 17 tuổi đang học lớp 12, xinh xắn và thông minh. Vì giỏi tiếng Anh, cô bé làm thêm công việc dọn phòng ở một khách sạn năm sao.
Một lần, Lưu Ly phát hiện ra vị khách ngụ trong căn phòng cô đang làm là tổng thống Donald Trump. Thích tính tình hồn nhiên và sự thông minh của Lưu Ly, Trump đề nghị được kết bạn với cô. Trong vai một người Ấn Độ, tổng thống Trump đã cùng cô gái Sài Gòn trải qua nhiều hành trình ly kỳ tại Việt Nam cũng như Hoa Kỳ.
theo Bích Hằng/Zing.vn