Edison với máy ghi âm đầu của ông năm 1878 (bản quyền ảnh: THOMAS Y. CROWELL) |
Gần đây ở Việt Nam tôi thỉnh thoảng vào một nhà riêng hay nhà hàng trang trí đẹp và nhìn thấy một máy quay đĩa cũ với một loa kèn to tướng. Hiện nay cũng có một phong trào tìm lại các đĩa hát cũ và hiếm.
Tôi mới bắt đầu tìm hiểu đến nền âm thanh thu thanh của xứ Việt trong quá khứ lúc tôi được mời tham gia một công trình sưu tầm và xuất bản một số bản âm nhạc được thu đĩa ngày xưa ở xứ Đông Nam Á. Kết quả của công trình này là bộ sách, đĩa với chủ đề Longing for the Past: The 78 Era In Southeast Asia (Dust-to-Digital, 2013).
Thực ra thông tin về ngành kinh doanh sản xuất đĩa hát ở Việt Nam cũng hiếm. Các bài và sách nhạc sử cho rằng nhạc Việt được các công ty quốc tế khai thác ghi âm từ những năm 1920. Nhưng các công ty quốc tế lớn Châu Âu và nước Mỹ đã cố mở thị trường cho các máy quay đĩa và đĩa hát từ rất sớm và xứ Việt không phải một ngoại lệ.
Qua các máy vi tính, điện thoại, loa to, ống nghe nhỏ âm thanh được thu và phát lại là một việc rất bình thường trong đời sống mỗi người bây giờ. Nhưng 150 năm trước thi chưa có ai tưởng tượng đến khả năng ghi lại âm thanh. Kỹ thuật bắt đầu có với sáng kiến của Thomas Alva Edison là một máy ghi âm gọi là phonograph. (Chữ này gốc từ tiếng Hy Lạp – phono nghĩa là tiếng, graph nghĩa là ghi).
Máy này ghi âm thanh trên mặt ống xi lanh rỗng được gắn trên cây cần tròn. Âm thanh được ghi trên mặt ống xi lanh bằng một cây kim và cũng được phát lại với một cây kim. Chiếc máy chưa kèm loa này ghi trên một ống xi lanh và cũng phải quay bằng tay. Trong những năm sau thì Edison và nhiều nhà sáng chế khác phát triển máy này cho kêu rõ và vững chắc hơn.
Nhờ kỹ thuật đơn sơ này người Việt được ghi âm lần đầu tiên đầu thế kỷ 20. Hiệp hội Nhân học (Société d’anthropology) đã thu âm những người Việt đến dự Hội chợ Thế giới 1900 ở Paris trong việc thực hiện một Bảo tảng Đĩa hát (Musée phonographique). Trong 388 ống xi lanh của các dân tộc đến dự Hội chợ cũng có 14 xi lanh của dân tộc “Annamite.”
Thông báo và Ký ức của Hiệp Hội Nhân học Paris số 3 (1902)
(Bản quyền hình ảnhBULLETINS ET MÉMOIRES DE LA SOCIÉTÉ D’ANTHROPOLOGIImage)
Người thực hiện công trình này là thành viên của hội, bác sĩ Léon Azoulay. Ông chủ trương việc sử dụng máy thu thanh để sưu tầm cách nói, đọc, đối thoại, câu chuyện, bài hát và nhạc đàn của các dân tộc. Ống xi lanh đầu trên danh sách ở trên ghi 6 thứ dấu của tiếng Việt (“Les 6 tons“).
Joseph Vita Viterbo là người tổ chức công việc này. Ông là một cựu chiến binh Pháp đến Việt Nam năm 1885, người từng lập ra một xưởng ở Hà Nội (có lẽ là xưởng đầu tiên) sản xuất ren dệt, đồ thêu, vật trang sức. Xưởng của ông cũng thuê độ 200 người Việt trong đó có nhiều thợ mộc chế biến bàn ghế xuất khẩu. Viterbo có vị trí lớn trong cộng đồng thực dân ở Hà Nội lúc bấy giờ. Ông từng làm thành viên của Phòng Thương mại Hà Nội (Chambre de commerce) và được cử làm thành viên hội động thành phố Hà Nội (Conseiller municipal).
Năm 1900 ông Viterbo và một số công nhân của xưởng ông được đến dự Hội chợ Quốc tế để sáng chế bản sao của một đình cổ ở Cổ Loa. Tôi nghĩ rằng ông chọn trong những nhân viên của ông để thu âm cho công trình của Hiệp hội Nhân học. Theo nghiên cứu của giáo sư Jann Pasler thì một người đàn ông tên “Ba” là giọng hát và giọng nói chính trên các ống xi lanh này. (từ bài “Sonic Anthropology in 1900” trong tạp chí 20th Century Music năm 2014 của bà).
Trong công trình thu thanh này ông Azoulay đã thu người đọc và phát âm một đoạn của sách Kinh Thánh là Dụ ngôn về đứa con hoàng (Phúc âm Lu-ca 11: 15 – số 185, “Enf.[ant] prod[igal] lu” [đọc] và “syllabisé” [phát âm]).
Hai bản âm thanh này chứng minh công trình này tập trung vào ngôn ngữ học. Nhưng ông Azoulay cũng đã ghi một vài đoạn âm nhạc ngắn. “Déclamation théâtrale du guerrier Hang-Wou” [Sự ngâm nga sân khấu của Hán Vũ Đế?] chắc được trích từ một đoạn hát tuồng.
Các chuyên gia về nhạc truyền thống và biết nhiều hơn tôi nên nghe và phân loại các bản ghi âm sau. Có một bản ghi tên “Chant populaire d’amour de Tui Kiéo” (Tình ca dân gian của Thúy Kiều?) nghe như ngâm thơ kiểu hát chèo. Giọng phát âm của người ngâm không được rõ thì rất khó nắm bắt được từng lời. Mặc dù được đặt tên Tui Kiéo/Thúy Kiều tôi không nghe được câu thơ nào của thi ca Nguyễn Du.
Song lẻ cũng có một bản khác với một phụ nữ ngâm bản “Conte pour endormir les enfants (chanté et épelé)” (Câu chuyện để ru con (hát và phát âm). Bài ru con này xen kẽ chữ Truyện Kiều vào lời ngâm.
Chỉ có hai bản nhạc không lời được ghi âm trong công trình năm 1900. Thứ nhất là “Deux airs populaires de fête sur flûte à 6 trous” (Hai giai điệu dân gian của ống sáo 6 lỗ tay), thứ hai là “Deux airs populaires de fête au violon / vièle à 2 cordes” (Hai giai điệu dân gian lễ hội của đàn nhị).
Đại đa số các bản ghi âm được thu từ Hà Nội giới thiệu với lời tiếng Pháp “Tonkin Hanoï,” nhưng có một bản “Chant populaire de l’amour” với lời giới thiệu “Tonkin Bắc Ninh” và một bản khác với lời giới thiệu “Cochinchina Saïgon.“
Máy ống xi lanh đầu thế kỷ 20 của hãng Columbia Graphophone
(Bản quyền hình ảnhTALKING MACHINE WORLD FEBRUARY 15 1906)
Kỹ thuật ghi âm thanh năm 1900 chưa được hay và chuẩn, và các người được ghi trên ống xi lanh này có lẽ không được coi như nghệ sĩ xuất sắc. Nhưng các bản ghi âm là như một viên nang thời gian để biết chút ít về sinh hoạt văn nghệ người Việt (chủ yếu là người Hà Nội) và Hiệp hội Nhân học thu thanh hơn 100 năm trước đây. Lâu năm các bản âm thanh không được nghe ở Việt Nam. Hơn một trăm năm các ống xi lanh này chỉ nằm trong kho của Centre de rechérche en ethnomusicologie. Rất đáng mừng là họ thu lại và chia sẻ các bản ghi âm này cho mỗi người.
Mặc dù là phương tiện đầu tiên để thu và giữ lại âm thanh của người Việt ngày xưa, hình như kỹ nghệ thu thanh bằng ống xi lanh không bao giờ được phổ thống ở Đông Dương. Năm 1902, hai công ty Pháp sản xuất máy ống xi lanh là Compagnie générale des phonographes, cinématographes et appareils de précision của hãng Pathé và Thibouville-Lamy et cie. có mặt tại Exposition de Hanoi để giới thiệu máy này. Năm 1905 mới có hai tiệm ở Hà Nội bán máy phonograph Pathé và ống xi lanh của nhạc Tây cho người Pháp nghe là tiệm Boilot ở rue 26 Paul Bert (phố Tràng Tiên) và tiệm Léon Chanson ở 132 Route de Grand Bouddha (đường Quán Thánh) là Café du Grand Lac (Quán Cà phê Hồ Tây).
Cùng thời đã có một thứ máy thu và phát lại khác được sáng chế và cạnh tranh với máy của Edison. Đó là máy quay đĩa, và lịch sử của đĩa hát ở Việt Nam thực sự bắt đầu từ khi máy này được vào xứ Đông Dương.
Tác giả Jason Gibbs, Tiến sĩ về Lý thuyết và Sáng tác âm nhạc từ Đại học Pittsburgh, Mỹ, chuyên nghiên cứu âm nhạc Việt Nam.
Nguồn BBC: http://www.bbc.com/vietnamese/42611585
Có thể bạn muốn xem
Lãnh đạo theo giá trị
Bộ sách Chuyện kể đêm giáng sinh
KHI TRƯỞNG THÀNH, TA “CHÔN KÍN” GÌ TRONG TIM?
Cuộc đời và sự nghiệp của tôi
Bí mật của hành trình hạnh phúc
Osho – Chính Thân Này Là Phật
Bản thảo 500 năm tuổi của một người hát rong
10 lợi ích của việc luyện viết thư pháp.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á ra mắt sách ngợi ca lực lượng Gìn giữ hòa bình