Khái niệm và các triệu chứng của rối loạn trầm cảm đang ngày càng trở nên quen thuộc hơn trong xã hội hiện đại, đặc biệt khi Internet và các mạng xã hội trở nên phổ biến hơn.

Mất kết nối: Khám phá các nguyên nhân thực của Trầm cảm và các giải pháp bất ngờ
Mất kết nối: Khám phá các nguyên nhân thực của Trầm cảm và các giải pháp bất ngờ

Vẫn còn đâu đó có người nghĩ rằng trầm cảm là một chứng bệnh của những tính cách yếu đuối, của những cơn buồn bã nhất thời, của những tưởng tượng của tuổi vị thành niên hướng nội. Thực tế, căn bệnh này ảnh hưởng đến 264 triệu người trên thế giới, và dần được công nhận là một vấn đề y khoa, giống bệnh tim hoặc tiểu đường.

Trong cuốn sách Mất kết nối: Khám phá các nguyên nhân thực của Trầm cảm và các giải pháp bất ngờ (Nhà xuất bản Thế giới), tác giả Johann Hari không chỉ giới hạn việc nghiên cứu về đề tài này thông qua tham khảo các tài liệu y khoa từ nhiều giác độ khác nhau, mà còn gặp gỡ trực tiếp thảo luận với các nhà khoa học tâm lý và tâm thần, cũng như các bệnh nhân trầm cảm để hoàn tất cuốn sách của mình.

Tác giả đã xác định được 9 nguyên nhân gây ra trầm cảm và lo âu. Trong đó, mất kết nối với công việc: không ai để ý rằng bạn đã nỗ lực như thế nào. Trong tình huống đó, tín hiệu bạn nhận được mình có tồn tại hay không cũng không ai quan tâm, và không ai quan tâm mình làm gì. Dù có kiên trì, nỗ lực đến đâu, bạn vẫn ngày càng bị tụt lại phía sau.

Mất kết nối với người khác: Khi mất kết nối với những người xung quanh, bạn sẽ chịu ảnh hưởng đến sức khỏe giống khi bạn bị béo phì – căn bệnh mà cho đến lúc đó vẫn bị coi là khủng hoảng sức khỏe lớn nhất đối với các quốc gia phát triển.

Mất kết nối với những giá trị ý nghĩa: Suốt hàng nghìn năm, các nhà triết học đã gợi ý rằng nếu bạn quá coi trọng tiền bạc và tài sản, hay nếu bạn nghĩ về cuộc sống chủ yếu theo cách bạn nhìn người khác, thì bạn sẽ không hạnh phúc.

Mất kết nối do những sang chấn tuổi thơ: Nếu từng trải qua 6 loại sự kiện sang chấn trong thời thơ ấu, khi trưởng thành bạn có khả năng mắc phải trầm cảm nhiều gấp 5 lần so với những người không gặp bất kỳ sự kiện nào. Nếu từng trải qua đến 7 loại sự kiện sang chấn khi còn nhỏ, bạn có khả năng cố gắng tự tử khi trưởng thành cao hơn 3.100%.

Mất kết nối với vị trí xã hội và sự tôn trọng: Xã hội của bạn càng bất bình đẳng thì tất cả các dạng bệnh tâm thần càng phổ biến. Sau đó, các nhà khoa học xã hội khác đã đi sâu hơn để xem xét cụ thể chứng trầm cảm, và phát hiện ra rằng bất bình đẳng càng cao thì trầm cảm càng nhiều.

Mất kết nối với thế giới tự nhiên: Từ lâu, người ta đã biết rằng tất cả loại vấn đề sức khỏe tâm thần, bao gồm cả những vấn đề nghiêm trọng như loạn thần kinh và tâm thần phân liệt, ở thành phố sẽ tệ hơn rất nhiều so với nông thôn.

Mất kết nối với một tương lai chắc chắn hoặc đầy hứa hẹn: Niềm tin về tương lai là thứ bảo vệ bạn. Nhưng khi niềm tin mất đi, bạn có thể cảm thấy như nỗi đau của mình sẽ mãi mãi không bao giờ nguôi ngoai. Vai trò thực sự của những thay đổi trong não bộ và gene: Các yếu tố di truyền góp phần gây ra trầm cảm và lo âu là có thực, nhưng chúng cần yếu tố kích hoạt trong môi trường sống hoặc trong tâm lý. Gene của bạn có thể cộng hưởng với các yếu tố đó, nhưng không thể tự tạo ra chúng.

Sau khi chỉ ra các nguyên nhân, Johann Hari dẫn dắt người đọc đến những “liều thuốc” hữu hiệu cho chúng.