101 tác phẩm trong tập thơ song ngữ mang tên “Mật thi” được viết bởi một người đã trải qua 2/3 cuộc đời khiến người đọc xúc động trong nín lặng.
Có lẽ đó cũng là cảm giác của Trần Quang Đạo khi anh đứng trước thiên nhiên, đối diện thế giới nội tâm mà không phải ai cũng đủ dũng cảm để bước vào.
Khi già đi, tâm trí và cơ thể con người bắt đầu suy yếu. Chính lúc này, trạng thái lo lắng và vô vọng tăng lên, đồng thời cảm giác hạnh phúc lạ kỳ cũng chợt ào tới. Chúng ta dễ dàng sụp đổ và trở nên cáu kỉnh, tuy nhiên đây cũng là thập kỷ huy hoàng chứng tỏ sự giàu có và bổ ích nhất trong cuộc đời.
Hơn 100 bài trong cuốn sách thơ Mật thi được Trần Quang Đạo đánh số thứ tự thay cho tựa đề. Tác giả giải thích: “Khi làm đến bài thơ đánh số thứ tự 100, tôi nghĩ những đứa con tinh thần của mình cũng giống như những người con của mẹ Âu Cơ – không đặt tên cho ai cả, để 50 người lên rừng, 50 người xuống biển…”.
Dịch giả Khánh Phương, trong quá trình chuyển ngữ Mật thi, đã “hóa thân nhập cuộc” đến ám ảnh mà mãi sau này, khó khăn lắm chị mới có thể thoát ra. Còn Bob Chee – biên tập viên của Nhà xuất bản Ukiyoto (Canada) – nhận xét: “Thơ Trần Quang Đạo thăm thẳm đẹp, lung linh buồn. Tứ thơ trùng điệp, bay bổng. Ý thơ sâu sắc, hun hút cuốn mình theo. Thơ Trần Quang Đạo không chỉ là thơ. Nó là sự đời giàu chiêm nghiệm”.
Thực tế, Trần Quang Đạo không chiều độc giả bởi những tứ thơ có nhịp điệu thuận tai, bản thân tác giả cũng thừa nhận “Tôi làm thơ không vần. Câu thơ dài ngắn, ngắt đoạn, chuyển ý tùy thuộc vào tâm trạng và sự vang âm hoặc lặng âm do con chữ mang đến”. Nhưng kỳ lạ, chính sự trúc trắc đó hút người đọc “đắm” vào Mật thi:
“Người tốt như sao sớm/ Đi trên đường đời/ thấy ai cũng chắp tay sau lưng/ họ đang giấu những cục đá?!…”
“Đêm đêm ta nhìn trăng và thức/ trăng vỗ về ta bằng những ngấn vàng…”
“Cây bồ đề thay lá/ tháng tư/ Những chú sẻ nâu vẫn về bên cây/ những ngọn gió vẫn về ru lá lớn/ nhà sư già ngồi tu/ đầu đội lá/ Những người thường đã bỏ đi/ cây không còn bóng mát…”
Dù tin hay không, nỗi buồn là điểm xuất phát của hành trình giúp ta trở nên hạnh phúc. Nửa sau cuộc đời đâu chỉ là diệt vong và u ám, ở đó Trần Quang Đạo thấy những lấp lánh của hy vọng. Một cuộc đời mới mở ra khi anh leo lên ngọn đồi cao vào lúc lưng lửng chiều để quan sát cây thông.
“Tôi ngẫm nghĩ, các cụ thông suốt đời phải lấy thăng bằng để đứng ở đây, lớn lên, tỏa bóng, yêu đời cất tiếng hát. Còn tôi thì nhiều khi thả lỏng, buông xuôi trong cuộc đời… Trong óc tôi có những giọng nói vang lên nho nhỏ nhưng không rõ tiếng, rõ nghĩa. Nó như một lời đọc kinh du dương từ đâu đó trong sâu thẳm vọng lại. Tôi nghĩ đó là những lời bí mật của cuộc sống mà ta phải khám phá…”, Trần Quang Đạo tâm sự về cách anh đặt bút viết Mật thi.
Mật thi giống như cây cầu mang tác giả từ thực tại trở lại quá khứ và từ những mảnh ký ức, anh tái tạo mối quan hệ với bản chất cuộc sống hằng ngày, những điều xảy ra ngay trước mắt, chỉ cần dành thời gian để quan sát, sẽ thấy.
“Chiếc hộp đựng kim chỉ một thời mẹ vá/ áo rách lại lành/ vá bữa đói bữa no/ nằm trong thùng đạn đựng đồ/ Cũ như đời mẹ/ tinh khôi trước mắt con…”
Không ít người khóc khi đọc thơ anh, biên tập viên Bob Chee cũng vậy. Nỗi buồn trong Mật thi dù ám ảnh nhường nào vẫn đưa người đọc đến với cảm giác thăng hoa khi họ thưởng thức những áng thơ đẹp.
“Trời lấy dần từng thứ/ ban cho ta trong đời/ Lợp đời ta trắng mái/ chỉ đường nẻo xa xôi/ Những gì ta phung phí/ trời lấy đi sớm rồi/ Lưng ta còng – trời uốn/ cho chiếc gậy đơn côi…”
Trần Quang Đạo trao cho đứa con tinh thần của mình một đời sống để rồi mỗi độc giả sẽ khoác lên nó từng tấm áo khác nhau, tùy cảm nhận của họ. Nhưng có một sự thật ai cũng phải thừa nhận: thiên nhiên không chỉ là lối thoát mà còn là một người thầy. Thiên nhiên dạy con người cách đứng lên, bám rễ bằng chính đôi chân của mình và tiếp tục kiên trì.
Chỉ cần quan sát các mùa thay đổi theo thời gian, hay một con chim bay ngang qua, một chú ong thợ đang gói những kho báu vàng rộm từ bông hoa hướng dương đều nhắc nhở rằng tất cả chúng ta là một phần của điều gì đó vĩ đại hơn chính bản thân mình.
Cũng như hạnh phúc, hành trình của chiêm nghiệm bắt đầu bằng những thứ gồ ghề, khó chấp nhận, song điểm cuối là cảm giác nhẹ nhõm, dễ chịu và không có chỗ cho nỗi sợ. Điều này có vẻ trùng hợp với cảm giác của Trần Quang Đạo khi anh hoàn thiện bản thảo Mật thi: “Làm xong tập thơ tôi thật sự vui mừng. Vì tập thơ này ra đời khi cả thế giới đang trong cơn đại dịch Covid-19 hoành hành và tôi đang bị bạo bệnh hành hạ. Giờ nó thuộc hoàn toàn về bạn đọc. Còn tôi phải đi lấy lại thăng bằng…”.
nguồn:https://znews.vn/mat-thi-va-loi-thi-tham-tu-doi-thong-post1491890.html
Có thể bạn muốn xem
Lượng tử và Hoa sen
Ishiguro kể chuyện ‘bế quan luyện công’ viết ‘The Remains of the Days’
Kiếm Lời Từ Một Trật Tự Thế Giới Mới
Lịch sử phát triển ngành xuất bản sách
Âm nhạc trong tiếng rao hàng của người Việt
Bí Ẩn Nữ Tính
Bổ Được Cà Chua, Mở Được Tiệm Cơm, Bật Được Nắp Chai, Mở Được Quán Nhậu
Điệp vụ săn mây trên đỉnh Phu Chee Fah: 1 bình minh 2 đất nước
Em yêu anh trong giai điệu ngày thường