Hồi 30 năm về trước, một thanh niên chưa đầy 20 tuổi có tên là Mathias Rust đã vượt qua được các chiến đấu cơ và công nghệ phòng không phức tạp nhất thế giới để đáp máy bay xuống chính giữa trái tim Moscow.
ảnh Getty Images |
Lúc đó là vừa qua 19:00 tối 28/5/1987 một chút. Moscow, thành phố lớn nhất của Đế chế Xô-viết, đang trong tiết xuân. Chiến tranh Lạnh đang ở thời kỳ căng thẳng nhất.
Một người phương Tây không dễ gì có thể đến thăm được Moscow, nhưng Tiến sỹ Robin Stott có bạn bè giữ những chức vụ cao; bạn ông, một bác sỹ chuyên về tim và là một nhà hoạt động vì hòa bình, là bác sỹ riêng của lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Stott khi đó đang dự một hội thảo hòa bình kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân. Cuộc hội thảo diễn ra không suôn sẻ.
“Các cuộc hội thảo hòa bình luôn là các mối quan hệ cứng rắn,” Stott nói. “Mọi người luôn đấu tranh về một cái gì đó.”
Stott chớp cơ hội để “hít thở chút không khí trong lành”, mang theo chiếc máy quay camera ra phố, dạo bước quanh khu vực Điện Kremlin và Quảng trường Đỏ.
Cảnh video ông quay cho thấy những mái vòm hình củ hành trên Thánh đường St Basil trong ánh sáng cuối ngày.
Quảng trường Đỏ hầu như vắng tanh, nhưng loáng thoáng có những tiếng nói lao xao, bởi những người Moscow đi ngang qua ông nói chuyện khá là ồn ã, vọng âm thanh vào trong máy quay.
Rust chọn Moscow làm nơi tạo ‘cầu nối hòa bình’ giữa Phương Đông và Phương Tây – ảnh Getty Images |
Có một chỗ chiếc microphone trong máy quay của Stott thu được tiếng rì rì của một chiếc phi cơ bay thấp.
Vài phút sau, cảnh quay được chuyển, cho thấy một chiếc phi cơ – chiếc Cessna loại một động cơ – bay là là sát mặt đất. Lại một lần chuyển cảnh nữa, và lần này chiếc Cessna đang lăn bánh ở rìa Quảng trường Đỏ. Chỉ trong giây lát, đám đông những người quan sát hiếu kỳ đã vây quanh nó.
Đoạn phim của Stott cho thấy người phi công – một chàng trai trẻ trông rất bình tĩnh, tự tin – cười với đám đông, và trong số đó rốt cuộc có một người hỏi chuyện anh bằng tiếng Anh.
Viên phi công đó là Mathias Rust.
Anh vừa một mình bay chiếc Cessna 172 của mình vượt qua được hàng rào phòng thủ chặt chẽ nhất thế giới, qua mặt cả hệ thống phòng không cực kỳ tinh vi, phức tạp.
Vụ hạ cánh của anh được một số người tin rằng rốt cuộc đã giúp đẩy nhanh tiến trình tan rã của Liên Xô.
***
Mathias Rust vào năm 1987 mới 18 tuổi.
Anh bị hấp dẫn bởi hai thứ – lái máy bay và chính trị.
Rust khi đó đã bắt đầu học bay tại một câu lạc bộ địa phương ở gần Hamburg, Tây Đức, và tích lũy được chừng 50 giờ bay.
Châu Âu đang bên bờ vực bấp bênh.
Đã hơn 40 năm kể từ khi Liên Xô và Phe Đồng minh phương Tây phân chia châu lục này ra làm đôi.
Kể từ đó, các sức mạnh quân sự khổng lồ của Nato và Hiệp ước Warsaw đã liên tục chạy đua với nhau xuyên biên giới, từ bắc Na Uy cho tới miễn viễn đông, đến tận Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến tranh Lạnh đã làm băng giá các mối quan hệ kể từ khi kết thúc Đại chiến Thế giới lần thứ hai, và đe dọa sẽ khiến tình hình càng trở nên căng thẳng hơn nhiều.
Cuộc khủng hoảng Tên lửa Cuba hồi 1962 thường được coi là đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Thế nhưng một vụ việc diễn ra thời đầu thập niên 1980 đã khiến hai siêu cường, cùng được trang bị vũ khí hạt nhân, suýt đi đến đụng độ quân sự.
Vào năm 1983, chuyến bay KAL007 của hãng hàng không Nam Hàn khi bay vào không phận Nga, khu vực gần Nhật Bản, đã bị bắn hạ bởi một chiến đấu cơ của Liên Xô. Toàn bộ 269 người trên khoang thiệt mạng.
Hoa Kỳ ngay lập tức tuyên bố kế hoạch đặt các hỏa tiễn tầm trung Pershing tại các căn cứ của mình ở châu Âu.
Vài tháng sau, cuộc tập trận Able Archer ’83 của Nato đã gây ra một cơn hoảng loạn trong giới lãnh đạo quân sự của Liên Xô. Họ sợ rằng việc này có thể đẩy hai bên vào thế dễ nổ ra chiến tranh hạt nhân nhất.
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan bị coi là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản. Liên bang Xô-viết trong tình trạng thay đổi liên tục, càng làm trầm trọng thêm các tác động của nền kinh tế trì trệ dưới thời cố thủ tướng Leonard Brezhnev.
Trong thập niên 1980, Liên Xô đã trải qua hai đời lãnh đạo, Yuri Andropov và Konstantin Chernenko – chết ngay sau khi lên nắm Bộ Chính trị.
Mikhail Gorbachev, vị tổng bí thư Đảng Cộng sản thứ ba trong vòng chưa đầy 18 tháng, là người trẻ nhất từ trước tới thời điểm ông được bầu vào vị trí đó, hồi 1985.
Tuy là vị tổng bí thư Đảng đầu tiên ra đời sau Cách mạng Nga, Gorbachev được coi là người có tư tưởng ôn hòa và là một nhà cải cách. Đã có sự lạc quan trong phương Tây rằng Gorbachev, khi đó 59 tuổi, có thể giúp phá vỡ căng thẳng vốn đã dồn lại từ vài năm qua.
Reagan và Gorbachev đã dàn xếp một cuộc họp thượng đỉnh tại Iceland vào tháng Mười 1986, một nỗ lực nhằm trung gian thảo luận một thỏa thuận mới nhằm làm giảm bớt kho vũ khí các tên lửa mang vũ khí hạt nhân tầm trung, là loại vũ khí hầu như chắc chắn được dùng trong cuộc đối đầu vũ khí hạt nhân tại châu Âu. Được tổ chức tại nơi từng là Văn phòng Lãnh sự của Pháp tại Hofdi gần với Rejkjavik, thủ đô của Iceland, cuộc thảo luận đã đổ bể vào phút chót.
Hàng trăm chiếc MiG có nhiệm vụ bảo vệ đường biên giới của Liên Xô |
Sự thất bại của cuộc họp thượng đỉnh đã có tác động to lớn lên chàng trai tuổi teen Rust.
Tây Đức nhiều khả năng sẽ là tâm điểm của cuộc xung đột.
“Đã có tâm trạng sợ hãi thực sự,” Rust nói với tạp chí Smithsonian Air & Space hồi năm 2005, “bởi nếu xảy ra xung đột thì chúng ta đều biết rằng chúng tôi sẽ là đối tượng bị tấn công đầu tiên.”
Rust muốn đưa ra một tuyên bố. Ý tưởng của anh là xây dựng một “cây cầu hòa bình” mang tính ẩn dụ giữa phương Tây và phương Đông qua việc sử dụng một chiếc phi cơ thuê của câu lạc bộ hàng không địa phương.
Tuy nhiên, anh không thể bay vào Đông Đức.
Đây là một trong những khu vực đường biên được canh phòng cẩn mật nhất thế giới, với mạng lưới phòng không ghê gớm, gồm cả các chiến đấu cơ và các hệ thống tên lửa. Chiếc máy bay của Rust hầu như chắc chắn sẽ bị bắn hạ trong vòng vài phút kể từ khi anh bay qua biên giới.
Rust đã ấp ủ một kế hoạch tham vọng hơn. Anh sẽ bay chiếc Cessna 172, loại máy bay cỡ nhỏ một động cơ rất đáng tin cậy vốn đã được xuất xưởng kể từ hồi thập niên 1950, từ Tây Đức vượt qua Biển Bắc theo ngả đảo Shetland của Scotland rồi đảo Faroe của Đan Mạch, rồi từ đó bay tới Iceland.
Chuyến bay sẽ đem lại cho anh những kinh nghiệm quý báu trong mảng hoa tiêu đường dài, là điều mà anh sẽ cần sau đó.
Tiếp theo, anh sẽ phải bay tới Helsinki của Phần Lan, và từ đó, tìm cách bay qua biên giới Liên Xô.
Hầu hết các nơi thuộc Liên Xô là vùng mà người nước ngoài không được tới, và sẽ không có bất kỳ hướng dẫn nào được phát đi từ trạm kiểm soát lưu không, những người sẽ coi anh như một mối đe dọa tiềm ẩn. Nếu như qua được biên giới Liên Xô thì Rust sẽ phải tự xoay sở một mình.
Chiếc Cessna 172 mà Rust bay đã được ‘độ’ lại – hai trong số bốn ghế trên khoang đã được gỡ đi để lấy chỗ chứa thêm nhiên liệu. Anh hầu như không mang theo thứ gì, trừ một túi ngủ, dầu máy dự trữ, một áo phao cứu hộ và một mũ bảo hiểm, đề phòng khả năng phải thực hiện một cuộc tiếp đất trên địa hình xóc, mấp mô tại Moscow.
Rust cất cánh từ sân bay nhỏ Uetersen Airfield, gần Hamburg, vào hôm 13/5, đăng ký sử dụng chiếc Cessna trong ba tuần. Anh không nói với ai về kế hoạch sẽ đi đâu.
Anh tới Iceland sau đó hai ngày. Anh đã để một tuần để lên kế hoạch cho chuyến bay táo bạo.
Để tăng lòng quyết tâm, anh đã tới thăm Hofdi House, tòa nhà màu trắng nơi Reagan và Gorbachev đã gặp gỡ. “Nó cho tôi động cơ để tiếp tục hành động,” anh nói với tạp chí Smithsonian Air & Space.
Rust sau đó nhằm hướng Na Uy, tới Bergen vào ngày 22/5.
Ba ngày sau, anh đáp xuống thủ đô Helsinki của Phần Lan. Đó là nơi anh sẽ bắt đầu đoạn hành trình nguy hiểm nhất trong kế hoạch.
Khi cất cánh vào hôm 28/5, ngay lúc vừa qua giữa trưa, Rust nói với trạm kiểm soát không lưu rằng anh sẽ bay tới thủ đô Stockholm của Thụy Điển; đêm hôm trước, chàng trai đã lập một lịch bay khác, dự phòng cho tình huống anh mất tinh thần và không muốn tiếp tục kế hoạch ban đầu.
Rust làm như thể đang bay về phía Stockholm, nhưng sau khi rời khỏi vùng kiểm soát không lưu của Helsinki, anh bay về hướng nam. Anh đã ngắt bộ phát nhận sóng (transponder) của chiếc máy bay – là thiết bị phát ra tín hiệu đặc biệt để các hệ thống radar nhận biết và theo dõi được từng chiếc phi cơ riêng rẽ. Trạm kiểm soát không lưu tại thành phố Tampere của Phần Lan cảnh báo Rust rằng anh đang bay chệch hướng.
Vào năm 1983, một chiến đáu cơ Su-15 của Liên Xô đã bắn hạ chiếc máy bay dân dụng của Nam Hàn, khiến 269 người trên khoang thiệt mạng |
Vào lúc khoảng 13:00, máy bay của Rust biến mất khỏi các màn hình radar của Phần Lan. Ngay sau đó, mảnh vỡ được phát hiện trên vùng nước gần điểm cuối cùng người ta còn nhận biết được chiếc phi cơ của Rust. Chiếc phi cơ sau đó được một radar Liên Xô đặt tại nơi nay là Latvia phát hiện ra.
Máy bay phương Tây bị cấm đi vào vùng lãnh thổ của Liên Xô trừ khi đã được cấp phép – và các phi cơ được cấp phép phải bay trong những hành lang đặc biệt. Rust không có giấy phép, và nay bị hệ thống radar Liên Xô coi là “máy bay không rõ danh tính”.
Theo: Stephen Dowling/BBC Future
Có thể bạn muốn xem
“Người trên Mây” – cuốn sách nhắc nhở chúng ta về giá trị, quan điểm của cuộc sống
Ba Đồn mạn thuật
Nam Phương Hoàng hậu
Mô hình xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Mật Nắng Biên Thùy
Pháp môn hạnh phúc – Sự nghiệp
Learning about the Stock Market | by Wall Street Survivor
Trưng bày 30 cuốn sách thủ công đẹp
Không gian thành phố