Mây trắng bay qua bục giảng (NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM) là một trong 7 cuốn sách được Công ty Cổ phần Văn hóa Huyền Đức giới thiệu nhân dịp kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 – 20-11-2019).
Cuốn sách bao gồm 27 câu chuyện gắn kết nghề dạy học và nghề cầm bút của các tác giả đã và đang đứng trên bục giảng như Nguyễn Nhật Ánh, Nhật Chiêu, Huỳnh Như Phương, Phạm Hồng Danh, Nguyễn Tấn Sỹ, Đào Tấn Trực, Di Li, Trần Tùng Chinh…
Những câu chuyện như lời tự sự vui buồn với nghề giáo để nhớ, chiêm nghiệm để viết và để thấy mình càng phải đóng góp nhiều hơn nữa trong sự nghiệp trồng người.
Quãng thời gian ngắn hay dài đứng trên bục giảng đã để lại gì trong ký ức mà nếu không kể ra chắc hẳn không phải ai cũng biết niềm hạnh phúc và nỗi nhọc nhằn đan xen, nhất là những người trẻ. Mỗi câu chuyện không chỉ là hoài niệm mà còn hun đúc lửa nghề, qua đó giúp thế hệ trẻ biết trân quý những gì mình đã và đang có mà sống có ích, sống đẹp. Mây trắng bay qua bục giảng như một món quà của các tác giả tri ân những người đồng nghiệp ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo, dù vất vả nhưng vẫn đang miệt mài cống hiến cho ngành giáo dục.
“Tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng do thời thế đưa đẩy, tôi chỉ dạy học được có hai năm. Nhưng đó là hai năm có quá nhiều điều để nhớ và một trong những tác phẩm tái hiện một cách sinh động và đầy đủ những tháng ngày dạy học của tôi là truyện dài Bàn có năm chỗ ngồi. Tác phẩm này được NXB Kim Đồng ấn hành năm 1987, nhưng tôi viết nó vào năm 1985, lúc tôi còn là một thầy giáo… Những gương mặt học trò sạm đen vì nắng gió đó bây giờ đã trường thành, đã làm cha làm mẹ, nhưng hình ảnh các em đã in sâu vào ký ức tôi và đã đi vào trong từng trang sách như những kỷ niệm đẹp đẽ. (Trích Ký ức làm thầy – nhà văn Nguyễn Nhật Ánh).
Và trong câu chuyện Nghề dạy học là một nghề khiêm tốn – Nhà giáo Huỳnh Như Phương đúc kết qua thời gian dài đứng trên bục giảng như nhắc nhở đồng nghiệp trẻ: “Người dạy học sẽ phản bội thiên chức của mình nếu truyền đạt những điều không trung thực, những điều mình nói mà chính mình không tin. Ngay cả với những chân lý hiển nhiên, người dạy học cũng không làm tròn sứ mệnh của mình nếu tìm cách áp đặt cho học sinh mà không chứng minh, thuyết phục; nhất là ở trường đại học, khi sinh viên đã đến tuổi trưởng thành, có năng lực tiếp nhận và đánh giá những kiến thức mà nhà trường truyền bá”.
Dịp này, nhà văn Đoàn Thạch Biền cũng đã ký trao toàn bộ tác quyền các tác phẩm đã in cho Công ty Cổ phần Văn hóa Huyền Đức. Đây là những tác phẩm đã làm thổn thức bao trái tim độc giả yêu văn chương, đặc biệt là học sinh, sinh viên như: Ví dụ tay yêu nhau, Những ngày tươi đẹp; Bất ngờ phía trái tim; Phượng yêu; Tôi thương mà em đâu có hay, Tôi hay mà em đâu có thương; Tình nhỏ làm sao quên; Mùa hè khắc nghiệt…
Được biết, Ví dụ ta yêu nhau là tác phẩm đầu tay của nhà giáo, nhà văn Đoàn Thạch Biền được in lần đầu vào năm 1974 với bút danh Nguyễn Thanh Trịnh. 15 năm sau mới có dịp in lần thứ hai và 45 năm sau in lần thứ 10. “Cảm ơn Công ty Cổ phần Văn hóa Huyền Đức đã in lại cuốn sách này. Giúp người viết gặp lại tuổi trẻ của mình. Vì tác phẩm đầu tay in ra giống như mối tình đầu đã mất. Đẹp. Vụng dại. Nhiều luyến tiếc. Nhưng bắt buộc phải quên đi, mới có thể bắt đầu được một tác phẩm (một mối tình) khác”, nhà văn Đoàn Thạch Biền chia sẻ.
Nguồn: Giáo dục TP Hồ Chí Minh
Có thể bạn muốn xem
30 Ngày giải mã kinh doanh thành công
Sử Việt – Góc nhìn từ bên ngoài
Những quyển sách giúp thư thái tâm hồn nhân ngày Quốc tế phụ nữ
Mất kết nối
Muốn có vang ngon, người làm rượu phải hái nho từ 4h sáng
Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) nhân kỷ niệm 65 năm Giải phóng Thủ đô – Có xem thường giá trị sáng tạo?
Đọc vị tâm trí
Hà Nội xưa: Nghe Cầu Giấy kể chuyện
Không bao giờ là thất bại – tất cả là thử thách