Trong sự nghiệp “tiểu thuyết gia” của Milan Kundera, “Đời nhẹ khôn kham” là tác phẩm nổi tiếng nhất, từng được dịch ra hàng chục thứ tiếng và nhanh chóng đạt được vị thế sùng bái. Bộ phim chuyển thể từ cuốn sách cũng được giới chuyên môn đánh giá cao. Thế nhưng, với Kundera, “đứa con nổi bật” này chỉ là một cuốn “không hay hơn cũng không dở hơn những cuốn khác”.

“Tôi ghét những cuốn sách bán chạy nhất”

Ba ngày sau cái chết của Milan Kundera, câu chuyện về ông vẫn nằm trên tiêu điểm của một số tờ báo lớn nhất nước Pháp như Le Firago, Libération và nhiều chuyên san văn học khác. Nói thế để thấy rằng, sức ảnh hưởng của một nhà văn người Tiệp Khắc tại Pháp là không hề nhỏ. Các ký giả theo dõi văn học gọi ông là “gã khổng lồ”, “bậc thầy”, “một hiện tượng độc đáo”…

Sau cái chết của Milan Kundera ở tuổi 94, Jack Lang (cựu Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp, người đã góp phần giúp Kundera nhập tịch vào năm 1981, sau khi ông bị chính phủ Tiệp tước quốc tịch vì một cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi) có bài viết trên Libération rằng: “Ông ấy (chỉ Milan Kundera) là một tiểu thuyết gia tuyệt đối”, và rằng “điều phi thường trong trường hợp của Kundera là ông đã đào sâu kiến thức về văn hóa và ngôn ngữ đến mức sau này đã viết nhiều cuốn sách của mình bằng tiếng Pháp”.

Còn nhà báo Thomas Stélandre, một cây viết văn học nổi tiếng thì đánh giá “Đời nhẹ khôn kham” của Kundera là tác phẩm “của một thế hệ”, hơn thế “Milan Kundera đã xác định một thời đại, điều mà nhiều tiểu thuyết gia cùng thế hệ với ông không làm được”. Khi được nhà xuất bản danh tiếng Gallimard phát hành ở Pháp vào năm 1984, “Đời nhẹ khôn kham” đã nhận được vô số lời khen ngợi trên báo chí. Sự nhiệt tình tương tự tiếp diễn ở Mỹ với giải Los Angeles Times Book Review. Trong những năm tiếp theo, nó đã được dịch ra khắp châu Âu và nhanh chóng đạt vị thế được sùng bái. Kể từ khi xuất bản, riêng ở Pháp, cuốn sách đã bán được gần một triệu rưỡi bản.

Thế nhưng, trên thực tế, Milan Kundera không đánh giá cao tác phẩm này. Năm 2002, khi đối thoại với nhà văn Massimo Rizzante, ông tuyên bố: “Cuốn tiểu thuyết này không hay hơn cũng không dở hơn những cuốn khác. Nhưng chúng tôi đã làm một bộ phim dựa trên cuốn sách, và nó là một cuốn sách bán chạy nhất. Tôi ghét những cuốn sách bán chạy nhất, và tôi tin rằng cuốn tiểu thuyết không xứng đáng với cái nhãn đáng xấu hổ này”.

Từ chối “bộ phim gợi tình nhất”

Cảnh trong phim “Đời nhẹ khôn kham”
Cảnh trong phim “Đời nhẹ khôn kham”

Ban đầu, người đồng hương gốc Tiệp của Kundera là đạo diễn Miloš Forman (từng 2 lần đoạt giải Oscar với “Bay trên tổ chim cúc cu” và “Sự đố kỵ của thiên tài”) là ứng viên số một được các nhà sản xuất chọn cho vai trò đạo diễn phim “Đời nhẹ khôn kham”. Nhưng bị bài học nhỡn tiền của Kundera ám ảnh, Forman e ngại việc làm phim của mình sẽ làm liên luỵ đến người thân vẫn còn đang sống ở Tiệp Khắc, nên từ chối. Sau đó, đạo diễn Mỹ Philip Kaufman mới chính thức trở thành đạo diễn của “Đời nhẹ khôn kham”.

Một người bạn của Kundera kể lại, khi xem kịch bản chuyển thể của Jean-Claude Carrière, cha đẻ của tiểu thuyết đã rất hào hứng vì nó gần như trung thành tuyệt đối với nguyên tác. Tiểu thuyết gia kín tiếng hăng hái đến mức tình nguyện làm cố vấn tích cực trong quá trình thực hiện bộ phim. Ông còn viết riêng cho bộ phim bài thơ mà Tomas thầm thì vào tai của Tereza khi cô đang ngủ thiếp đi.

Tuy nhiên, với tư duy của một người Mỹ, đạo diễn Philip Kaufman e ngại kịch bản quá “nghệ thuật” đối với khán giả phổ thông, nên đã thêm mắm dặm muối khiến kịch bản khác xa tinh thần của tiểu thuyết gốc. Kundera tức giận với bộ phim đến mức từ đó trở đi không cho phép bất cứ ai chuyển thể sách của mình nữa.

Một thời gian dài “Đời nhẹ khôn kham” của Philip Kaufman được gắn mác như là một tác phẩm khiêu dâm, giống như trường hợp của “Lolita”. Tuần báo giải trí nổi tiếng của Mỹ “Entertainment Weekly” còn phong cho “Đời nhẹ khôn kham” là bộ phim gợi tình nhất mọi thời đại. Nếu như trong tiểu thuyết, Kundera hăng say bàn về cái nhẹ cái nặng và cái sến, thì trên phim, dư âm chính của nó là một chuyện tình… gợi tình. Nếu như trong tiểu thuyết, thông điệp mạnh nhất của Kundera là về “sự nhẹ không chịu nổi của tồn tại” (như tên gốc bản dịch tiếng Pháp), thì trên phim, đó là những cảnh gợi tình được quay ở một góc… nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên sau đó “Đời nhẹ khôn kham” của Philip Kaufman được tới 2 đề cử Oscar dành cho quay phim xuất sắc nhất và kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất.

Sau thất vọng với bộ phim, Kundera càng kín tiếng hơn. Ông dường như không bao giờ chính thức ra mặt trả lời phỏng vấn hoặc nói gì đó về những tác phẩm của mình. Về điểm này, ông tuyệt đối noi gương Flaubert, người từng bày tỏ rất đanh thép về vai trò của người viết, “Theo tôi, tiểu thuyết gia không có quyền bộc lộ quan điểm của mình về mọi việc của thế giới này. Khi sáng tạo, anh ta phải bắt chước Chúa trời: làm việc của mình rồi ngậm miệng lại”.

Milan Kundera là một nhà văn Tiệp Khắc (nay là Cộng hoà Séc) sống lưu vong tại Pháp từ năm 1975, trở thành công dân Pháp từ năm 1981. Năm 1984 tiểu thuyết “Đời nhẹ khôn kham” của ông được xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp. Trước đó, tác phẩm bị cấm xuất bản ở Tiệp Khắc.

Milan Kundera đã giành được nhiều giải thưởng văn học, trong đó có: Giải thưởng lớn về Văn học của Viện Hàn lâm Pháp năm 2001; Giải Cino Del Duca Thế giới năm 2009 và Giải thưởng Thư viện Quốc gia Pháp năm 2012.

Hầu hết tác phẩm của ông đều đã được dịch và giới thiệu ở Việt Nam.

nguồn: Hạ Đan/https://tienphong.vn/ghet-sach-ban-chay-va-phim-goi-tinh-post1551638.tpo