Trong lời đề tựa ra mắt cuốn sách Mùa chinh chiến ấy (tác giả Đoàn Tuấn, do NXB Trẻ xuất bản), nhà thơ – nhà báo Lê Minh Quốc, cựu binh Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 29, Sư 307 đã nhận xét: “Với tư cách người lính từng cầm súng chiến đấu và sống những năm tháng thanh xuân thơ dại trên quê hương Chùa Tháp, tôi dám nói rằng… hồi ức chiến binh Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn là một trong những tập bút ký xuất sắc nhất, có vị trí quan trọng trong các tác phẩm viết về chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam”.
Không phải ngẫu nhiên một cựu binh lại nhận xét như vậy về hồi ức một cựu binh khác. Mùa chinh chiến ấy được thể hiện như một cuốn nhật ký chiến trường, mở đầu bằng hình ảnh chuyến xe chuyển quân chạy giữa một đêm khuya tháng 11-1978 và khép lại cũng vào lúc nửa đêm của 5 năm sau đó, tại ga Hàng Cỏ. Thế nhưng, khoảng thời gian đó đã thay đổi rất nhiều không chỉ một con người mà cả một thế hệ. Chàng trai trẻ nhút nhát, rụt rè của cái đêm 1978 đó đã dày dạn sương gió, đậm chất lính. 10 năm quân ngũ, 5 năm chiến trường nhưng như cả một đời người.
Có thể xem Mùa chinh chiến ấy như những thước phim về một giai đoạn lịch sử của đất nước được nhìn dưới con mắt của một người lính ở tầng thấp nhất. Dĩ nhiên, cái nhìn đó không thể bao quát toàn bộ thời đại nhưng lại gần gũi với những chi tiết cụ thể, chân thực nhất. Từ hành trình vượt sông Mê Công, truy quét địch rồi tham gia chiến dịch Anlong Veng ác liệt. Giọng văn của tác giả Đoàn Tuấn rất đặc biệt, anh chuyển tải cái khốc liệt, cái mất mát đau thương rất nhẹ nhàng, không ủy mị, không tiêu cực. Hơn 400 trang sách, tràn ngập hình ảnh những trận đánh nơi chiến trường, những lần truy quét địch… Rồi cả những mất mát không phải từ chiến trường, không phải từ kẻ địch, cũng được Đoàn Tuấn nhắc đến, không e ngại.
“Mùa chinh chiến ấy… ngỡ như một giấc mơ khốc liệt mà tuyệt đẹp”, là lời nhận xét của cựu binh Hiền Nhân, cũng của Sư 307 ngày đó. Mùa chinh chiến ấy là hồi ức về một thời của tác giả, cũng như những người đồng đội của mình, ông đã có khoảng thời gian rất dài để chiêm nghiệm về những gì đã trải qua. Dù vẫn còn đó những ám ảnh về mất mát, hy sinh nhưng những người lính cũng đã thanh thản và nhẹ nhàng hơn, đã có thể nhìn được đằng sau những ngày tháng khốc liệt ấy là tình người, là những giá trị cuộc sống mà chỉ khi trải qua những gian nan của cận kề cái chết họ mới hiểu hết được. Cũng vì thế, ở đoạn kết của mỗi câu chuyện, tác giả luôn dành một phần để hoài niệm, san sẻ những điều mà mình đã hiểu được sau bao năm từ câu chuyện của ngày ấy.
XUÂN THÂN
Có thể bạn muốn xem
Nghệ thuật đường phố và những vấn đề xã hội
Lý Tiểu Long – Một cuộc đời phi thường
Đưa xu thế thời đại vào ngành sách
Dạy con qua những trang sách
CHIẾN LƯỢC DỮ LIỆU
Yêu thương chưa đong đầy, đừng uốn nắn kỷ luật
Cúc
Đừng nổi giận để rồi hối hận
TIẾNG GỌI TÌNH YÊU GIỮA LÒNG THẾ GIỚI