“Mỹ Lai: Việt Nam, 1968 – Nhìn lại cuộc thảm sát” – nhiều tư liệu chân thực được phân tích dưới góc nhìn của học giả Mỹ
Thảm sát Mỹ Lai là một vết nhơ khó có thể gột rửa trong lịch sử các cuộc chiến tranh của Mỹ, đã được tác giả Howard Jones – Giáo sư danh dự ngành Lịch sử tại Đại học Alabama, tổng hợp, phân tích đầy đủ, toàn diện và chân thực trong cuốn Mỹ Lai: Việt Nam, 1968 – Nhìn lại cuộc thảm sát. Sách dày hơn 700 trang, được dịch giả Mạnh Chương chuyển ngữ, NXB Chính trị Quốc gia sự thật ấn hành.
Sáng sớm 16-3-1968, lính Mỹ từ 3 trung đội của Đại đội C (Đại đội Charlie), Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Bộ binh 20, Lữ đoàn 11, Sư đoàn Bộ binh 23 (Sư đoàn Americal) tràn vào 4 thôn là Mỹ Lai 4, Mỹ Khê 4, Bình Tây và Bình Đông của huyện Sơn Tịnh ở miền Nam Việt Nam, gần khu vực phi quân sự, người Mỹ hay gọi là “Pinkville”. 3 tiếng sau khi lính Mỹ tràn vào các thôn, hơn 500 dân làng không có vũ khí, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, rất nhiều trẻ sơ sinh, đã thiệt mạng thảm khốc dưới bàn tay của họ. Vụ thảm sát tàn ác này được đặt theo tên của một trong các thôn đó – “thảm sát Mỹ Lai”.
Các cơ quan quân đội Mỹ ra sức che giấu tin tức về Mỹ Lai, cho đến khi một số người từng có mặt ở đó, cụ thể là phi công trực thăng Hugh Thompson và xạ thủ trực thăng Lawrence Colburn, đã lên tiếng về những gì họ chứng kiến. Tin chính thức cho rằng, dân làng bị giết bởi đạn pháo và hỏa lực không quân chứ không phải súng bộ binh đã gây tranh cãi sâu sắc.
Trung úy William Calley, chỉ huy Trung đội 1, thú nhận đã bắn dân làng nhưng quả quyết rằng anh ta chỉ làm theo lệnh và đây cũng là lập luận bao biện cho hành vi giết người của nhiều binh lính và sĩ quan khác. Một bài viết kèm theo những hình ảnh chân thực vạch trần vụ thảm sát và sự che đậy từ phía Mỹ của nhà báo Seymour Hersh đã làm dấy lên sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế và khởi đầu cho các cuộc điều trần của Quốc hội và quân đội Mỹ.
Calley và rất nhiều sĩ quan khác đã bị quy kết phạm tội ác chiến tranh. Mặc dù chỉ có Calley bị kết án tù chung thân nhưng sau đó được giảm án xuống còn quản thúc tại gia trong hơn ba năm trước khi hoàn toàn được tự do vào năm 1974.
Câu chuyện Mỹ Lai phân chia dư luận Mỹ thành 2 luồng ý kiến. Nhiều người coi Calley như “kẻ giơ đầu chịu báng”, là nạn nhân của chiến lược giết chóc trong cuộc chiến tranh mà Mỹ không thể giành phần thắng; những người khác thì thấy đây là một tội ác chiến tranh. Sự tàn ác càng làm nóng lên phong trào phản đối chiến tranh, làm sụp đổ mọi luận điệu về tính ưu việt trong giá trị đạo đức của nước Mỹ. Ảnh hưởng của nó đối với nhuệ khí và chính sách quân sự của Mỹ là vô cùng rõ rệt và lâu dài.
Đã có nhiều cuốn sách, tư liệu nói về tội ác kinh hoàng ủa quân đội Mỹ trong vụ thảm sát Mỹ Lai, song phải đến Mỹ Lai: Việt Nam, 1968 – Nhìn lại cuộc thảm sát của tác giả Howard Jones – Giáo sư nghiên cứu danh dự ngành Lịch sử tại Đại học Alabama, Mỹ, nhiều tội ác mà Chính phủ Mỹ luôn ra sức che giấu mới được phơi bày rõ ràng.
Trên cơ sở khai thác một khối lượng lớn tư liệu có độ tin cậy được tập hợp từ những đánh giá của báo chí, báo cáo của quân đội Mỹ, từ những ghi chép tại tòa án, tài liệu của chính quyền Mỹ, từ những bài phỏng vấn sâu rộng với quân nhân Mỹ, Việt Nam, cũng như những nạn nhân may mắn sống sót sau vụ thảm sát, cuốn sách đã tái hiện cụ thể, sâu sắc và toàn diện về nguyên nhân, diễn biến, hậu quả của vụ thảm sát Mỹ Lai, đồng thời phân tích một cách kỹ lưỡng sự che giấu của chính quyền Mỹ và phản ứng của các bên tham gia chiến dịch.
Nhận định về cuốn Mỹ Lai: Việt Nam, 1968 – Nhìn lại cuộc thảm sát, Ralph B. Levering – cha đẻ của các tác phẩm hay nhất về Chiến tranh lạnh, đã chia sẻ: “Đây là tác phẩm lôi cuốn nhất cho đến nay về thảm sát Mỹ Lai và hậu quả của nó, được nghiên cứu kỹ lưỡng và tỉ mỉ với luận điểm thuyết phục, đây thực sự là cuốn sách vô cùng xuất sắc – một tài liệu tin cậy chắc chắn phải đọc đối với bất cứ ai quan tâm đến kỷ nguyên Việt Nam cũng như câu chuyện bi kịch của nước Mỹ, những sai lầm khủng khiếp có thể xảy ra trong xung đột vũ trang, bất chấp luật chiến tranh”.
nguồn: https://www.sggp.org.vn/my-lai-viet-nam-1968-nhin-lai-cuoc-tham-sat-nhieu-tu-lieu-chan-thuc-duoc-phan-tich-duoi-goc-nhin-cua-hoc-gia-my-post681638.html
Có thể bạn muốn xem
Phát hiện một cuốn sách cũ tẩm thạch tín
Khai mạc Lễ hội Đường sách Tết Nhâm Dần 2022
PDCA chuyên nghiệp
Kinh Dịch: Là phúc hay là họa đều do bản thân mình
Không Trở Lại
Sao ta làm điều ta làm
Gen Z quay lại đọc sách giấy
Đổi mới từ cốt lõi – Innovation to the core
Blockchain: công nghệ của tương lai