Cái tình của Lỗ Tấn dành cho tiểu thuyết cổ điển, có thể nói là khắc cốt ghi tâm; sự ưu ái ông dành cho truyền kỳ lại càng đặc biệt.
“Phong trần tam hiệp cũng có chính phẩm và phó phẩm. Nếu là chính phẩm, trong ba đóa thì đóa màu tía phải to nhất, đó là Cầu Nhiêm Khách; đóa màu trắng nhỏ hơn, đó là Lý Tĩnh; đóa màu hồng nhỏ nhất nhưng cũng kiều diễm nhất, đó là Hồng Phất Nữ.”
Người mê kiếm hiệp hẳn sẽ dễ dàng nhận ra xuất xứ của câu này: Đoàn Dự luận hoa trà cùng Vương phu nhân tại Mạn Đà sơn trang. Lần đầu tiên đọc Thiên long bát bộ, cũng là lần đầu tiên tôi biết đến “Phong trần tam hiệp”. Mười lăm năm sau, tôi lại có dịp tái ngộ với ba nhân vật lừng danh ấy, qua Đường Tống truyền kỳ do Tao Đàn xuất bản.
Tác phẩm Đường Tống truyền kỳ do Lỗ Tấn hiệu lục.
Phong trần. Hiệp khách. Cái tên nghe sao mà rạo rực. Phong trần và hiệp khách, cũng như mây với rồng, như tài tử với giai nhân, như học trò với hồ tiên, mỗi lần tao ngộ, nhất định sẽ sản sinh ra truyền kỳ. Hồng phấn rồi cũng hóa khô lâu, công hầu rồi sẽ thành bạch cốt, nhưng truyền kỳ về họ, dưới ngòi bút của những Bạch Lạc Thiên và Nguyên Vi Chi, đã thành bất tử.
Quả vậy. Thái Chân ngọc nát hương tiêu đã một ngàn hai trăm năm, nhưng mỗi lần thấy da thịt mịn màng của trái lệ chi, khách đa tình vẫn bồi hồi thương xót. Đến giờ vẫn không ai dám nói Thôi Trương có thật hay chăng, nhưng hai chữ Tây sương vẫn khiến hậu nhân ngậm ngùi than tiếc một cuộc tình hữu duyên vô phận. Nàng kỳ nữ cầm phất trần đỏ khuê danh là gì chẳng ai hay, nhưng đôi mắt xanh soi thấu kẻ anh hùng giữa thời loạn thế của nàng thì sớm đã thành huyền thoại.
Hẳn là có người sẽ hỏi: thời buổi này, nói chuyện truyền kỳ Đường-Tống, phỏng có nên chăng?
Nên chứ! Rất nên là đằng khác!
Bởi lẽ chính những đoản thiên rời rạc này đã bồi đắp nên những vở kịch thành danh thời Nguyên, từ tích Liễu Nghị truyền thư được xem như chất liệu hình thành truyền thuyết về đức Thánh mẫu Đệ tam trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, cho đến Tây sương ký vẫn quen thuộc với chúng ta qua bản dịch tài hoa Mái Tây của Nhượng Tống. Và trên hết, đây là nền tảng giúp văn xuôi Trung Hoa đạt đến đỉnh cao với thể loại tiểu thuyết trường thiên thời Minh – Thanh, vốn rất được nhiều thế hệ người đọc Việt Nam yêu thích.
Đọc Đông Dương dạ quái lục, ta không khỏi mỉm cười mà đoán rằng cuộc tao ngộ của Thành Tự Hư hẳn là cảm hứng cho Ngô Thừa Ân tả cảnh Đường Tăng ngâm thơ vịnh nguyệt cùng đám tinh cây tại Mộc Tiên am. Đọc Lý Sư Sư ngoại truyện, ta chẳng khỏi ngỡ ngàng khi biết nàng danh kỹ lẫy lừng chỉ thoáng xuất hiện vài lần trong Thủy Hử hóa ra lại là bậc hào kiệt giữa đám quần thoa. Và những anh thư như Hồng Tuyến, Nhiếp Ẩn Nương, họ há chẳng phải là tiền thân của những Hoàng Dung, Triệu Mẫn, Doanh Doanh đấy sao?
Những câu chuyện truyền kỳ Đường – Tống chính là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm vĩ đại của văn chương Trung Quốc như Thủy Hử, Tây Du Ký…
Bởi lẽ, những câu chuyện này, dù tuổi đời chí ít đã nghìn năm, kỳ thực lại gần gũi với chúng ta hơn là ta tưởng. Suốt chặng đường hơn năm trăm trang sách, thỉnh thoảng ta lại phải gật đầu chào một người quen cũ. Đó là Liễu thị mà Nguyễn Du từng xót xa “Khi về hỏi liễu Chương Đài, cành xuân đã bẻ cho người chuyền tay?” Đó là Thuần Vu Phần mà cơn kỳ mộng từng thấp thoáng trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều: “Giấc Nam Kha khéo bất bình, bừng con mắt dậy thấy mình tay không.” Và đó, tất nhiên, là lời ước đêm Thất tịch của Ngọc Hoàn với Tam Lang, mà ngàn năm sau vẫn còn vang vọng trong thơ của Hồng Hà nữ sĩ: “Thiếp xin về kiếp sau này, như chim liền cánh như cây liền cành.”
Và bởi lẽ, chuyện tuy đã cũ, người tuy đã xưa, nhưng tình và ý thì vẫn vô cùng tươi mới. Giữa cõi đời say mê tranh danh đoạt lợi này, câu chuyện của Lư sinh mà vua Tự Đức năm xưa từng cảm thán “Khôn dại cùng chung ba thước đất, giàu sang chưa chín một nồi kê” dường như vẫn còn nguyên giá trị. Giữa cõi người tưởng như đã bão hòa mọi cảm xúc này, lời từ của Liễu Phú: “Nhân gian tối khổ, tối khổ thị phân ly,” dường như vẫn là chân lý.
Và giữa thời ngả nghiêng mạt pháp này, cái chí đơn thân vạn dặm tầm cừu của Tạ Tiểu Nga càng đáng để người ta nghiêng mình kính phục. Không phải ngẫu nhiên mà Lỗ Tấn, cây đại thụ của văn học hiện đại Trung Hoa, dù đã trải qua 16 năm dưới thời Dân quốc, vẫn nâng niu và trân trọng những dư quang của một thuở long Tống thịnh Đường.
Việc Lỗ Tấn, “nhà văn vĩ đại nhất châu Á thế kỷ 20” như lời của Kenzaburō Ōe (chủ nhân giải Nobel Văn học 1994) từng nhận định, biên soạn cuốn sách này, quả thực là một bất ngờ.
Chu Thụ Nhân là một trí thức Tây học tiên phong giữa buổi giao thời – ông du học bác sĩ ở Nhật, mê Gogol, đọc Nietzsche và dịch Jules Verne. Những truyện ngắn của ông như AQ chính truyện, Thuốc, Nhật ký người điên thảy đều nồng nàn hơi thở hiện đại.
Nhưng tìm hiểu kỹ hơn, ta chợt nhận ra Lỗ Tấn chưa bao giờ đoạn tuyệt với cội nguồn và với Trung Hoa cổ điển. Không chỉ là nhà văn, ông còn là một học giả. Ông trước tác bằng văn ngôn, mê văn chương Ngụy Tấn, bỏ ra hàng chục năm để sưu tầm và biên soạn Trung Quốc tiểu thuyết sử lược[1], khái quát lịch sử tiểu thuyết Trung Hoa từ đời Hán đến đời Thanh.
Lỗ Tấn biên soạn Đường Tống truyền kỳ bằng tấm lòng “khắc cốt ghi tâm” với tiểu thuyết cổ điển.
Trong cuốn sách này, Lỗ Tấn để riêng sáu chương bàn về truyền kỳ Đường-Tống. Ông dành cho nó những lời đầy trân trọng: đến đời Đường “mới bắt đầu có ý thức làm tiểu thuyết,” phong cách “tự thuật uyển chuyển, lời văn hoa mỹ diễm lệ,” thành tựu đặc biệt lạ kỳ, chứa chan tình ý, có thể coi là thể loại “có một không hai” của giai đoạn này.
Di sản lớn nhất nó lưu lại cho hậu thế, chính là xác lập “vô kỳ bất truyền” như một tiêu chí đặc thù và xuyên suốt của tiểu thuyết Trung Hoa. Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh chính là sự phục hưng tuyệt xảo của truyền kỳ. Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử biến cái thường thành cái kỳ.
Danh tác võ hiệp của Lương Vũ Sinh, Cổ Long, Kim Dung, không gì không kỳ – khá nhiều nhân vật của Đại Đường du hiệp ký hay Long phụng Bảo thoa duyên lấy từ truyền kỳ, hai hệ liệt Sở Lưu Hương và Lục Tiểu Phụng đều lấy chữ truyền kỳ làm tên, còn truyện của Kim Dung càng chẳng cần phải nói. Bản thân tác phẩm của Lỗ Tấn, dù mới mẻ như AQ chính truyện hay cổ kính như Luyện kiếm, xét cho cùng, cũng là một thứ truyền kỳ thời hiện đại.
Cái tình của Lỗ Tấn dành cho tiểu thuyết cổ điển, có thể nói là khắc cốt ghi tâm; sự ưu ái ông dành cho truyền kỳ lại càng đặc biệt. Lời tựa của Đường Tống truyền kỳ là lời than tiếc ông dành thể loại thường bị “chính đạo” coi như bùn đất, song trong mắt ông chính là gốc rễ của tiểu thuyết Trung Hoa, không nên quên, và không được phép quên.
Hiểu đời xưa, xót đời nay, và nghĩ đến đời sau, đấy chính là lý do khiến Lỗ Tấn soạn cuốn sách này. Đọc và hân thưởng nó, chính là cách ta đền đáp cái dụng tâm tân khổ của ông vậy.
[1] Bản dịch Lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc của Lương Duy Tâm, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000. Khái niệm tiểu thuyết của Trung Quốc là văn xuôi tự sự nói chung, không phân biệt độ dài, khác với khái niệm tiểu thuyết thường thấy trong tiếng Việt có độ dài đáng kể, phân biệt với truyện ngắn.
Theo Nham Hoa/Zing.vn
Có thể bạn muốn xem
Bão lửa và cuồng nộ
Người mẹ lang thang
Bộ sách về những chuyện thường ngày của mỗi đứa trẻ
Công ty phép thuật 1 – Thế giới thần tiên ở New York,
Khoái Khẩu Và Khát Vọng
Thơ, nhạc, họa, phê bình nghệ thuật hội tụ trong ”Tuyển tập Thế Hùng 2”
Trải nghiệm đạp xe xuyên Đài Loan
4 thói quen đặc biệt biến ‘người thường’ thành ‘lãnh đạo’
Đừng tin mọi điều bạn nghĩ!