“Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thư viện, phòng đọc, tủ sách để phát triển văn hóa đọc, nâng cao trình độ dân trí cho người dân” là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, văn minh ở Xuân Trường. Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể huyện Xuân Trường luôn quan tâm, tạo điều kiện để hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách cơ sở phát huy hiệu quả hoạt động, góp phần lan tỏa tri thức, nâng cao trình độ văn hóa của cộng đồng.
Trước những yêu cầu của tình hình mới, thực hiện Quyết định 329/QĐ-TTg ngày 15-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, những năm gần đây, các ngành: Văn hóa – Thông tin, Giáo dục và Đào tạo, các xã, thị trấn ở Xuân Trường đã huy động các nguồn lực nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách cơ sở; phối hợp với Thư viện tỉnh, các cá nhân, tập thể quyên góp, ủng hộ và luân chuyển sách, báo về các điểm Thư viện huyện, thư viện tư nhân, phòng đọc UBND xã, bưu điện văn hóa xã, thư viện trường học, tủ sách lớp học, tủ sách nhà văn hóa (NVH) thôn, xóm, tổ dân phố (TDP)… đáp ứng yêu cầu phục vụ bạn đọc. Tại Thư viện huyện Xuân Trường, để nâng cao chất lượng phục vụ độc giả, thư viện đã triển khai áp dụng thống nhất các chuẩn nghiệp vụ trên lĩnh vực thư viện như: nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thư viện; đổi mới sắp xếp, trưng bày, phân loại sách, báo hợp lý, mở rộng không gian đọc, mua sắm trang thiết bị đầy đủ, đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu tìm đọc và tra cứu thông tin của bạn đọc; đơn giản các thủ tục hành chính đăng ký mượn sách, khuyến khích bạn đọc đến mượn sách. Hiện nay, nguồn tư liệu sách, báo tại Thư viện huyện Xuân Trường khá phong phú, đa dạng với hơn 6.000 bản, gần 2.800 đầu sách sách, báo, tạp chí thuộc nhiều chủng loại: chính trị – xã hội, văn hóa và đời sống, văn học – nghệ thuật, khoa học – kỹ thuật, kinh tế nông nghiệp, lịch sử, tiểu thuyết, ấn phẩm, truyện tranh…
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá trong lĩnh vực thư viện, bên cạnh việc tiếp nhận nguồn sách, báo từ Thư viện tỉnh luân chuyển, Thư viện huyện Xuân Trường đã lựa chọn, bổ sung kịp thời những cuốn sách hay, báo, tạp chí mới có nội dung tư tưởng chính trị, văn hóa, giáo dục phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng đối tượng bạn đọc. Hiện nay, Thư viện huyện Xuân Trường thu hút khoảng 200 độc giả thường xuyên đến đọc và mượn sách. Đối tượng bạn đọc tại thư viện đa dạng từ cán bộ, công chức, viên chức, người cao tuổi, hưu trí đến học sinh, sinh viên và người dân trên địa bàn. Thư viện còn phối hợp với các trường tiểu học, THCS ở các xã: Xuân Kiên, Xuân Ninh, Xuân Tiến, Xuân Hồng, Xuân Hoà, Xuân Vinh, thị trấn Xuân Trường… tổ chức các giờ học ngoại khoá, hội thi kể chuyện sách cho học sinh trong dịp hè tạo ra sân chơi bổ ích cho các em. Theo kế hoạch hàng năm, Thư viện huyện Xuân Trường triển khai từ 3-5 đợt hỗ trợ, luân chuyển sách, báo cho các điểm bưu điện văn hoá xã, tủ sách khu dân cư và thư viện các trường học với số lượng từ 100-150 bản sách. Hoạt động luân chuyển sách về cơ sở mang lại hiệu quả xã hội cao, góp phần nâng cao dân trí, rút ngắn khoảng cách huởng thụ văn hoá giữa các vùng nông thôn trên địa bàn huyện. Thư viện trẻ em xã Xuân Hồng là thư viên tư nhân đầu tiên ở huyện Xuân Trường do ông Terayama (doanh nhân, thành viên Hội đồng sáng lập Trung tâm Ngôn ngữ – Văn hóa Nhật Bản tại thành phố Nam Định) tài trợ và sự ủng hộ của phụ huynh học sinh, con em xa quê xây dựng với kinh phí 2,5 tỷ đồng. Thư viện trẻ em xã Xuân Hồng được đặt tại Trường Tiểu học Xuân Hồng (khu B) có quy mô rộng trên 320m2 gồm: phòng đọc phục vụ nhu cầu học tập, đọc sách, phòng đa năng phục vụ sinh hoạt văn nghệ, thể thao cho học sinh và các công trình phụ trợ. Số lượng sách của thư viện khoảng 5.000 cuốn, chủ yếu là các đầu sách dành cho lứa tuổi thiếu nhi như: văn học, ngoại ngữ, lịch sử, kỹ năng sống… Để tạo không gian phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, khi xây dựng thư viện, các chuyên gia Nhật Bản đã tư vấn, thiết kế phòng đọc mang tính thẩm mỹ cao: trên tường là các hình vẽ về các nhân vật trong truyện tranh; phân loại, sắp xếp sách khoa học trên các giá sách… Từ khi đi vào hoạt động năm 2014 đến nay, các trường mầm non, THCS, THPT ở Xuân Hồng đã xây dựng kế hoạch, luân phiên tổ chức “Ngày hội đọc sách” thông qua các buổi học ngoại khóa, các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách cho học sinh nhân dịp khai giảng năm học mới, Ngày sách Việt Nam (21-4). Thư viện mở cửa tất cả các ngày trong tuần và phục vụ miễn phí học sinh. Số lượng học sinh đến Thư viện trẻ em xã Xuân Hồng mỗi năm đạt từ 800-1.000 lượt. Dịp hè là thời điểm thư viện thu hút đông thiếu niên, nhi đồng đến đọc sách và tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao với số lượng từ 20-30 học sinh/ngày.
Để phát triển văn hóa đọc trong học đường, các nhà trường từ tiểu học đến THPT trên địa bàn huyện Xuân Trường tùy điều kiện thực tế đã xây dựng các mô hình: thư viện xanh, thư viện thân thiện, tủ sách lớp học… Các trường hướng dẫn học sinh kỹ năng đọc sách cơ bản cũng như định hướng cho các em chọn lựa các đầu sách hay, bổ ích; khuyến khích học sinh đọc sách trong các giờ ra chơi, chuyển sách từ thư viện trường đến các tủ sách lớp học; giao học sinh tự quản lý tủ sách và cho mượn sách; lồng ghép tổ chức các hoạt động tập thể của khối lớp… Nhiều trường học đã năng động, sáng tạo tổ chức thêm nhiều hoạt động ngoại khóa theo các chủ đề nhằm khuyến khích các em tự nghiên cứu sách, báo để có tư liệu, kiến thức như: tìm hiểu về chủ quyền biển, đảo, an toàn giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường; các cuộc thi: “Rung chuông vàng”, “Theo dòng lịch sử”, “Em là nhà khoa học tương lai”, “Viết về cuốn sách yêu thích của em”… Thông qua việc học sinh xây dựng, biểu diễn các tiểu phẩm, tự sáng tác truyện, thơ để thể hiện khả năng hùng biện, thuyết trình, xử lý các tình huống, rèn luyện kỹ năng sống.
Ở huyện Xuân Trường, sự ra đời và duy trì hoạt động của hệ thống tủ sách NVH thôn, xóm, TDP đã khẳng định được hiệu quả xã hội hóa trong đổi mới và nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa cơ sở theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đến nay, toàn huyện có 312/312 thôn, xóm, TDP có NVH; trên 90% NVH đạt chuẩn, có tủ sách cộng đồng; 20/20 xã, thị trấn có NVH, hội trường trung tâm, có phòng đọc, tủ sách pháp luật. Nhiều mô hình tủ sách cộng đồng hoạt động hiệu quả như: tủ sách làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng; tủ sách xóm Đông Thịnh, xã Xuân Ninh… Khác với Thư viện huyện và các phòng đọc, thư viện cấp xã, tủ sách NVH thôn, xóm, TDP ở Xuân Trường phục vụ linh hoạt về thời gian thuận lợi cho người dân có nhu cầu đọc sách đến mượn. Các kiến thức về pháp luật được nhân dân tiếp nhận qua hệ thống tủ sách NVH đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, góp phần giữ gìn tình làng, nghĩa xóm.
Phát huy kết quả đạt được, UBND huyện Xuân Trường đã ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 20-8-2021 về tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện với các giải pháp: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tầm quan trọng của sách đối với cuộc sống; xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng đọc và phương pháp đọc sách cho người dân; đa dạng hóa các hình thức cung cấp tài liệu, xây dựng và phát triển dữ liệu số thư viện; hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách cộng đồng; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập, phát triển thư viện điện tử, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thư viện. Huyện Xuân Trường phấn đấu đến năm 2025 có 90% học sinh tại các cơ sở giáo dục sử dụng hệ thống thư viện công cộng thường xuyên; 90% người dân sử dụng thư viện (đối với học sinh là 95%) có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí; 100% cơ sở giáo dục ở các bậc học có thư viện; 70% các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tủ sách chuyên sâu phục vụ nghiên cứu và học tập… Định hướng đến năm 2030, người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác; các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc được duy trì và củng cố, môi trường đọc tiếp tục được cải thiện; hoạt động thư viện đáp ứng nhu cầu đọc của người dân./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
nguồn: http://baonamdinh.vn/channel/5087/202110/xuan-truong-phat-trien-van-hoa-doc-trong-cong-dong-giai-doan-2021-2025-2547264/
Có thể bạn muốn xem
The Hero Factor
Ra mắt sách tranh lụa khỏa thân đầu tiên của Việt Nam
Mắt nói – những tiếng nói được hồi sinh từ mắt
Bieguni, Những Người Không Ngừng Chuyển Động
Bạn cần đọc gì để hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia?
Google – Cách quản trị một công ty sáng tạo
Trang sách và tấm lòng
Những đồ công nghệ của một thời đã qua
Người Việt xưa dạy phụ nữ đọc sách và có trách nhiệm quốc dân