Tôi có một thói quen hơi lạ lùng, đó là đi chùa vào chiều 30 Tết.
Nghĩ cũng lạ, với riêng tôi, thiêng liêng nhất trong một mùa Tết, lại là khoảnh khắc ngắn ngủi mấy tiếng đồng hồ trước khi vệt nắng cuối cùng của năm cũ kịp tắt. Khoảnh thời gian như gạch nối vô hình giữa cũ – mới, mà chỉ khi đủ cơ hội ngồi yên, ở yên, ta mới kịp nhận ra cái đặc biệt của nó. Đó là khi người người, nhà nhà đã tạm hoàn tất những công việc chuẩn bị để chào một mùa xuân mới sắp bước sang.
Khoảnh khắc ấy, chắc là lúc thảnh thơi nhất trong một năm, khi lo toan cho mùa cũ vừa đủ để thành muộn màng, và những rộn ràng năm mới hãy còn quá sớm để tìm đến. Chiều 30, trừ những ai gắn chặt kế mưu sinh của mình với Tết là còn phải ngược xuôi tất bật, còn đa số, đều tạm dừng tất cả mọi công việc của mình, kể cả những việc sắm sửa, chuẩn bị cho giao thừa, cho Tết.
Trong cái an nhàn của một buổi chiều như vậy, khi tâm tư đã dứt mọi lo âu, phiền tạp, còn việc gì thích hợp hơn là… đi chùa? Đọc đến đây, ắt hẳn sẽ có bạn hữu phì cười, bởi thông lệ xưa rày người ta chỉ đi chùa sau khi phút giao thừa đã điểm chớ có ai lại đi chùa vào chiều 30 Tết!
Tượng Bổn Sư tĩnh tọa, nụ cười từ ái bất động. Đứng trước sự bất động ấy, tôi nghe trong mình có cái gì đang rung động. Nỗi rung động như hồi tôi 8 tuổi, khi lần đầu bước vào ngôi chùa quê, nhìn Phật tĩnh tọa, tay bắt ấn kiết tường, nụ cười ẩn hiện giữa những sợi khói hương trầm. Nụ cười bất động theo tôi mãi đến bây giờ…
Nhưng hãy thử một lần bước đến cửa già-lam vào khoảnh khắc ấy, ta sẽ có cơ hội thấy một cảnh tượng rất khác. Nhà chùa, cũng như nhà dân, vào buổi chiều 30, đã tạm hoàn tất mọi sự chuẩn bị cho khóa lễ giao thừa. Ngay như ngôi chùa trú xứ của thầy bạn tôi vốn đã yên tịch vắng lặng, buổi chiều 30 Tết, dường như lại càng vắng lặng hơn nữa.
Ngôi chùa nằm lẫn giữa màu xanh của một ngọn đồi, như cá thể nhoài mình về phía ruộng đồng, vượt khỏi bầy núi lô xô điệp trùng mà ngọn cao nhất thường lẫn trong những cụm mây bạc. Địa thế đặc biệt của thành phố quê tôi, nằm chênh vênh giữa núi, đồng và biển khiến cho chùa nửa như gần, lại nửa như xa – dẫu nằm trên một vị thế uy nghi, đẹp đẽ nhưng quanh năm, chùa hiếm khi nào tấp nập, đông đúc. Nếu chẳng phải vì cơ duyên với một vị thầy là bạn tôi chuyển về trụ nơi này cách đây hơn một năm, có lẽ tôi chẳng có nhiều động lực vượt một quãng đường giáp nửa vòng thành phố để tìm lên chùa, vào buổi chiều 30.
Khách viếng chùa nghe được tiếng gió vi vút reo qua khoảng rừng thông, tiếng nước róc rách chảy từ phía núi xa vọng tới, tiếng cá quẫy mình trong hồ nước bên hiên chùa,… Những thanh âm ấy, giả sử như giữa ồn ào, xô bồ của phố thị, dễ có ai nghe thấy; hay ngay cả nếu ta đứng giữa ngôi chùa núi như thế này, nếu tâm tư mải miết chạy theo những lo toan, bề bộn, ắt hẳn cũng chẳng lọt được vào tai.
Dọc thềm chùa, những cụm cúc vàng mãn khai hợp lại với nhau thành một mảng sáng rực. Màu vàng dẫn lối khách lên bảo điện. Mùi trầm hương nhẹ lướt đi trong cái không gian se lạnh, trong nỗi vắng lặng tưởng đến mênh mông. Bất giác, bước chân tôi nhẹ hơn, chậm hơn, đi dần tới trước tượng Đức Bổn Sư. Tưởng chừng chỉ cần gây nên một tiếng động mạnh, bước chân không cẩn trọng chút thôi cũng đủ làm lao xao mặt không gian không một gợn sóng. Tượng Bổn Sư tĩnh tọa, nụ cười từ ái bất động. Đứng trước sự bất động ấy, tôi nghe trong mình có cái gì đang rung động. Nỗi rung động như hồi tôi 8 tuổi, khi lần đầu bước vào ngôi chùa quê, nhìn Phật tĩnh tọa, tay bắt ấn kiết tường, nụ cười ẩn hiện giữa những sợi khói hương trầm. Nụ cười bất động theo tôi mãi đến bây giờ.
Hình như sức mạnh của cái bất động, yên tĩnh, còn lớn lao hơn hết thảy mọi cuộc diễu võ giương oai. Kinh điển còn ghi lại lần viếng thăm vườn xoài Kỳ-bà của vua A-xà-thế. Đấng quân vương bạo tàn, tương truyền chưa từng biết sợ, cuối cùng lại kinh sợ trước cái im lặng hùng tráng của Tăng-già. Hay câu chuyện về Tỳ-kheo Bạt-đề, trong niềm tịch tĩnh của đời sống xuất gia, đã từng thốt lên trong lúc thiền tọa: “Ôi, hạnh phúc!”. Một tổng trấn quyền uy nhưng đầy nỗi lo sợ cho an nguy của bản thân, khi rũ bỏ tất cả, mới thấm hết pháp lạc to lớn của đời sống xuất sĩ không nhà.
Nhưng đó là đời sống của những người có “túc duyên sinh gặp thời có Phật”, còn mình sinh thời này, dễ gì có được phước báu đấy – người bạn của tôi từng nhận định sau khi nghe nhắc đến những câu chuyện đó. Nghe bạn nói vậy, tôi chợt nghĩ khác, ừ thì, có thể rằng mình không có túc duyên sinh gặp thời có Phật như vua A-xà-thế, không có túc duyên được hưởng pháp lạc cao tột như ông Bạt-đề, nhưng hạnh phúc hay sự thanh thản, yên bình trong một đôi phút giây thì vẫn có thể được chứ. Ngay như bản thân tôi, trong buổi chiều cuối năm, giữa cảnh chùa vắng, trước Phật, kiểm đếm rồi đặt lại tất cả nỗi âu lo, muộn phiền nhờ năm cũ giữ giùm, tôi đã đủ để cảm nhận được một chút hạnh phúc nhỏ nhoi nào rồi.
Tôi quay bước đến trước hiên chùa, ngồi xuống một góc tam cấp, cạnh những cụm hoa cúc vàng ươm, dõi ra phía xa dưới chân đồi kia là sóng lúa xanh ngát, xa hơn nữa là biển và xa hơn, bên kia bờ vịnh là phố xá xênh xang. Thỉnh thoảng một chiếc xe máy đổ xuống từ trên đèo vút qua với lỉnh kỉnh những túi đồ đạc cột sau yên xe, chắc là một người buôn bán nào đó đang trên đường chạy về nhà cho kịp Tết. Hoặc cũng có thể là một cậu chàng hay cô nàng nào đó từ thành phố bên kia đèo sang đây đi… trốn Tết cũng nên (hẳn nhiên là trốn luôn những câu hỏi vợ chồng con cái lương bổng nhàm chán từ các bậc phụ huynh).
Nắng chiều nhạt dần. Còn mấy tiếng đồng hồ nữa là hết năm, là Tết. Gió thổi ào qua, sóng lúa dưới chân đồi điệp điệp gợn lên. Bất giác tôi nhớ đến hai câu thơ của Trúc Lâm đại sĩ mà tôi nằm lòng từ thời đại học:
… Khách lai bất vấn nhân gian sự
Cộng ỷ lan can khán thúy vi.
Khách lại đây chẳng hỏi việc đời
Tựa lan can ngắm ven trời biếc xanh.
Giải Hạnh/Báo Giác Ngộ
Có thể bạn muốn xem
Máy bay mất tích trở về sau 35 năm
“Becoming”, hồi ký của cựu Đệ nhất Phu nhân nước Mỹ Michelle Obama sẽ xuất bản tại Việt Nam
Ra mắt Nhật ký cô giáo – Học kỳ Thu
Dấu ấn với người kể chuyện cổ tích hiện đại
Bao điều không nói
Cô bé 10 tuổi dịch sách khoa học – lịch sử
Đường sách TP Hồ Chí Minh mừng đón tuổi lên 3
Lãnh đạo chuyển hóa
Phiếm thần luận – Một lối đi tâm linh cho Thiên niên kỷ mới