Bà Trần Tố Nga, sinh năm 1942 ở Sóc Trăng, từng là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng. Sau 1975, bà từng là Hiệu trưởng Trường Lê Thị Hồng Gấm, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, rồi Hiệu trưởng Trường Sư phạm kỹ thuật TPHCM.
Sau khi về hưu, bà đã tham gia nhiều hoạt động từ thiện, giúp đỡ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Bà được Nhà nước Pháp tặng Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh.
Tháng 5-2009, bà Trần Tố Nga làm nhân chứng tại Tòa án Lương tâm quốc tế ở Paris xét xử 37 công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam; từ đó bà đứng đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ đã làm bà cùng hàng triệu người Việt Nam bị nhiễm dioxin. Bà coi đây là cống hiến cuối cùng của đời mình.
Sáng 30-8, tại NXB Trẻ, tác giả Trần Tố Nga đã ra mắt cuốn tự truyện, với nhan đề Đường Trần – Ngọn lửa không bao giờ tắt.
Đường Trần – Ngọn lửa không bao giờ tắt kể về đường đời 75 năm của tác giả Tố Nga (1942-2017). Quyển sách không chỉ kể lại câu chuyện đời, mà ở đó, còn là cuộc sống và chiến đấu của một lớp người trong giai đoạn đầy biến động của dân tộc. Với đầy rẫy gian nan, thử thách, có những niềm vui và những nỗi buồn, có cả vinh quang và cay đắng, nhưng họ đã không hề do dự hiến dâng thân mình cho độc lập của Tổ Quốc và tự do, hạnh phúc cho con người.
Nhiều nhân vật trong cuốn sách là những người thân yêu trong gia đình cùng nhiều đồng chí đồng đội mà sau này trở thành những người có vị trí quan trọng của đất nước.
Đối với tác giả, con đường Trường Sơn là một phần không thể tách rời khỏi cuộc đời bà và được bà dành khá nhiều trang sách để viết về, trong đó có đoạn: “Trong đời thường, người giỏi đóng kịch có thể che giấu được bản chất thật của mình. Nhưng không ai làm được điều đó trong những hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt, thường xuyên đối mặt với cái chết như ở Trường Sơn. Trường Sơn dạy cho chúng tôi biết sống trong gian khổ, trong đói khát, trong nhọc nhằn, hiểm nguy, dạy cho chúng tôi sống tử tế hơn. Trường Sơn thưởng cho chúng tôi tình người cao quí mà không phải ở đâu cũng tìm thấy được. Trường Sơn cũng là một tấm gương trong vắt, soi rõ con người, soi rõ nhân cách thật giả. Dễ nhận biết con người thật qua cách người ta xử sự với mình và đồng đội trước cái đói và cái chết, khi chỉ có vài hột gạo trong hăng gô, khi máy bay quần trên đầu sẵn sàng xả bom đạn.”
Tự nhận xét về mình, tác giả cảm thán: “Nhiều khi ngẫm nghĩ về đời mình, tôi thấy mình có cái gì đó giống như một cái dấu gạch nối, kết nối những con người có thiện chí, nhưng lại khác nhau về nhiều mặt trong cuộc sống đầy biến động này.
Là người liên lạc của Ban Trí vận, tôi là cái gạch nối giữa lực lượng kháng chiến và những người yêu nước trong thành phố Sài Gòn. Khi bị tù, tôi – cái gạch nối đã giữ trọn khí tiết, không khai báo, đã giữ an toàn cho những người cùng liên hệ. Làm việc mười bảy năm trong ngành giáo dục, tôi là cái gạch nối giữa những thanh thiếu niên đang ngồi trên ghế nhà trường với những giá trị truyền thống của đất nước.
Trong mọi hoàn cảnh, tôi đã cố gắng hết sức để làm một cái gạch nối tử tế, chắc chắn, đáng tin cậy”.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, đơn vị xuất bản và phát hành quyển tự truyện này cho biết đơn vị thực hiện tác phẩm với với mong muốn, cuốn sách của tác giả Trần Tố Nga là một phần của một góc nhìn của người trải qua 2 cuộc chiến tranh, gần như là một nhân chứng gói ghém những dữ liệu của một phần lịch sử. Thêm nữa, là tự truyện của một người tử tế – đi ra từ cuộc chiến, và vẫn chiến đấu cho công lý đến lúc cuối đời.
“Trong mọi hoàn cảnh, tôi đã cố gắng hết sức để làm một cái gạch nối tử tế, chắc chắn, đáng tin cậy” – tác giả TRẦN TỐ NGA
XUÂN THÂN
Có thể bạn muốn xem
Hội chứng Uniqlo
Brand Story – Thổi Hồn Thương Hiệu, Làm Triệu Người Mê
Bộ sách luyện thi tiếng Anh THPT Quốc gia
Khởi nghĩa Duy Tân Thái Phiên – Trần Cao Vân qua các tài liệu mới
Người mẹ giàu có cùng con bay vào tuổi thơ yêu thương
Nẻo về
Osho – Zorba Phật
Có Làm Mới Có Sai
Tác phẩm bắt lỗi từ điển Giáo sư Nguyễn Lân nhận giải Sách Hay