Từ thanh niên “hippy” bỗng trở thành cán bộ cách mạng, chuyện vui về thanh niên xung phong những ngày sau giải phóng… được Nguyễn Đông Thức kể lại hóm hỉnh.
Trong tập 1 bộ hồi ức mang tên Đi qua nước mắt nụ cười (NXB Hội nhà văn) vừa xuất bản, Nguyễn Đông Thức (tên thật là Nguyễn Đức Thông), cho biết trước ngày 30/4/1975, ông đang cùng lúc là sinh viên của ba trường: Cao học năm cuối Học viện hành chánh quốc gia, cao học năm cuối Đại học luật khoa Sài Gòn và cử nhân năm 2 Anh văn Đại học Văn khoa.
Theo hồi ức của nhà văn, mười ngày sau ngày giải phóng Sài Gòn, ông cũng như sinh viên các trường đại học đã được triệu tập vào trường để học tập chính trị.
Từ cuộc gặp ở sân trường với một người bạn của anh trai ông, người đã vào chiến khu nhiều năm trước, lúc này là cán bộ Trường đoàn Lý Tự Trọng có trách nhiệm mở lớp đào tạo cán bộ thanh niên cách mạng, đã “thay đổi cuộc đời ông”, như Nguyễn Đông Thức nhận xét.
Nguyễn Đông Thức kể câu chuyện tuổi trẻ của mình trong Đi qua nước mắt nụ cười.
Bất ngờ được người anh này nhận làm thư ký, anh sinh viên Thông trở thành người ghi tường trình của các thầy giáo dạy mình, khiến có giáo sư phải bất ngờ “Em mà cũng là cán bộ nằm vùng à? Giỏi thật!”, dù trước đó ông nổi tiếng là “dân chơi”: đi xe máy Honda S90 nổ máy ầm ầm, đeo kính Ray-Ban và ăn mặc bụi bặm không giống ai!
Nhà văn kể do việc học tập tại Học viện Quốc gia hành chánh, trường đào tạo cán bộ cũ “không bị bắt đi học tập cải tạo đã là may”, học ngành Luật của chế độ tư bản cũng không thể áp dụng được trong chế độ mới, nên ông quyết định xung phong gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) ngay từ tháng 7/1975.
Những ấu trĩ của các cán bộ quản lý lực lượng TNXP thành phố những ngày đầu được Nguyễn Đông Thức kể lại hài hước, như việc chị đại đội phó hậu cần trước mỗi bữa ăn đều nấu một nồi nước sôi, bắt toàn đại đội cầm bát đũa nhúng vào để tiệt trùng, dù đến người cuối thì nồi nước đã đục ngầu.
Hoặc việc quy định ăn cơm phải dùng đũa hai đầu, tức là đầu lớn để và cơm và đầu nhỏ để gắp thức ăn, khiến đám sinh viên Sài Gòn “muốn điên lên vì gắp thức ăn cứ bị rơi vãi, rơi đũa, rơi bát”.
Chuyện vui về những ngày làm TNXP được nhà văn kể lại bằng giọng văn tưng tửng, hóm hỉnh, như chuyện 90% quân số bị ghẻ, khiến trong các cuộc họp, “tiếng gãi ghẻ vang lên không dứt, anh em cười đùa gọi là Tiếng đàn Bộ Lư”, với giải thích: Bộ Lư là tên một loại thuốc ghẻ nổi tiếng thời bấy giờ, chẳng hiểu sao đến bây giờ thất truyền.
Nguyễn Đông Thức dẫn chứng: đạo diễn Trần Văn H. lúc ở TNXP, khi dẫn cô bạn gái dạo chơi quanh doanh trại, rủ ngồi mà cô dứt khoát không dám ngồi, vì… sợ vỡ các mụn ghẻ ở… mông!
Chuyện “đầu ra” của TNXP cũng rất đặc biệt, lúc đầu chỗ đi vệ sinh ở tất cả các đơn vị đều rất qua loa và bẩn thỉu. Chỉ đến năm 1977, khi bác sĩ đại úy quân y Việt Nam Cộng hòa Thiều Hoành Chí đi cải tạo về, được sở Y tế điều về lực lượng TNXP, ông đã kiên quyết xây dựng hệ thống cầu tiêu hai ngăn cho từng đơn vị. Nhờ thành tích đó, ông được mang biệt danh kỳ lạ là “Bác sĩ cầu tiêu” và trở thành chiến sĩ thi đua tiêu biểu.
Hồi ức cũng kể lại những kỷ niệm vui của một thời đói khát, như việc bắt trộm mèo, trộm gà nấu cháo ăn, những bữa ăn vụng trộm “ngon lạ lùng”, “ngon nhì trong đời tôi”, sau những món ngon nhất do mẹ ông nấu hồi bé.
Trong nhiều năm nay, nhà văn Nguyễn Đông Thức duy trì học bổng Motor – tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Ảnh: Fb nhân vật.
Sau thời gian ở TNXP, có nhiều tin bài cộng tác với các báo, Nguyễn Đông Thức được tuyển về công tác tại báo Tuổi trẻ. Do vẽ bức biếm họa đả kích một ông thầy dạy báo chí có hành vi vô văn hóa với học viên trên báo tường, ông bị kỷ luật. Tháng 11/1979, ông nhập ngũ, trải qua 2 năm đóng quân ở Campuchia.
Ở đó, ông tiếp tục viết báo, sáng tác truyện, có truyện ngắn được giải thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đến tháng 10/1981, ông xuất ngũ và trở lại làm báo Tuổi trẻ.
Phần đầu hồi ức Đi qua nước mắt nụ cười, Nguyễn Đông Thức kể về gia đình của mình, gồm toàn những người làm nghề văn chương báo chí, với cha là nhà văn Hồng Tiêu (Nguyễn Đức Huy), mẹ là nhà báo, nhà văn nổi tiếng Bà Tùng Long (Lê Thị Bạch Vân) và bác là chủ báo Sài Gòn mới Bút Trà (Nguyễn Đức Nhuận).
Bên cạnh đó là kỷ niệm về thời đi học, những mối tình đầu của ông, được kể cùng những biến động của xã hội Sài Gòn những năm chiến tranh.
Bộ Hồi ức của Nguyễn Đông Thức sẽ có thêm tập 2, viết về quãng đời viết báo, viết văn và rong ruổi, hoạt động thiện nguyện của ông.
Nguyễn Đông Thức sinh năm 1951, từng là Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ báo Tuổi trẻ. Ông cũng là nhà văn tên tuổi, với những tiểu thuyết được bạn đọc yêu mến như Ngọc trong đá, Ngôi sao cô đơn, Vĩnh biệt mùa hè…
Lê Tiên Long/zing.vn
Có thể bạn muốn xem
Tác giả văn học bị quên ngay tại phim trường
Ra mắt ấn bản đặc biệt bốn tác phẩm văn học kinh điển thế giới
Những mùa gió rát – Thổi qua những phận người
Các vấn đề triết học phương Tây hiện đại
‘Gái tỉnh lẻ’: Chuyện của những người xa nhà lập nghiệp
Nhà máy sản xuất niềm vui
Hóa chất trong các sản phẩm tiêu dùng nhựa nguy hiểm như thế nào?
Trang sách và tấm lòng
‘Khán giả học’ – vai trò của người xem phim