Sách “An Nam Truyện” – tập hợp các ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc – cho thấy có nhiều điểm sử các triều đại Trung Quốc viết sai lệch về tình hình nước ta.
Trong cuốn An Nam Truyện, dịch giả – nhà nghiên cứu độc lập Châu Hải Đường (Lê Tiến Đạt) – nhận xét: “Thường việc mất của các vua Việt Nam ghi trong sử Trung Quốc bị chậm một năm. Do đường xá xa xôi, các sứ đoàn báo tang phải mất từ 7-8 tháng, có khi phải cả năm mới đến được kinh đô Trung Quốc. Sử quan Trung Quốc chép sự kiện vào thời điểm nhận được biểu tấu báo tang”.
Sai cột mốc thời gian
“Ví dụ Đại Việt sử ký toàn thư chép là vua Lê Hoàn mất tháng Ba năm Ất Tị (1005), thì Tống sử chép là ‘Năm Cảnh Đức thứ ba (1006), Hoàn chết, lập con thứ là Long Việt'”.
Việc các vua nhà Lý hoặc cả nhiều vua triều sau mất cũng bị chép trong sử nhà Tống chậm một năm so với sử Việt.
Sách An Nam Truyện do Châu Hải Đường dịch, biên soạn những câu chuyện về Việt Nam được ghi trong chính sử Trung Quốc. Ảnh: TĐ
Về tuổi của một số vua Việt Nam, sử Trung Quốc cũng không nắm chính xác. Như khi vua Lý Thái Tổ mất, Tống sử ghi: “Công Uẩn chết, thọ 44 tuổi”, trong khi sử Việt Nam cho biết Lý Thái Tổ sinh năm 974, thọ 55 tuổi”.
Trong Nguyên sử, phần đầu tổng lược về lịch sử Việt Nam như sau: “Nhà Tống phong Đinh Bộ Lĩnh làm Giao Chỉ quận vương, con là Liễn cũng làm vương. Truyền qua ba đời thị bị Lý Công Uẩn đoạt lấy”. Như vậy, Nguyên sửđã chép thiếu thời kỳ Tiền Lê của vua Lê Hoàn, truyền tới 3 đời, trải qua tới 29 năm.
Về mốc lịch sử là khi triều đình phong kiến Trung Quốc chính thức công nhận Đại Việt là một đất nước độc lập, sử hai nước có sự khác biệt lớn. Đó là sự kiện lần đầu vua Đại Việt được phong là An Nam quốc vương.
Trước đó, các vua Việt Nam chỉ được vua Trung Quốc phong là Giao Chỉ quận vương, chỉ sau khi mất, mới được truy phong là Nam Việt vương. Hoặc một số vua như Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông khi đương thời được phong Nam Bình vương, nhưng chưa được chữ “quốc vương”.
Trong khi Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ) chép năm 1164, vua Tống Hiếu Tông phong Lý Anh Tông làm An Nam quốc vương, thì Tống sử ghi mốc lịch sử này lùi tới 10 năm: “Tháng 2, năm Thuần Hi nguyên niên (1174) tiến phong Thiên Tộ (Lý Anh Tông) là An Nam quốc vương, gia hiệu Thủ khiêm công thần. Năm thứ hai, ban tặng An Nam quốc ấn”.
Đến đời Lê Thái Tổ, Minh sử chép: “Lợi tuy nhận sắc mệnh (phong làm quyền An Nam quốc vương), nhưng ở trong nước vẫn xưng đế, đặt niên hiệu là Thuận Thiên. Dựng hai kinh đô ở Đông, Tây, chia nước làm 13 đạo”.
Trong khi đó, Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ) chép thời Lê Thái Tổ “chia cả nước làm 5 đạo”, và phải đến thời Lê Thánh Tông mới chia cả nước thành 13 đạo thừa tuyên.
Chuyện Lê Thái Tổ xưng đế, bộ sử nước ta viết thời nhà Nguyễn là Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Trước kia, khi Thái Tổ lên ngôi vua, bầy tôi làm tờ biểu dâng đế hiệu, Thái Tổ nhún nhường không chịu nhận, phàm cho ban hành tờ chiếu tờ cáo đều xưng là vương. Đến đời Thái Tông, Nhân Tông vẫn theo vương hiệu”.
Sử Trung Quốc không chép kỹ về thất bại trước Việt Nam
Sử sách Trung Quốc thường không chép kỹ về các thất bại của họ trước quân đội Việt Nam. Như chiến thắng của vua Lê Hoàn trước quân Tống năm 981, Tống sử chỉ viết vắn tắt: “Hoàn trá hàng để dụ (Hầu) Nhân Bảo, Nhân Bảo bèn bị giết chết. Chuyển vận sứ Hứa Trọng Tuyên dâng tấu chuyện này, bèn rút quân về”.
Tuy chỉ chép sơ sài như vậy, nhưng Tống sử vẫn cho thấy đây là một thất bại cay đắng của quân đội Trung Quốc, khi các tướng khác đều bị xử tội rất nặng.
“Vua sai sứ đến hặc tội bọn Trừng, Thực, Soạn. Ít lâu thì Trừng bị bệnh chết, còn bọn Thực bị chém ở ngoài chợ Ung Châu. Toàn Hưng về đến cửa khuyết, cũng bị thuộc lại giết chết, những kẻ còn lại đều bị trị tội nhiều ít khác nhau. Nhân Bảo được tặng (tước) Công bộ Thị lang”.
Tranh Đông Hồ mô tả Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán. Trong khi đó, sử Trung Quốc nói sơ sài về việc này.
Về ba lần quân Nguyên – Mông xâm lược nước ta, ở lần thứ nhất, năm 1258, Nguyên sử chỉ chép vắn tắt chuyện quân Nguyên kéo vào, đánh bại thủy quân nhà Trần, vua quan quân nhà Trần rút lui khỏi kinh đô.
Quân Nguyên vào thành Thăng Long, “tìm được hai sứ giả đang bị nhốt trong ngục, đều bị dùng những mảnh tre bó vào mình, đâm thủng cả da. Đến khi cởi trói, thì một sứ giả đã chết. Nhân bèn san phẳng thành ấy. Quân triều đình lưu lại 9 ngày, vì khí hậu oi nóng, bèn rút quân về”.
Ở 2 chiến dịch xâm lược lần sau của quân Nguyên vào các năm 1285, 1288, Nguyên sử có chép chi tiết hơn, nhưng đa phần là khoe chiến thắng, đến cuối chỉ giải thích việc rút về ở lần thứ hai là do “quan quân thiếu thốn, tử thương cũng lắm, quân kỵ của Mông Cổ cũng không thể thi thố được tài năng”.
Còn ở lần xâm lược thứ ba thì do chư tướng bàn rằng: “Giao Chỉ không có thành trì để đóng giữ, không có kho vực để lấy lương ăn, các thuyền lương của Trương Văn Hổ lại không đến được, hơn nữa khí trời đã nóng, e rằng lượng cạn quân mệt, không lấy gì để duy trì lâu dài được, thì lại làm hổ thẹn cho triều đình, nên toàn quân mà về”, và cuối cùng “Trấn Nam vương (Thoát Hoan) nghe theo”. 
An Nam Truyện là một tài liệu quý giá dành cho những người yêu thích tìm tòi, khám phá về lịch sử Việt Nam. 
Liên quan đến bên thứ ba, Minh sử còn chép đến việc quân nhà Lê năm 1442 đánh Chiêm Thành, bắt vua Ma Ha Bôn Cai đem về nước, trong khi sử nước ta không chép việc này.
Gần hơn, sự kiện diễn ra trong những năm đầu của phong trào Tây Sơn, mà sử nhà Thanh là bộ Thanh sử cảo vẫn chép nhầm: “Nguyễn Huệ bèn tự làm Thái Đức vương, Trịnh Đống (tức Trịnh Sâm) tự làm Trịnh Tĩnh vương, hai bên không chịu kém nhau, Duy Đoan (tức vua Lê Hiển Tông) không thể làm thế nào được”. 
Trong khi đó, sử Việt Nam đều ghi Nguyễn Nhạc mới xưng làm Thái Đức Hoàng đế, Nguyễn Huệ lúc đó chỉ được anh phong cho làm tướng quân mà thôi.
Hoặc như về niên hiệu của vua Gia Long, sử nhà Thanh cho rằng: “Nguyễn Ánh lấy được nước, phần nhiều là nhờ binh lực ở Gia Định và Vĩnh Long, vì vậy bèn lấy tên hai tỉnh ấy làm niên hiệu, gọi là Gia Long”. Ngược lại, theo bộ sử nhà Nguyễn Đại Nam thực lục, thì đến năm 1823, vua Minh Mạng mới cho đổi tên trấn Vĩnh Thanh thành Vĩnh Long.
Theo nhà nghiên cứu Châu Hải Đường, các phần viết về Việt Nam trong các bộ sử Trung Quốc đều phản ánh quan điểm của các sử gia Trung Quốc xưa. Do nhiều bất cập quá trình thu thập, xử lý thông tin, điều kiện cách trở về thời gian, địa lý, hoàn cảnh đương thời như chiến tranh, loạn lạc, nên có rất nhiều điểm viết trong các bộ sử này sẽ không chính xác hoặc khác biệt so với ghi chép trong sử sách Việt Nam.
Để giúp người đọc hiện nay có thể hiểu, so sánh, tìm tòi khám phá một góc nhìn khác của sử Việt, tác giả Châu Hải Đường đã tập hợp tất cả các thông tin liên quan đến Việt Nam trong 17 bộ chính sử Trung Quốc để dịch và biên soạn thành An Nam Truyện.
Đây là một tài liệu quý giá dành cho những người yêu thích tìm tòi, khám phá về lịch sử Việt Nam.
Lê Tiên Long/Zing.vn