Cung đường ngoại thành lượn vòng hiu hiu gió, nắng chói làm dậy thơm mùi hương đồng đất, đánh thức cả trời ký ức. Mùi rơm thơm. Thứ mùi mang lại sự bình an, ngọt ngào niềm vui thóc lúa khô nỏ đầy bồ. Những cọng rơm phơi ven đường giăng mắc vào gầm xe theo về phố thị, giăng mắc vào tôi bao dấu yêu xưa cũ.

Một thuở, làng quê chủ yếu dùng rơm để lợp mái nhà. Những mái nhà tranh lúp xúp cứ mấy năm lại được thay mới một lần, khi rơm ngả sang màu tro mục. Ở quê, hầu như khi cần thay mái, người dân thường chọn thời điểm sau vụ lúa chiêm xuân, trước khi mùa bão tràn qua. Họ kỹ lưỡng chọn rơm ở những thửa lúa tốt để dành đánh tranh. Những đon lúa sau khi tuốt sạch sẽ được buộc túm phần ngọn rồi đem rải xòe gốc như hình chiếc nón mà phơi. Gặp lúc bận bịu thì chỉ rải bằng ra trên bờ ruộng hoặc bờ đê, phơi khô rồi mới bó. Chuẩn bị nguyên liệu đánh tranh, phụ nữ và trẻ nhỏ sẽ giũ rơm, chải rơm để lược bớt đi phần tơ tướp. Đàn ông thì chẻ hom, chuốt dây mây… Khi đánh tranh, từng nắm rơm được soạn lại sao cho thật bằng, nẹp vào hom cho dày và chặt. Những cọng rơm nhỏ bé khi hợp thành một khối, mùi rơm no nắng thơm ngan ngát chứa đựng những giọt mồ hôi và cả niềm vui mùa lúa trúng đã đi qua.

Rơm rạ là chất đốt hàng ngày, sau vụ gặt cũng là lúc đám trẻ chúng tôi nghỉ hè, nên thường rủ nhau đi mót rơm. Chỉ cần một chiếc gậy và sợi dây thừng (hoặc dây chuối), chúng tôi tìm đến các ngả đường đồng, đi dọc bờ đê gom gẩy những cọng rơm còn sót lại. Mỗi buổi chỉ cần thu được một bó chặt to hơn vòng ôm là có thể thoải mái vui chơi rồi. Ngày ấy với sức lao động nhỏ bé, chúng tôi coi những bó rơm là một dạng thành quả, là hình thức thi đua lẫn nhau. Đi mót rơm khiến bọn trẻ thích thú, vì sẽ có cơ hội tìm bắt những chú muồm muỗm, cà cuống béo tròn, hay cào cào, châu chấu núp ven vệ cỏ. Mấy đứa sẽ “hùn” rơm để nướng, chỉ cần nghe mùi thơm ngào ngạt, béo ngậy bay lên là bao mệt nhọc như tan biến. Mỗi sớm trong góc bếp thân thuộc, những củ khoai nóng hổi vùi vào lớp tro rơm mới đỏ rực như cũng được ướp hương mà thơm hơn, ngọt hơn.

Nắng hạ nóng nực, oi bức thì khó chịu đấy, nhưng người nông dân chưa khi nào sợ nắng. Bởi nắng cho lúa khô nỏ, cho rơm thơm lừng. Sau mỗi mùa thu hoạch, bà nội lại chọn rơm tết chổi. Bà tết chổi lớn, chổi bé, chổi quét nhà, quét sân, chổi dành quét bếp, chổi để quét ngõ, quét đường. Căn nhà nhỏ cứ rộn ràng tiếng rơm lẹt rẹt và phảng phất mùi rơm khô quyện nắng đưa hương ngọt ấm. Những buổi chăn trâu, đám nhỏ đem theo bột giặt rồi lấy nước sông hòa ra, xong thì đi tìm cọng rơm để thổi bong bóng xà phòng. Trò chơi trốn tìm quanh những cây rơm hẳn phải được gọi tên là “trò chơi quốc dân”, bởi lứa trẻ nông thôn những năm 90 trở về trước đứa nào cũng biết. Cái cảm giác thích thú xen lẫn hồi hộp khi phủ rơm kín người rồi nằm, ngồi yên không động đậy, thật là một trò vui hấp dẫn. Chơi trốn tìm mà có đứa ngủ quên luôn trong ụ rơm, khiến cả nhà nháo nhào đi tìm. Tìm thấy còn bị mắng, bị đòn roi vì tội mải chơi và làm cha mẹ lo lắng nữa.

Khi những chiếc máy cày, máy cấy, máy gặt đập liên hoàn ra đời và ứng dụng vào thực tiễn, sức lao động của con người và gia súc được giải phóng. Nhưng sức hút của nền công nghiệp thị thành đã kéo người dân dần rời xa đồng ruộng. Nhiều năm nay cánh đồng chỉ nhộn nhịp cấy cày một vụ trong năm, trâu bò chẳng còn mấy nhà nuôi. Nhà tranh thì đã xóa từ lâu, chất đốt bằng ga sạch sẽ phổ biến. Mùa gặt, quê nhà vẫn ngát thơm rơm vàng, nhưng còn mấy ai chăm chút canh phơi, tích lũy dùng chăn nuôi, đun nấu. Đi ngang cánh đồng mùa gặt bây giờ, chỉ nghe mùi khói đốt đồng từ những vạt rơm vàng óng ánh. Mừng vì cuộc sống đổi thay, nhưng lòng cứ mãi nhớ thương những mùa rơm thơm ngọt. Những mùa rơm đã trải bao thăng trầm của một thời, của đời người…

nguồn: Mai Đình/báo Thừa Thiên Huế