Tập thơ “Tiếng xa” của tác giả Thiệp Nguyễn là những tình cảm giản dị mà gây xúc động bởi nó gợi nhớ ký ức của bao người Việt.

Tập thơ Tiếng xa của Thiệp Nguyễn. Ảnh: L.L.
Tập thơ Tiếng xa của Thiệp Nguyễn. Ảnh: L.L.

Sáng 12/6, trong buổi ra mắt tập thơ Tiếng xa của tác giả Thiệp Nguyễn, những câu thơ từ bài Về nhà được trình bày bằng giọng đọc giàu cảm xúc của NSƯT Lê Chức khiến người nghe không khỏi bồi hồi.

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, nguyên Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, trong thời buổi ngày nay, khi quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa diễn ra quá nhanh, đôi khi, những nét thân thương, những nét văn hóa gắn bó với người Việt bao lâu nay bị mai một đi. Người ta đâm ra hoài niệm. Bởi vậy, những câu thơ của tác giả Thiệp Nguyễn bình dị, nắm bắt được đúng những nét giá trị là đủ để khiến độc giả xúc động.

Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng những ý thơ giản dị nhất đôi khi lại là ý thơ lay động lòng người. Ảnh: L.L.
Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng những ý thơ giản dị nhất đôi khi lại là ý thơ lay động lòng người. Ảnh: L.L.

Trong tập thơ Tiếng xa, độc giả bắt gặp một cậu bé nhảy cầu tắm sông, một mâm cơm đặt ngoài trời, bà con hóng mát bên cổng làng, mùi nhãn lồng trong những ngày hè oi ả… Những hình ảnh giản dị, ấm áp ấy, dường như người Việt Nam nào cũng từng thấy qua.

Cậu bé thôn quê ngày nào ấy trải qua kháng chiến, Ngày Độc lập và những năm tháng xây dựng quê hương đất nước, khi về nhà đã không còn thấy những hình ảnh quen thuộc trong ký ức nữa. Quá nhiều thứ đã đổi thay, nhà thơ không khỏi bồi hồi, “rưng rưng giọt lệ”.

Nhà thơ Thiệp Nguyễn, tên thật là Nguyễn An Ninh, sinh năm 1940, là một kỹ sư cơ khí nhưng bén duyên với thơ ca.

Xúc động với những nỗi niềm thời đại, ông bắt đầu sáng tác thơ về tình yêu quê hương đất nước, về tình nghĩa con người, về trách nhiệm của thế hệ trẻ với đất nước.

Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng thơ đại chúng Việt Nam đang rất phổ biến. Số người làm thơ đại chúng có thể lên đến hàng triệu người. Ông cho rằng phong trào thơ đại chúng cũng đáng mừng, vì điều này cho thấy ở Việt Nam có nhiều người yêu thơ.

Thơ xuất bản nhiều là vậy, nhưng số lượng thơ chất lượng chỉ chiếm một phần nhỏ. Ông cho rằng đây cũng là điều bình thường và rằng đến một thời điểm trong tương lai, những tác phẩm giá trị thật sẽ đứng vững. Đôi khi, những câu thơ phản ánh những sự thật giản dị nhất lại là những câu thơ lay động lòng người nhất.

nguồn: zingnews