Đau nhói, đau bỏng rát, đau dồn dập, đau buốt, đau quặn, đau dai dẳng… tóm lại: bạn đang đau!
Chẳng ai hoàn toàn miễn nhiễm với những cơn đau.
Không ai sống cả đời mà chưa từng đau đớn.
Vào lúc này hay lúc khác, nó chắc chắn sẽ xuất hiện – nhẹ nhất thì hơi ấm ách khó chịu, nặng nhất thì đau không chịu nổi.
Đau là một phần của cuộc sống, dẫu đó là cơn đau nửa đầu, đau răng, đau khớp, đau lưng hoặc đau bụng. Dù có ý chí kiên cường nhất thế giới chăng nữa, chúng ta cũng chẳng thể diệt trừ nó tận gốc.
Các bác sĩ nhi khoa ngày nay đều nhất trí rằng tiếng khóc đầu đời chính là biểu hiện của cảm giác đau đớn mà bào thai phải hứng chịu sau cả một quá trình, từ lúc nỗ lực thoát khỏi tử cung của người mẹ cho đến khi trở thành một em bé sơ sinh đang nuốt những ngụm không khí đầu đời trong lúc hai lá phổi non nớt bắt đầu nở ra.
Phải chăng chúng ta đã đến với thế giới này trong sự đớn đau?
Có lẽ vậy.
Chúng ta không hề nhớ một chút gì về cảm giác đau đớn ấy, thế nhưng nó lại trở thành “bức phông nền” đón nhận tiếng dội từ tất cả những cơn đau trong tương lai của chúng ta, dù nhẹ hay nặng.
Kiểm soát cơn đau bằng thuốc là một lĩnh vực tương đối mới.
Từ giữa thế kỷ 20, các phương pháp trị liệu mới đã có thể kiềm chế cơn đau trong những tình huống cực điểm, nhất là đối với các bệnh nhân đang mắc bệnh nan y giai đoạn cuối. Nhưng còn những cơn đau đời thường, loại cơn đau tuy không gây nguy hiểm tính mạng nhưng vẫn phá vỡ cuộc sống yên ổn của chúng ta, thì sao?
Chúng ta thường “tiêu diệt” chúng bằng những loại thuốc giảm đau không cần kê đơn (như aspirin, paracetamol, ibuprofen, v.v.).
Tuy nhiên, những loại thuốc này luôn đi kèm với nhiều rủi ro.
Thảng hoặc, chúng có thể phù hợp trong một số trường hợp, như khi bạn bị bong gân cổ tay và không thể viết trong vài ngày hoặc bị đau răng đến mức phải tìm đến bác sĩ nha khoa. Nhưng khi cơn đau trở nên dữ dội hơn hoặc bắt đầu kéo dài dai dẳng, thì lúc này câu chuyện lại hoàn toàn khác.
Khi bạn sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên, tác dụng của chúng sẽ giảm dần theo thời gian, và việc sử dụng thuốc kéo dài có thể dẫn đến các tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Vậy chúng ta có thể làm được gì đây?
Chúng ta sẽ dùng thuốc theo kiểu “bạ đâu uống đấy” mà chẳng màng đến những rủi ro hay nên “cắn răng chịu đựng”?
Phương án hành động tốt nhất là giải pháp trung gian giữa hai hướng đi này.
Cơn đau trước hết chính là một thông điệp mà chúng ta cần phải lắng nghe.
Đó là tín hiệu cho thấy “có thứ gì đó” đang trở nên bất ổn trong cơ thể chúng ta, dẫu đó chỉ đơn giản là một chiếc dằm đâm vào ngón tay, là chứng viêm dạ dày hoặc tình trạng lệch đĩa đệm cột sống.
Chúng ta nên lưu ý rằng, mức độ dữ dội của cơn đau có thể không tương quan với mức độ nghiêm trọng của tình trạng bất ổn, nhưng chắc chắn nó vẫn sẽ quyết định mức độ khẩn cấp của vấn đề mà chúng ta phải ứng phó.
Do vậy, việc nghe ngóng thông điệp của cơn đau trước khi cố gắng xoa dịu nó mang một ý nghĩa hết sức quan trọng; bằng không, vấn đề có thể tiếp tục âm thầm chuyển biến nghiêm trọng hơn.
Trong lúc nghe ngóng như vậy, chúng ta cũng cần phải nhận thức rõ về căn nguyên của cơn đau nhằm giải quyết nó tận gốc, chẳng hạn chúng ta phải rút chiếc dằm ra, có biện pháp giảm viêm nhiễm hoặc thực hiện bất kỳ giải pháp cần thiết nào khác.
Lấy ví dụ như một cơn đau răng.
Thường thì đây là dấu hiệu cho thấy một hốc rỗng đang hình thành trong ngà răng và đang ăn sâu đến gần buồng tủy nơi trú ngụ của dây thần kinh.
Thuốc giảm đau có thể loại bỏ cơn đau nhưng sẽ không ngăn ngừa được bước tiến hủy diệt của vết răng sâu.
Do vậy, bạn hãy thận trọng, chớ nên cầm đèn chạy trước ôtô!
Một khi đã nhận định được căn nguyên, bạn sẽ không cần phải chịu đựng cơn giày vò lâu thêm nữa.
Tín hiệu đã được lắng nghe và chúng ta có thể hành động.
Bước thứ hai: tìm giải pháp giảm đau phù hợp với vấn đề mà chúng ta đã nhận dạng.
Và lựa chọn thì có tới hằng hà sa số!
Ngoài thuốc Tây, thứ vốn dành cho những trường hợp khẩn cấp hoặc những cơn đau nghiêm trọng, nền y học truyền thống còn trao cho chúng ta cả một kho tàng các sản phẩm cũng như phương thức giảm đau chẳng những an toàn mà còn vô cùng hiệu quả.
Chúng ta có các loại thảo dược, dĩ nhiên rồi, và các loại tinh dầu chiết xuất từ đủ mọi loại thực vật. Nhưng chúng vẫn chưa phải là nguồn giải pháp giảm đau duy nhất.
Các nguyên liệu thiết yếu như đất sét và bột baking soda cũng có khả năng kiểm soát một số loại cơn đau nhất định.
Những thay đổi trong chế độ ăn có thể phát huy tác dụng đối với những cơn đau tái phát.
Nếu bổ sung thêm cả các bài tập thở, các kỹ thuật xoa dịu căng thẳng, bài tập yoga và phương thức xoa bóp, bạn sẽ sở hữu cả một kho vũ khí để chiến đấu với tất cả (hoặc gần như tất cả) các cơn đau thông thường trong cuộc sống hằng ngày mà không gây ra dù chỉ một nguy cơ nhỏ nhất đối với cơ thể mình.
Mục lục:
LỜI GIỚI THIỆU 6
CƠ CHẾ TRUYỀN DẪN CỦA CƠN ĐAU 11
CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG ĐIỀU TRỊ CƠN ĐAU 23
HÍT THỞ SÂU VÀ THƯ GIÃN 51
LỜI KHUYÊN THIẾT THỰC ĐỐI VỚI
CÁC CHỨNG BỆNH PHỔ THÔNG 73
DANH MỤC CÁC CƠN ĐAU: KHI NÀO CẦN
TƯ VẤN Y TẾ 172
DANH MỤC THAM KHẢO VẮN TẮT
CÁC LOẠI THỰC VẬT & THẢO MỘC 176
Có thể bạn muốn xem
Việt Pun
Đi dọc dòng sông Phật giáo
Musk Mania – Cơn Cuồng Musk
Hiệu sách Đông Nam Á ở Đài Loan
Sách của tác giả người Việt được mua bản quyền tại Anh
Muji – Đơn giản là hoàn mỹ
Để làm gì – Tạp bút
Hiệu ứng ngược của cuộc diệt chuột năm 1902 ở Hà Nội
Cộng Tác Với Kẻ Thù